05:10 23/05/2012

Kháng thuốc gia tăng do thuốc sốt rét giả tràn lan

Hơn 1/3 thuốc chữa bệnh sốt rét được kiểm tra trong thập kỷ qua ở khu vực Đông Nam Á và tiểu Sahara thuộc châu Phi là thuốc giả hoặc kém chất lượng, khiến nỗ lực chống lại căn bệnh này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hơn 1/3 thuốc chữa bệnh sốt rét được kiểm tra trong thập kỷ qua ở khu vực Đông Nam Á và tiểu Sahara thuộc châu Phi là thuốc giả hoặc kém chất lượng, khiến nỗ lực chống lại căn bệnh này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 

Bệnh nhân sốt rét tại một bệnh viện ở Paillin, Campuchia. Ảnh: Internet

 

Theo nghiên cứu của Trung tâm Quốc tế Fogarty thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ mới công bố, trong bối cảnh có khoảng 1 triệu người, chủ yếu là trẻ em ở châu Phi, tử vong hàng năm do sốt rét, thuốc giả và những viên thuốc không đúng thành phần hóa chất có thể khiến nỗ lực chống căn bệnh này trong suốt thập kỷ qua trở về con số 0. Do đó, thế giới cần cấp thiết nỗ lực chống lại hoạt động làm giả thuốc mà phần lớn hoạt động sản xuất diễn ra ở Trung Quốc.

 

Thuốc giả không có hoạt chất chống sốt rét có thể khiến bệnh nhân tử vong nếu uống phải. Trong khi thuốc dù có chứa một vài hoạt chất nhưng lại không đủ lượng để tiêu diệt toàn bộ ký sinh trùng sốt rét cũng có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng như kháng thuốc.

 

Trong những năm gần đây, dư luận đã gióng lên những hồi chuông báo động khi dấu hiệu kháng thuốc chữa sốt rét artemisinin ở khu vực phía tây Campuchia ngày càng tăng. Những loại thuốc được bào chế dựa trên artemisinin hiện là thuốc duy nhất có hiệu quả với bệnh sốt rét và đang được sử dụng rộng rãi.

 

Nghiên cứu cho thấy, những thuốc này mất nhiều thời gian mới phát huy tác dụng ở khu vực tây Campuchia. Các chuyên gia lo ngại tình trạng kháng thuốc gia tăng có thể lan sang châu Phi như đã từng xảy ra. Nhiều phương pháp chữa sốt rét ở châu Phi trước đây nay đã vô tác dụng.

 

Nếu thuốc artemisinin không còn hiệu quả nữa, nhiều người sẽ tử vong bởi không có thuốc thay thế. Hiện nay, bệnh sốt rét cướp đi sinh mạng của khoảng 2.000 trẻ em châu Phi mỗi ngày. Khoảng 3,3 tỷ người trên toàn thế giới đang có nguy cơ lây nhiễm căn bệnh này.

 

Trong một bức thư điện tử, ông Gaurvika Nayyar, người dẫn đầu nghiên cứu nói trên thuộc Trung tâm Quốc tế Fogarty, cho biết: “Chúng tôi cảm thấy phải cấp thiết xem xét tác động có thể có của những loại thuốc thuốc giả này”.

 

Theo nghiên cứu, cần có nhiều phòng thí nghiệm hơn nữa trên toàn thế giới để kiểm tra thuốc gia. Hiện nay, trong 47 nước bị sốt rét hoành hành ở châu Phi, chỉ có 3 nước có trang thiết bị để kiểm tra thuốc giả. Ông Nayyar cũng kêu gọi mang những kẻ làm thuốc giả ra trước công lý, thiết lập một phương pháp toàn cầu để truy quét những kẻ liên quan đến buôn bán, vận chuyển thuốc giả.

 

Hiện nay, luật pháp trừng trị những kẻ làm thuốc giả còn hạn chế ở nhiều quốc gia. Lợi nhuận kinh tế mà bọn tội phạm làm thuốc giả kiếm được khiến chúng sẵn sàng mạo hiểm để sản xuất và buôn bán mặt hàng này. Theo nhóm tác giả của nghiên cứu, tội sản xuất và phân phối thuốc chống sốt rét giả phải được truy tố như là tội ác chống lại loài người.

 

Nghiên cứu trên đã phân tích 27 nghiên cứu khác nhau từ năm 1999 tới nay và có xem xét cả vấn đề thuốc sốt rét giả và kém chất lượng. Theo đó, khi phân tích các thuốc chống sốt rét khác nhau ở 7 nước thuộc khu vực Đông Nam Á từ năm 1999 đến 2010, trong tổng số 1.437 mẫu, có 35% số mẫu chứa thành phần hóa chất không đúng, gần 50% trong tổng số 919 mẫu thuốc bị đóng gói sai quy cách, 36% trong tổng số 1.260 mẫu bị làm giả. Còn tại châu Phi, con số cũng không kém nghiêm trọng.

 

Một vấn đề khác khiến cuộc chiến chống sốt rét giảm tác dụng là nhiều bệnh nhân mua thuốc mà không có đơn bác sĩ kê hay dùng những loại thuốc đã hết hạn hoặc kém chất lượng do bảo quản sai quy cách.

 

Hãng tin AP cho hay, nhiều nghiên cứu trước đó đã chỉ ra rằng một số loại thuốc giả được làm ra ở Trung Quốc sau đó tuồn vào Đông Nam Á. Ông Michael Seear thuộc bệnh viện nhi British Columbia ở Vancouver (Canađa) cho rằng Trung Quốc và cả Ấn Độ có thể là nơi sản xuất thuốc giả vì hai nước này chiếm 1/3 dân số thế giới.

 

 

Thùy Dương