10:00 21/10/2021

Khí heli - 'mỏ vàng' mới của Nam Phi

Tại một đồng bằng ở Nam Phi, nơi từng là địa điểm sản xuất vàng lớn nhất thế giới, các nhà thăm dò đã tình cờ phát hiện một kho báu mới: khí heli.

Không chỉ được sử dụng làm khí bơm cho những quả bóng bay trong các buổi tiệc sinh nhật, khí heli có vai trò rất quan trọng trong các hoạt động như chụp chiếu y tế, sản xuất chất siêu bán dẫn hay du hành vũ trụ.

Khí đốt tự nhiên là thứ mà hai nhà thăm dò Stefano Marani và Nick Mitchell đã nghĩ đến khi họ mua quyền khai thác khí đốt trên mảnh đất rộng 87.000 ha ở tỉnh Free State vào năm 2012, chỉ với 1 USD. Khi kiểm tra khí tự nhiên, họ đã phát hiện một lượng khí heli cao bất thường được trộn lẫn trong đó, đồng nghĩa khoản đầu tư chỉ vỏn vẹn 1 USD của họ có thể trị giá tới hàng tỷ USD.

Những thử nghiệm đầu tiên trên cho thấy nồng độ khí heli chiếm 2 - 4%, cao hơn nhiều so với nồng độ 0,3% ở các địa điểm tại Mỹ. Các cuộc thăm dò sâu hơn đã phát hiện ra nồng độ khí heli cao tới 12%.

Công ty Renergen của các nhà thăm dò trên hiện gần như đã sẵn sàng bắt đầu sản xuất cả khí đốt tự nhiên lẫn khí heli, đưa Nam Phi lên bản đồ khu vực sở hữu trữ lượng khí heli có thể là giàu nhất và sạch nhất trên thế giới.

Theo công ty Nghiên cứu và các thị trường, thị trường khí heli toàn cầu ước tính có giá trị 10,6 tỷ USD vào năm 2019. Do trên thế chỉ chỉ chưa đến 10 quốc gia sản xuất khí heli nên nguồn cung cấp thường xuyên bị gián đoạn.

Renergen ước tính trữ lượng khí heli mà công ty này sở hữu có thể lên tới 9,74 tỷ m3 - lớn hơn so với trữ lượng đã được ghi nhận của toàn nước Mỹ. Con số này đủ để cung cấp khí bơm cho khoảng 1.400 tỷ quả bóng bay trong các bữa tiệc. Nếu được chứng minh, ông Marani cho biết trữ lượng khí heli đó sẽ có giá hơn 100 tỷ USD.

Renergen có kế hoạch lắp đặt 19 giếng khí đốt vào đầu năm tới.

Khí được khai thác hiện được sử dụng làm khí nén tự nhiên trong một dự án thí điểm để chạy xe buýt. Cuối cùng nhà máy này sẽ xử lý khí tự nhiên hóa lỏng để sử dụng trong nước và heli lỏng để xuất khẩu.

Nhu cầu và giá của khí heli đã tăng hơn gấp đôi trong 30 năm qua. Khi việc sử dụng khí heli ngày càng nhiều, các quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm đến việc đảm bảo nguồn cung ổn định. Nga, Tanzania và Mỹ đều đang xem xét việc phát triển các nguồn dự trữ khí heli mới.

Phương Oanh (TTXVN)