03:23 06/03/2012

Khát vốn cho vụ sản xuất điều

Ngành điều Việt Nam đang bước vào những ngày cao điểm thu mua điều phục vụ cho hoạt động kinh doanh năm 2012. Đúng như dự đoán từ cuối mùa vụ trước, chưa bao giờ các doanh nghiệp (DN) lại bức xúc về vốn để tiếp tục sản xuất như hiện nay.

Ngành điều Việt Nam đang bước vào những ngày cao điểm thu mua điều phục vụ cho hoạt động kinh doanh năm 2012. Đúng như dự đoán từ cuối mùa vụ trước, chưa bao giờ các doanh nghiệp (DN) lại bức xúc về vốn để tiếp tục sản xuất như hiện nay.

Khó chồng khó

Tại hội thảo tìm kiếm nguồn tín dụng cho ngành điều được tổ chức ngày 6/3 tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) thông báo, khó khăn lớn nhất của ngành hiện nay là nhiều DN đang thiếu vốn để thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất. Theo đó, để có đủ nguyên liệu chế biến phục vụ mục tiêu xuất khẩu 1,5 tỷ USD trong năm 2012, tổng số vốn ngành cần là hơn 29.500 tỷ đồng. Cụ thể, các DN cần khoảng 9.000 -10.000 tỷ đồng để thu mua 380.000 – 400.000 tấn điều tương trong dân, 250 triệu USD cho việc nhập khẩu 300.000 tấn điều thô phục vụ chế biến và số còn lại dành cho đầu tư, cải tiến trang thiết bị.

Đóng bao hạt điều ở một cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến xuất khẩu của tỉnh Bình Phước. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Thiếu vốn là do lượng nguyên liệu điều của ngành đang tồn kho lớn, hơn 200.000 tấn và chủ yếu nhập khẩu từ năm 2011 với giá cao. Kinh tế vẫn khó khăn ở các thị trường nhập khẩu, chủ yếu như châu Âu, Mỹ… đã tác động đến giá điều xuất khẩu hiện đã giảm từ 1.200-1.500 USD/tấn so với cùng kỳ. Nhận thấy khó khăn của ngành, các nhà nhập khẩu đang liên tục ép, đẩy giá xuống thấp hoặc kéo dài thời gian thanh toán ảnh hưởng đến tính thanh khoản tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Học, điều làm cho ngành “đau đầu” là đã đến kỳ trả nợ ngân hàng, nhưng hiện các DN vẫn không biết “đào” đâu ra tiền để tiếp tục đáo hạn vay nguồn tín dụng mới.

Nhiều DN tham gia hội thảo kêu ca, mặt bằng lãi suất ngân hàng quá cao đang làm khó cho sản xuất kinh doanh. Khác với năm 2011, khi lãi suất cao ở mức 20-22% nhưng bù lại, giá xuất khẩu tăng đến hơn 30% nên DN vẫn có lãi. Hai tháng qua, lãi suất tuy đã giảm nhưng không đáng kể và vẫn chưa tương xứng với đà tụt giảm không phanh của giá hàng nông sản.

Cụ thể, bước vào đầu vụ, giá bán điều thô giảm sâu chỉ còn 18-20 triệu đồng/tấn, chỉ bằng 50% so với cùng kỳ đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của những người trong cuộc. “Ngoài giá giảm, do thời tiết diễn biến bất thường, ngành đang đối mặt với tình trạng sâu bệnh phát triển làm sản lượng điều sụt giảm. Tại nhiều nơi như tỉnh Bình Phước, số lượng thiệt hại lên đến hàng ngàn ha…”, ông Nguyễn Đức Thanh, Phó Chủ tịch Vinacas nói thêm.

Phải tự cứu mình

Theo kế hoạch của Vinacas, năm 2012 ngành sẽ xuất khẩu khoảng 170.000 tấn nhân và 60.000 tấn dầu từ vỏ hạt điều, đạt mức tăng trưởng hơn 10%. Tham gia hội thảo, đại diện các ngân hàng thương mại cho rằng, trước khi nhận sự hỗ trợ của ngành chức năng, DN phải tự cứu mình, nỗ lực thoát ra hoàn cảnh khó khăn hiện tại. “Họ phải mạnh dạn cắt lỗ, giải phóng lượng nguyên liệu tồn kho đang rất lớn gây khó khăn trong việc quay vòng vốn.

Ngoài ra, các DN cần sắp xếp lại bộ máy kinh doanh sao cho công tác quản trị hiệu quả hơn, cũng như đẩy mạnh việc cơ giới hóa những công đoạn chế biến nhằm giảm giá thành, mang lại lợi nhuận cao trong xuất khẩu”, ông Tô Nghị, Phó Tổng giám đốc Eximbank cho biết.

Lý giải khó khăn của ngành, ông Thanh cho rằng, nguyên nhân do sức mua của thị trường quá yếu. Mức dư nợ của ngành khoảng 3.000 tỷ đồng là không quá lớn và nếu được tiếp cận nguồn vốn, DN vẫn có nhiều khả năng trả được nợ, duy trì hiệu quả tình hình kinh doanh. “Chúng tôi mạnh dạn đề nghị các ngân hàng gia tăng hạn mức tín dụng cho ngành khoảng hơn 29.000 tỷ đồng; áp dụng các hình thức vay tín chấp, thế chấp theo hạn mức tín dụng bằng 90% giá trị kho hàng hoặc giá trị DN.

Do vòng quay của vốn song song với chu trình dự trữ nguyên liệu và sản xuất nên được xem xét kéo dài thời gian vay từ 6-12 tháng. Riêng về lãi suất, rất mong các ngân hàng xem xét ở mức 11-12% đối với VND và 6% cho USD”, ông Thanh đề nghị.

Lê Nghĩa