06:05 06/06/2018

Khi bố mẹ chỉ sống cho bản thân, con cái bị 'bỏ rơi'

“Bố ơi, con là con chó đây, bố ôm con đi”. Đó là câu nói của cu Bon, 5 tuổi khi nhìn thấy bố đang nựng con chó. Người bố quay lại nhìn con cắm cảu, con đi chơi ô tô đi, bố vừa mua đồ chơi cho con rồi còn muốn gì nữa. Cu Bon quay mặt đi, giấu vẻ thất vọng chạy đến ôm bác giúp việc.

Bà Hà, người giúp việc nhà anh Hưng chị Mai đã được 6 năm, tính từ ngày chị Mai mang bầu cu Bon. Mọi vui buồn trong gia đình này, bà đều có những nếm trải rất riêng của người giúp việc. Nhiều người quen của bà gặng hỏi: “Cu Bon giờ đã lớn rồi. Hai vợ chồng anh chị ấy có thể chăm sóc được. Hơn nữa, lương của bà giờ vẫn có 4 triệu đồng/tháng. Trong khi, lương giúp việc giá chung bây giờ là 4,5-5 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền thưởng thêm. Bà còn nuôi hai đứa con ăn học đại học nữa”.

Mọi đứa trẻ đều mong muốn được sống trong tình yêu thương của bố mẹ, gia đình. Ảnh minh họa.


Trước những lời nói ra nói vào, bà Hà vẫn bảo: “Chừng nào cô chú ấy còn cần tôi, tôi vẫn ở”. Nhưng thực tế, chỉ bà biết vì sao mình vẫn muốn ở lại. Bà thương cu Bon có khi cả tuần, cả tháng không nhìn thấy bố hoặc mẹ. Khi bố mẹ về tới nhà thì dù con có sán đến thì hai họ cũng ôm ấp cho lấy lệ. Những xúc động khôn lớn đầu đời của cu Bon, bà Hà đều nâng giấc, chăm bẵm và thủ thỉ. Bà thương cậu bé khoác trên mình chữ “thiếu gia nhí” nhưng tình cảm gia đình lại đơn côi.


Anh Hưng chị Mai đến với nhau với cuộc tình đẹp như mơ khi đang du học ở London. Tình yêu của anh chị đi trong những năm tháng thanh xuân ngọt ngào nhất. Họ có một bệ phóng tốt khi điều kiện hai bên gia đình thuộc hàng “đại gia” ở Thủ đô. Gia đình hai bên cho anh chị tới London học theo hình thức du học tự túc- thời điểm phong trào du học lên ngôi với thế hệ 8X. Khi mà người người, nhà nhà có điều kiện đều nhắm tới mục đích cho con đi du học với mong muốn đổi đời, làm sang.


Thực tế, con đường du học không phải với ai cũng thành công. Anh Hưng, chị Mai cũng nằm trong số không thành công ấy. Bố mẹ hai bên phải rất cố gắng để họ lấy được những chứng chỉ đào tạo ở London để sớm về nước. Nhờ mối quan hệ của bố mẹ hai bên, anh chị đều làm việc cho những tập đoàn lớn trong nước. Cũng không còn nhiều thứ để lo, họ tiến tới hôn nhân một cách viên mãn. Cu Bon ra đời trong niềm hân hoan của hai gia đình. Nhưng những tháng ngày sau đó mới trở thành thứ bi kịch ngầm.


Anh Hưng vốn là một cậu ấm của một gia đình thương mại có tiếng. Khi có gia đình rồi anh vẫn luôn nán lại với những cuộc vui thâu đêm. Các nhóm bạn tổ chức đi du lịch nước ngoài cũng đều không vắng mặt anh, dù vợ đang mải miết chăm con. Nhưng chị Mai cũng không phải là tuýp phụ nữ chịu đựng. Thấy vậy, chị cũng tự chăm sóc mình, tìm niềm vui riêng. Bắt đầu là những xô xát, cãi vã. Cuối cùng, họ thống nhất được với nhau rằng vẫn sống chung một nhà, một tuần ăn cơm với con 1 lần, còn lại mệnh ai người nấy sống.


Bà Hà chứng kiến sự lớn lên của cu Bon mỗi ngày cũng không khỏi thương xót cậu bé. Bố mẹ vốn trẻ đẹp, lại luôn tôn sùng sự hưởng thụ cá nhân, vì thế cậu dường như một thứ trang sức khi cần. Gia đình hai có tiệc, lúc ấy cu Bon được chưng diện, được ôm ấp. Còn lại, bố mẹ đi tối ngày, không ăn cơm nhà. Lúc ốm đau, buồn vui chỉ có hai bà cháu.


Có lần, cu Bon thì thầm với bà Hà: “Bà ơi, cháu không thích Bông đâu”. Bà Hà ngạc nhiên vì con chó nhỏ này vẫn làm bạn với cu Bon mỗi khi đi học về. Bà gặng hỏi thì cu Bon nói: “Bông tranh chỗ của Bon khi bố đi về”. Hóa ra, từ đấy bà để ý, mỗi lần anh Hưng đi về đều sà đến con chó và hôn hít nó. Lúc cu Bon chạy đến anh cũng ôm nhưng rồi anh ôm… chó vẫn lâu hơn con. Cu Bon đứng từ đằng xa nhìn cảnh ông bố nựng chó vừa lộ vẻ thèm thuồng, vừa có phần tức giận, bà Hà giấu vội những giọt nước mắt.


Vì thế, dù giờ cu Bon đã 5 tuổi, nhưng gia đình anh Hưng chị Mai vẫn không thiếu được bà. Bởi bà chính là người chăm sóc nhà cửa, chơi cùng với con của anh chị. Để có thêm tiền cho hai con ăn học đại học, khi cu Bon đi học, bà Hà đi nhặt ve chai để bán.


Bà Hà tâm sự, dù tôi có nâng giấc cho cu Bon hằng đêm, trấn an cháu những lúc cháu mê sảng. Tôi có đưa cháu đi chơi, chỉ cho cháu những gì mình biết. Nhưng trong lòng một đứa trẻ sẽ luôn mong ngóng, khao khát tình yêu thương, dạy dỗ từ bố mẹ. Đó là một thứ tình cảm khó thay đổi được trong lòng chúng.


TT/ Báo Tin tức