02:10 20/02/2016

Khi các nước nhân danh chống khủng bố

Nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Syria ngày càng thêm khó khăn, phức tạp khi các “nhân tố mới, người chơi mới” liên tục xuất hiện.

Gần đây nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đã tuyên bố đang cân nhắc đưa bộ binh vào Syria để chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Dư luận ngay lập tức cảnh báo về mối nguy hiểm tiềm tàng nếu ý định trên trở thành sự thật.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu xác nhận ngày 13/2 rằng Saudi Arabia đang đưa bộ binh và máy bay chiến đấu tới căn cứ quân sự Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây có thể là động thái “trù bị” cho một cuộc tấn công trên bộ có thể xảy ra trên đất Syria. Nói về mục đích của các động thái này, ông Cavusoglu cho biết: “Saudi Arabia tuyên bố quyết tâm chống IS… Tại mọi cuộc họp của liên minh, chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng cần có một chiến lược mạnh tập trung trong cuộc chiến chống khủng bố IS. Nếu chúng tôi có chiến lược như vậy thì Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia có thể mở chiến dịch trên bộ”.

Bộ binh Saudi Arabia vào Syria sẽ đổ thêm dầu vào cuộc chiến Syria.

Mặc dù cả Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đều đưa ra lý do nếu đưa quân vào Syria thì chỉ nhằm mục đích chống khủng bố nhưng dư luận tỏ ra hoài nghi động cơ thực sự của họ. Trên thực tế, cả hai nước này đều không giấu ý định lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, thậm chí coi đây là mục tiêu cốt lõi. Ngoại trưởng Saudi Arabia phát biểu với kênh CNN ngày 13/2 rằng nếu tiến trình chính trị ở Syria thất bại, Tổng thống Assad sẽ phải bị lật đổ bằng vũ lực. Ông này nói: “Tôi cho rằng ông Bashar al-Assad yếu đuối và đã hết thời… Ông ta sẽ ra đi sau tiến trình chính trị hoặc ông ta sẽ bị loại bỏ bằng vũ lực”.

Về phần Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài mục tiêu lật đổ đương kim tổng thống ở quốc gia láng giềng, nước này còn ngang nhiên nã pháo vào lực lượng người Kurd ở Syria. Đây là lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là chi nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn bị coi là khủng bố ở trong nước. Trong khi đó, người Kurd ở Syria hiện là một trong những lực lượng chống IS hiệu quả nhất. Nếu Saudi Arabia cũng định nghĩa người Kurd ở Syria là “khủng bố” giống Thổ Nhĩ Kỳ thì cái bắt tay của hai nước có thể là một vấn đề. Hai nước này nằm trong số các quốc gia phản đối ông Assad và từ lâu đã hậu thuẫn cho các nhóm quân nổi dậy Syria thông qua việc cung cấp vũ khí. Ông Vladimir Akhametov, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Học việc Khoa học Nga, nhận định: Khả năng xảy ra nhiều hơn là ý định của Saudi Arabia hỗ trợ cho các nhóm vũ trang chống chính phủ Syria và đưa bộ binh vào Syria để chống IS có thể chỉ là cái cớ để tìm cách lật đổ ông Assad.

Từ trước đến nay, Saudi Arabia vốn bị cộng đồng quốc tế cáo buộc gây ra xung đột ở Trung Đông khi không hành động kiềm chế chủ nghĩa cực đoan và đối phó với IS trong khu vực. Công dân Saudi Arabia cũng chiếm một tỷ lệ đáng lo ngại trong số các tay súng IS. Còn Thổ Nhĩ Kỳ, số lượng dầu trị giá hàng trăm triệu USD của IS đã được tuồn vào nước này và được bán đi khắp nơi. Nếu muốn nghiêm túc chống IS, tại sao Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ lại không chủ động kiềm chế IS từ trong nước và cắt đứt nguồn tài chính của nhóm khủng bố này? Nếu đưa bộ binh vào Syria, họ sẽ chỉ làm cho các nhóm khủng bố như IS thêm lớn mạnh và như Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã cảnh báo, triển khai bộ binh ở Syria sẽ làm bùng nổ Chiến tranh Thế giới thứ ba.

Với ý đồ quyết lật đổ ông Assad bằng được và coi đây là mục tiêu chính ở Syria, người ta khó có thể tin ý định của Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đưa bộ binh vào Syria chỉ là để tiêu diệt khủng bố IS.

Vậy tại sao đến giờ Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ mới tính đến chuyện đưa bộ binh vào Syria? Phải chăng họ lo ngại đồng minh của ông Assad là Nga, Iran và phong trào Hồi giáo Hezbollah có thể phản ứng nhanh hơn họ? Trong thời gian qua, ba lực lượng này, đặc biệt là các cuộc không kích của Nga, đã lật ngược tình thế ở Syria. Quân đội Syria ngày càng thắng thế. Aleppo, thành phố lớn nhất Syria bị quân nổi dậy kiểm soát từ năm 2012, đang bị quân đội Syria và các lực lượng đồng minh bao vây nhờ sự hậu thuẫn của Nga trên không. Nhiều khả năng thành phố này sẽ sớm được quân đội Syria giải phóng và nếu điều đó xảy ra, cuộc chiến giữa chính phủ Syria và phe nổi dậy sẽ sớm chấm dứt.

Lúc đó, Tổng thống Assad sẽ vẫn tại vị. Iran và lực lượng Hezbollah sẽ tiếp tục tạo được sức ảnh hưởng lớn ở Syria trong nhiều năm tới. Đây là điều mà Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ muốn tránh bằng mọi giá. Khi nhận thấy nguy cơ tiền bạc, thời gian, nỗ lực đổ cho phe nổi dậy sắp bị đổ xuống sông xuống biển, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ buộc phải hành động, kể cả tính đến chuyện là đưa quân vào Syria.

Như vậy, rốt cuộc, ý định tưởng như nghĩa hiệp, tốt đẹp là chống khủng bố IS thực ra lại là vỏ bọc cho ý đồ khác. Nếu như các nước cứ nhân danh chống khủng bố để đạt được lợi ích riêng ở Syria thì chắc chắn IS không chỉ sống dai mà còn sống khỏe ở Trung Đông.
Thùy Dương