Một báo cáo quốc tế mới công bố cho thấy hình ảnh và mức độ tín nhiệm của Mỹ đang giảm tại nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng và có nhiều phát biểu cứng rắn liên quan đến một số đối tác truyền thống.
Nhà Trắng tại Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Tờ Politico ngày 12/5 dẫn báo cáo Chỉ số Nhận thức về Dân chủ năm 2025, do tổ chức Nira Data phối hợp với Liên minh vì Dân chủ thực hiện từ ngày 9 đến 23/4, cho biết phần lớn người dân được khảo sát tại 100 quốc gia có đánh giá tiêu cực về Mỹ. Cuộc khảo sát với hơn 111.000 người tham gia cho thấy mức độ tín nhiệm đối với Mỹ đã sụt giảm đáng kể so với năm 2024.
Tại châu Âu - khu vực được coi là đối tác truyền thống lâu năm của Washington - mức độ tín nhiệm đối với Mỹ ghi nhận sự suy giảm rõ rệt. Một số ý kiến phân tích cho rằng điều này có thể liên quan đến lập trường đối ngoại gần đây của chính quyền Mỹ cũng như những phát biểu công khai của Tổng thống Trump về Liên minh châu Âu (EU).
Ông Anders Fogh Rasmussen, cựu Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và là người sáng lập Liên minh vì Dân chủ, nhận định kết quả khảo sát phản ánh diễn biến thực tế trong nhận thức toàn cầu đối với vai trò và hình ảnh quốc tế của Mỹ hiện nay.
Trong khi đó, báo cáo cho thấy Trung Quốc ghi nhận mức cải thiện đáng kể về hình ảnh toàn cầu và lần đầu tiên vượt Mỹ về mức độ tín nhiệm tại nhiều khu vực, trừ châu Âu. Nga - dù vẫn chịu đánh giá tiêu cực sau chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine năm 2022 - cũng ghi nhận mức cải thiện nhẹ trong nhận thức quốc tế.
Về mức độ tín nhiệm cá nhân, Tổng thống Donald Trump được xếp sau Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong danh sách các nhân vật có ảnh hưởng toàn cầu trong lĩnh vực chính trị, văn hóa và xã hội, ông Trump đứng ở vị trí thấp nhất, tiếp sau các nhân vật như Elon Musk, Bill Gates, cố Giáo hoàng Francis, ca sĩ Taylor Swift và Kim Kardashian.
Ngoài Mỹ, Israel cũng là quốc gia ghi nhận mức độ tín nhiệm thấp trong khảo sát, đặc biệt tại khu vực Trung Đông và Nam Á. Tại một số nước châu Âu, trong đó có Đức - nơi từng được coi là đối tác gần gũi của Israel - dư luận cũng bắt đầu bày tỏ quan điểm không đồng thuận với chính sách của Tel Aviv tại Dải Gaza và khu Bờ Tây.