04:06 11/04/2020

Khảo sát chất lượng dạy học trên internet, chuẩn bị cho thi THPT quốc gia  

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố đề tham khảo thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia 2020, một số địa phương đã có hướng dẫn ôn tập tới các trường trong bối cảnh học sinh còn nghỉ vì dịch COVID-19.

Sẵn sàng xây dựng ma trận đề thi 

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Để việc triển khai học tập trực tuyến thuận lợi, đạt hiệu quả cao, Sở đã đề nghị các trường cấp tài khoản cho học sinh từ tháng 3/2020.  

Chú thích ảnh
Học sinh tường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) học trực tuyến tại nhà. Ảnh: TTXVN phát

Học sinh ôn tập kiến thức bằng hình thức trắc nghiệm khách quan trên hệ thống Hanoi Study. Ngân hàng câu hỏi ôn tập trực tuyến gồm 8 môn học dành cho lớp 11 và lớp 12 (Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Tiếng Anh). Mỗi môn bao gồm các bài ôn tập kiến thức theo từng bài, từng chương, học kỳ 1, học kỳ 2, ôn tập chương và ôn tập chung. Đây cũng là bước đệm cho việc dạy và học chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới. 

Ngay khi Bộ công bố đề tham khảo, Sở GD&ĐT Nam Định đã có hướng dẫn điều chỉnh dạy học kỳ II, bậc trung học khá chi tiết. Sở yêu cầu các trường không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản và các nội dung không dạy, không làm, không thực hiện; đồng thời, đề nghị các cơ sở giáo dục trong thời gian học sinh nghỉ học khuyến khích các em tự học, tự đọc, tự làm, tự thực hiện… theo các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.  

Trong quá trình học sinh nghỉ học dài ngày để phòng chống dịch COVID-19, Sở GD&ĐT Nam Định triển khai dạy học trực tuyến qua Internet (youtube), giáo viên chủ động dạy học qua các phần mềm trực tuyến như Zoom, Webex... Từ giữa tháng 2/2020, Sở đã chuẩn bị các nội dung bài dạy và kỹ thuật để dạy học trên truyền hình và từ ngày 3/3, Sở dạy học trên Đài Phát thanh và Truyền hình Nam Định, qua Youtube chương trình lớp 9, lớp 12 các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh...

Sở GD&ĐT Nam Định cũng triển khai khảo sát chất lượng dạy học qua internet, trên truyền hình với lớp 12. Hình thức này nhằm: Cung cấp cho các cơ sở giáo dục các đề khảo sát theo các nội dung đã được dạy qua internet, trên truyền hình; giúp học sinh tự đánh giá kiến thức, kỹ năng tiếp nhận trong quá trình tự học và ôn tập để chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Ở bậc THPT, học sinh trên địa bàn đã học được 7 tuần của học kỳ 2. Nếu cấu trúc lại chương trình tinh giản, thì cần 8 tuần nữa để hoàn thành khối lượng kiến thức yêu cầu. Sở khuyến khích các trường ưu tiên ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh cuối cấp chuẩn bị cho các kỳ thi sắp tới. Sở GD&ĐT Nghệ An cũng tổ chức dạy học bài mới trên truyền hình với lớp 12.

Còn tại Bến Tre, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bùi Minh Nhựt đã ký công văn về việc triển khai bộ đề tham khảo kỳ thi THPT quốc gia. Sở đã yêu cầu các trường trên địa bàn chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn tập trung nghiên cứ, thảo luận, phân tích đề thi tham khảo kỳ thi THPT quốc gia, xây dựng ma trận đề của đề tham khảo, để có phương pháp dạy học, ôn tập, hướng dẫn tự học, đánh giá phù hợp năng lực của học sinh khối 12.  

Lượng kiến thức cơ bản chiếm 70%

Đến nay, Bộ GD&ĐT đã có thông tin về đề tham khảo thi THPT quốc gia. Các câu hỏi của đề tham khảo được chia thành 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đối với cấp độ nhận biết thì mỗi đề thi dao động từ 35 - 40%, cấp độ thông hiểu cũng dao động từ 35 - 40% tuỳ vào mỗi môn học, còn khoảng 20% là cấp độ vận dụng, 10% là cấp độ vận dụng cao. Khi phân tích kỹ các câu hỏi, giáo viên sẽ phân tích được ma trận đề để hướng dẫn, ôn tập cho các em.

Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) nhận định, phân tích kỹ những câu hỏi thuộc bài nào, thuộc chủ đề nào để các em ôn tập theo tính chất sâu chuỗi các chủ đề, sắp xếp theo bản đồ tư duy và ôn tập được tốt hơn. Đặc biệt, các em cần ôn tập những kiến thức cơ bản, kiến thức nền, vì lượng kiến thức cơ bản chiếm tới 70% trong theo sách giáo khoa.

Bộ GD&ĐT cũng khuyến cáo, dù việc học đang thực hiện qua internet và qua truyền hình, nhưng giáo viên vẫn có thể đánh giá thường xuyên trong qua trình này. Tuy nhiên, đối với việc kiêm tra miệng và kiểm tra 15 phút, những phần nào không dạy, giáo viên không kiểm tra phần đó. Trong đề thi tham khảo và đề thi chính thức cũng thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. 

Lê Vân/ Báo Tin tức