03:19 23/03/2020

Khí hậu và Nước

Sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả hơn trong mọi hoạt động của đời sống hằng ngày cũng như trong nông nghiệp và công nghiệp có thể làm giảm lượng khí thải gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, qua đó giúp giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.

Ngược lại, ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu cũng chính là biện pháp bảo vệ nguồn nước, bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn... làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên nước mặt và nước ngầm. Đây là bằng chứng cho thấy mối liên quan chặt chẽ giữa “Khí hậu và Nước” - chủ đề của Ngày Khí tượng thế giới 23/3 năm nay, tiếp nối chủ đề “Nước và Biến đổi khí hậu” của Ngày Nước thế giới 22/3.

Chú thích ảnh
Một hồ nước khô cạn do nắng nóng kéo dài tại Ajmer, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Khí hậu và nước đều là các yếu tố trọng tâm của các mục tiêu toàn cầu về phát triển bền vững, bởi vậy Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) chọn chủ đề này nhằm thúc đẩy các hoạt động hướng tới hoàn thành Mục tiêu phát triển bền vững số 6, đó là đảm bảo nước và vệ sinh cho tất cả mọi người vào năm 2030, và Mục tiêu phát triển bền vững số 13 về triển khai các hành động khẩn cấp để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cả hai mục tiêu này hoàn toàn có nguy cơ bị đảo ngược nếu thiếu sự phối hợp đồng bộ của các nước ở cấp độ quốc gia và toàn cầu trong công tác quản lý khí hậu và nước một cách nhịp nhàng và bền vững.

Nước là một trong những nguồn tài nguyên quý giá của thế kỷ 21, quyết định sự tồn tại của con người cũng như mọi sinh vật trên Trái Đất. Tuy nhiên, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo tài nguyên nước của thế giới đang đối mặt với "mối đe dọa chưa từng có". Bên cạnh tác nhân chính là biến đổi khí hậu - làm thay đổi vòng tuần hoàn nước trong tự nhiên qua đó làm giảm nguồn nước, thì yếu tố con người cũng đặt ra một mối đe dọa đáng kể.

Sự bùng nổ kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia trên thế giới đã kéo theo sự phát triển của ngành nông nghiệp mà trong đó chăn nuôi gia súc là hoạt động tiêu thụ nhiều nước sạch nhất. Bằng chứng là, để sản xuất 1 kg thịt bò cần tới 18.000 lít nước, trong khi để có một lít sữa bò mất tới 1.000 lít nước. Một trang trại chăn nuôi lợn (khoảng 80.000 con) ở Mỹ tiêu tốn trung bình 337,5 triệu lít nước mỗi năm. Còn tại những trang trại lớn quy mô 1 triệu con, lượng nước sạch sử dụng có thể đủ cấp cho một thành phố.

Trong trên thế giới có khoảng 2,2 tỷ người đang thiếu nước sạch, thì ngành chăn nuôi gia súc đang tiêu thụ tới 70% lượng dự trữ nước ngọt dành cho con người. Lượng nước sạch sử dụng trong các ngành công nghiệp cũng rất lớn trong bối cảnh công nghiệp hóa toàn cầu. Theo đó, phải mất 10 lít nước để sản xuất ra 1 tờ giấy và 91 lít nước để sản xuất 500gram nhựa. Với đà này, nhu cầu nước dành cho sản xuất trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng tới 400% từ năm 2000 đến năm 2050. Đáng chú ý, tổng lượng nước sử dụng trên toàn thế giới, cả trong sinh hoạt hằng ngày và trong sản xuất, đã tăng gấp 6 lần trong một thập niên qua, vượt quá khả năng cung cấp của tự nhiên.

Thực tế này đang đòi hỏi các chính phủ phải tăng cường công tác quản lý, giám sát và dự báo các nguồn cung cấp nước, đồng thời cải thiện hiệu quả sử dụng nước. Đơn cử trong ngành chăn nuôi gia súc, nhiều quốc gia giàu về dầu mỏ nhưng “nghèo” nước ngọt như Saudi Arabia, Libya và một số nước ở vùng Vịnh đã thuê hàng triệu hécta đất ở các nước kém phát triển hơn để làm trang trại chăn nuôi gia súc nhằm bảo vệ nguồn dự trữ nước ngọt trong nước.

Nhiều nước lại có cách tiếp cận khác khi khuyến khích người dân giảm lượng thịt tiêu thụ, vừa để tốt hơn cho sức khỏe vừa góp phần giảm bớt “gánh nặng” về nhu cầu nước đổ vào ngành chăn nuôi. Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách các nước cũng có xu hướng khuyến khích chuyển đổi sang phương thức canh tác bền vững và thân thiện với môi trường nhằm giúp giảm đáng kể lượng nước tưới tiêu cho các cánh đồng. Nhiều nhà sản xuất hàng hóa cũng đã cải tiến quy trình của mình để hạn chế tối đa lượng nước tiêu thụ.

Sự vào cuộc của các chính phủ và doanh nghiệp sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu không có sự góp sức của mỗi cá nhân trong cộng đồng. Thay đổi thói quen để sử dụng tài nguyên nước một cách bền vững hiệu quả chính là cách để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, mà trước hết là tiết kiệm nước.

Theo các chuyên gia, có rất nhiều cách để tiết kiệm nước trong sinh hoạt hằng ngày, từ việc tạo thói quen không phung phí nước cho đến tận dụng nước đã qua sử dụng. Ngoài ra, việc chuyển sang dùng các loại mỹ phẩm, chất tẩy rửa thân thiện với môi trường như xà phòng, dầu gội thảo mộc, nước rửa bát, bột giặt sinh học... cũng làm giảm đáng kể lượng nước dùng để làm sạch, trong khi nước thải không có hóa chất có thể tận dụng tối đa vào việc khác như tưới cây và xả bồn cầu.

Nước là nguồn tài nguyên vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người, là một phần tất yếu của cuộc sống. Tuy nhiên, mặc dù nước chiếm tới 70% bề mặt của Trái Đất, nhưng lượng nước sạch và thích hợp để con người sử dụng chỉ chiếm 3%. Do đó, các quốc gia và mỗi người dân cần là một nhân tố then chốt trong nỗ lực “Đong đếm từng hạt mưa - Chắt chiu từng giọt nước”, đúng tinh thần khẩu hiệu của Ngày Khí tượng thế giới năm nay.

Phan An (TTXVN)