05:11 07/05/2011

Khập khiễng

- A lô! Anh Hai à! Em là Tư Nông Dân đây. Anh có biết hằng năm ngân sách nhà nước chi bao nhiêu tiền cho việc nghiên cứu, thiết kế các máy móc hoặc tìm tòi công nghệ giúp bà con nông dân chúng em đỡ khổ không?

- A lô! Anh Hai à! Em là Tư Nông Dân đây. Anh có biết hằng năm ngân sách nhà nước chi bao nhiêu tiền cho việc nghiên cứu, thiết kế các máy móc hoặc tìm tòi công nghệ giúp bà con nông dân chúng em đỡ khổ không?

- Ờ… ờ… Cái đó thì tôi không rõ lắm…

- Không biết thì anh Hai bảo không biết, em có phải là giám khảo coi thi lên… chuyên viên chính đâu mà anh Hai trả lời… ỡm ờ vậy. Thôi em hỏi tiếp nè: Thế anh có biết tỷ lệ các đề tài ấy được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn so với các đề tài được ngân sách nhà nước cấp kinh phí là bao nhiêu không?

- Tiếp nhận phê bình của cô, tôi xin trả lời thẳng thắn là: Không biết! Nhưng mà hôm nay cô ăn phải thứ gì mà toàn hỏi cắc cớ vậy.

- May anh không trả lời là “có trời mà biết đấy”! À… Mà em hỏi thế là vì vừa đọc trên báo thấy có em học sinh mới học hết lớp 12 ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội đã tận dụng bã dong riềng từ các cơ sở làm miến, thực chất là chất thải đã làm ô nhiễm môi trường làng nghề bao nhiêu năm nay, để trộn với than sản xuất ra than tổ ong vừa rẻ lại vừa dễ sử dụng…

- Tưởng gì… Chuyện các bác “Hai Lúa”, hay các cháu học sinh, sinh viên tự mày mò chế tạo máy móc giúp bà con nông dân nâng cao năng suất lao động thì thiếu gì. Ngay hôm rồi báo chí cũng chả đưa tin một học sinh trường làng ở xã Hải Thiện, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị tự nghiên cứu chế tạo ra máy sấy lúa mi ni đó sao. Nhưng cô nói chuyện này là có ý gì…

- Em chả có ý gì, chỉ muốn nói một điều là các em học sinh chưa bằng cấp, cũng chẳng đăng ký đề tài này, được cấp kinh phí nọ nhưng lại làm ra được những sản phẩm rất thiết thực với bà con nông dân. Tỷ dụ bi giờ mà các cháu được cấp kinh phí nghiên cứu thì có khi hiệu suất và hiệu quả còn cao hơn một số đề tài được cấp kinh phí ấy chứ, anh Hai nhỉ…

- Ấy chết, cô đừng so sánh thế. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, cô Tư ơi.

Hai Còm