04:19 11/04/2019

Khi hàng không 'bắt tay' cùng du lịch giúp người dân hưởng lợi

Mạng đường bay của các hãng hàng không trong nước đang mở rộng nhanh chóng với sự tham gia của 4 hãng hàng không Vietnam Airlines, Viejet Air, Jetstar Pacific và Bamboo Airways. Tại thị trường quốc tế, 71 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không trong nước đang khai thác 140 đường bay, kết nối Việt Nam tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

40% số người đi máy bay là khách du lịch

Đây là con số thống kê của Cục Hàng không Việt Nam tại tọa đàm "Giải pháp thúc đẩy hàng không phát triển bền vững do Báo Giao thông vận tải", tổ chức ngày 11/4, tại Bình Định.

Chú thích ảnh
Hành khách làm thủ tục bay của hãng Bamboo Airway liên tục tăng.

Đại diện cả 4 hãng hàng không nói trên đều chung nhận định, việc hàng không "bắt tay" với du lịch là con đường phát triển tất yếu để phát triển bền vững cho cả hai lĩnh vực, khi chủ trương "mở cửa bầu trời" được Nhà nước ưu tiên và đối tượng hưởng lợi lớn nhất chính là người dân.

Đề án tăng cường kết nối hàng không với các thị trường du lịch được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký phê duyệt ngày 22/1 chính là tiền đề để mối quan hệ "cộng sinh" hàng không - du lịch định hướng phát triển.

Cụ thể, đề án xác định rõ mục tiêu mở các đường bay mới, tăng tần suất trên các đường bay hiện có của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài, giữa Việt Nam và các thị trường du lịch trọng điểm trên thế giới như: Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nga, Ấn Độ...; mở mới các đường bay nội địa kết nối đến các vùng du lịch trọng điểm Đông Bắc, di sản miền Trung, duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và Đảo ngọc Phú Quốc, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...

Qua tìm hiểu, phần lớn khách du lịch cả trong nước và quốc tế hiện nay đi lại bằng đường hàng không. Ưu thế có thể đưa khách nhanh nhất, tiện nhất đến gần như hầu khắp các điểm đến du lịch, khiến hàng không vượt qua tất cả các loại hình vận tải khác trong lựa chọn của khách du lịch. Du lịch phát triển, hàng không được lợi lớn, ngược lại, nhờ hàng không, du lịch mới có đà để phát triển. 

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, thống kê đến nay 40% khách du lịch đi lại bằng hàng không là minh chứng cụ thể. Nếu như trước đây, đội bay chủ yếu chỉ có Vietnam Airlines, thì hiện có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways... Sự thay đổi này rõ ràng ở cả chất và lượng. Mạng đường bay của hàng không Việt Nam cũng có nhiều chuyển biến trong 10 năm qua, với gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế so với 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế vào năm 2008.

Còn theo ông Trần Minh Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT), sự tăng trưởng của ngành hàng không song song với ngành du lịch là nhu cầu tất yếu của phát triển kinh tế đất nước và người dân. Việc liên tục có các hãng hàng không tư nhân đăng ký khai thác, hoạt động đường bay mới cho thấy góc độ về nhu cầu sử dụng và cung cấp dịch vụ đều có sự phát triển ấn tượng, mà trong đó, mục tiêu chính là đáp ứng được nhu cầu của người dân theo định hướng của Chính phủ.

Cần thêm nhiều đường bay để đáp ứng nhu cầu của nhân dân

Theo các chuyên gia, muốn kích cầu du lịch bằng hàng không, ngoài việc Nhà nước có chính sách  thông thoáng về visa, còn cần tạo thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, lưu trú… Thực tế hiện nay, tại nhiều nước Đông Nam Á có chính sách visa mở, có thể miễn visa nếu lưu trú trong vòng 30 ngày. Riêng ngành hàng không phải làm thế nào để “người đi du lịch muốn đến đâu là có thể bay thẳng đến đó”, hay nói cách khác là phải mở thật nhiều đường bay đến các điểm du lịch, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu.

Chú thích ảnh
Vietjet liên tục mở các đường bay mới, đáp ứng nhu cầu hành khách.

Theo ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch), Nhà nước cần có chính sách thu hút thêm nguồn lực đầu tư cho hàng không. Việc đa dạng hóa các sản phẩm, đường bay, giá vé máy bay như thời gian vừa qua đã cho thấy thị trường có sự cạnh tranh mạnh mẽ sẽ tạo ra các tín hiệu tích cực. Bên cạnh đó, các địa phương cần hỗ trợ các hãng hàng không và các công ty du lịch mở các đường bay mới. Việc được chào đón ấn tượng tại điểm đến là sự khởi đầu cần thiết trong hành trình đưa các chuyến bay thuê chuyến thành chuyến bay thương mại định kỳ thu hút khách du lịch đến và tiếp tục trở lại.

Thực tế thời gian vừa qua, các hãng hàng không Việt Nam cũng đã có bước khởi đầu thành công trong việc mở các chuyến bay thường lệ. Như việc khách Nga thích du lịch tại Nha Trang, Vietnam Airlines cũng đã mở đường bay từ Nga đến Cam Ranh hay như việc hình thành đường bay nối Đà Lạt - Bangkok của Vietjet và Bamboo Airway có chuyến bay thương mại đầu tiên ngày 16/1 tận dụng tối đa hệ thống quần thể nghỉ dưỡng sân golf của Tập đoàn FLC để khai thác các gói dịch vụ kết hợp giữa hàng không và du lịch, với mức giá "siêu rẻ"...

Theo số liệu của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), thị trường hàng không Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ 3 thế giới, với tỷ lệ trung bình 16,6%/năm trong giai đoạn 2001 - 2014. IATA cũng dự báo Việt Nam sẽ là thị trường hàng không duy trì được sự phát triển nhanh thứ 5 thế giới, đạt 150 triệu lượt hành khách vận chuyển vào năm 2035.

Bài, ảnh: Đăng Sơn/Báo Tin tức