12:11 20/12/2017

Khỉ cái gạ gẫm làm ‘chuyện ấy’ với hươu trong vườn quốc gia Nhật Bản

Sau nhiều tháng theo dõi đàn khỉ đuôi dài Macaca tại vườn quốc gia Minoo ngoại ô thành phố Minoo (Nhật Bản), các nhà khoa học vô cùng bất ngờ khi phát hiện hành vi sinh lý khác thường của những con khỉ cái nơi đây.

Khỉ Macaca thường ngồi lên lưng hươu để di chuyển từ nơi này sang nơi khác.

Sau khi leo lên lưng của một con hươu giống Sika, những con khỉ cái mới lớn thường bắt đầu những hành động thân mật sinh lý như cắn, ngửi sừng hươu, nằm ra đất, rên rỉ, nhìn chăm chăm… gây sự chú ý của con hươu đực.

Tuy nhiên, phản ứng trước những hành động “gạ gẫm” từ khỉ cái, hươu Sika tỏ ra rất bàng quan, mải mê ăn cây cỏ và bỏ đi.

Nhận định trong bản nghiên cứu khoa học có tên gọi “Lưu trữ Hành vi Tình dục”, các nhà khoa học cho rằng những hành vi đó là “tự nhiên”, ít nhất là đối với các con khỉ cái.

Khỉ đuôi dài Macaca Nhật Bản thường được biết đến với tập tính ngồi trên lưng hươu để di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Vậy nhưng nhóm con khỉ cái trong khu rừng này đang đưa hành vi tương tác này lên một tầm “thân mật” khác. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lí giải cho hành vi này song cũng đưa ra một số giả thuyết.

“Tương tác sinh lý giữa khỉ và hươu được báo cáo trong nghiên cứu của chúng tôi có thể phản ánh sự phát triển giai đoạn đầu của một tập tính mới tại vườn quốc gia Minoo”, giáo sư tâm lý đại học Lethbridge (Canada) Noëlle Gunst – đồng tác giả nghiên cứu - nhận xét với báo Anh Guardian.

Các nhà khoa học đã quan sát tổng cộng 170 con khỉ Macaca bao gồm cả giống đực và cái. 18 trong số đó là khỉ cái mới lớn với độ tuổi từ 3 đến 4. Quan sát trong một vài tuần, các nhà khoa học phát hiện ra chỉ có khỉ cái mới lớn mới thực hiện hành vi tương tác sinh lý với hươu Sika và thậm chí là với nhau.

Cụ thể, trong quá trình theo dõi, khỉ cái Macaca “dụ dỗ” hươu Sika 258 lần, trong đó 13 tương tác sinh lý được coi là thành công. Những lần thành công đều là xảy ra với hươu đực trưởng thành, còn hươu cái và hươu đực còn bé phần lớn tránh né tham gia.

Tác giả của bản nghiên cứu đã đưa ra một vài lí do giải thích vì sao chỉ có khỉ cái Maccaca mới lớn nảy sinh hành vi “phản tự nhiên” như trên.

Giống con người, khỉ cái Maccaca mới lớn sẽ trải qua một giai đoạn bắt đầu phát triển các hành vi tình dục. Hành động của chúng làm với “bạn tình” hươu được cho là một cách luyện tập và phát triển hoạt động tình dục. Bên cạnh đó, có thể vì thiếu sự tương tác sinh lý trong cùng loài nên khiến nhiều con cái tìm “của lạ”. Khỉ cái Maccaca mới lớn thường bị khỉ đực trưởng thành cùng giống từ chối giao phối.

Trước đó, trong một bản nghiên cứu công bố đầu năm, các nhà khoa học cũng tìm hiểu hiện tượng hành vi giao phối giữa một con khỉ đực Maccaca Nhật Bản và một con hươu Sika cái trên đảo Yakushima. Tác giả của bản nghiên cứu đó nêu giả thuyết có lẽ con khỉ đực do quá “thiếu thốn” bạn tình cùng loài nên mới nảy sinh khẩu vị lạ.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức