10:00 27/10/2021

Kháng thể ‘phản chủ’ tấn công não, có thể gây hoang tưởng sau mắc COVID-19

Hai trẻ em mắc các triệu chứng tâm lý nghiêm trọng như hoang tưởng, ảo giác, có ý nghĩ tự tử sau khi nhiễm COVID-19 thể nhẹ.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Hartdford Healthcare

Theo trang livescience.com, các nhà khoa học đã tìm ra được thủ phạm gây ra tình trạng trên ở hai bệnh nhi. Hai bệnh nhi này được khám tại Bệnh viện Nhi Benioff thuộc Đại học California, San Francisco (UCSF) sau khi mắc COVID-19 năm 2020. Báo cáo mới về hai trường hợp này đã được đăng trên tạp chí JAMA Neurology ngày 25/10.

Một bệnh nhân có tiền sử trầm cảm, lo âu không xác định và sau khi mắc COVID-19, các vấn đề này phát triển thành dấu hiệu hoang tưởng, ảo giác.

Bệnh nhân thứ hai có tiền sử rối loạn Tic (cử động bất thường của các cơ, lặp đi lặp lại không kiểm soát được) và lo âu không xác định. Sau khi mắc COVID-19, bệnh nhân thay đổi tâm trạng rất nhanh, có hành vi gây hấn và ý nghĩ tự tử. 

Kết quả kiểm tra thần kinh cho thấy hai bệnh nhi đều có kháng thể trong dịch não tủy nhưng kháng thể này không chống SARS-CoV-2 mà lại nhằm vào tế bào não. 

Các kháng thể này xuất hiện trong dịch não tủy bệnh nhân. Mặc dù các kháng thể này có thể tấn công mô não, nhưng còn quá sớm để kết luận chúng trực tiếp gây ra các triệu chứng trên. Đó là vì nhiều kháng thể dường như nhằm vào các cấu trúc bên trong tế bào thay vì bên ngoài.

Theo tác giả nghiên cứu là Tiến sĩ Samuel Pleasure tại UCSF, họ nghi rằng kháng thể tự miễn COVID-19 là dấu hiệu cho thấy phản ứng tự miễn mất kiếm soát có thể gây ra các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác. Ông cho biết cần nghiên cứu thêm để xác nhận giả thiết này và để xem liệu có kháng thể tự miễn nào chưa được phát hiện gây tổn hại mô não trực tiếp không.

Kết quả nghiên cứu cho thấy COVID-19 có thể kích hoạt phát triển kháng thể tự miễn nhằm vào não bệnh nhân. Trong một số trường hợp, các biện pháp điều trị “làm dịu” hệ miễn dịch có thể hỗ trợ giải quyết các triệu chứng tâm thần của COVID-19.

Cả hai bệnh nhi trong nghiên cứu đều được điều trị bằng globulin miễn dịch truyền tĩnh mạch để “cài đặt” lại phản ứng miễn dịch ở người rối loạn tự miễn và viêm nhiễm.

Sau đó, các triệu chứng tâm thần đã giảm nhẹ một phần hoặc biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên, cũng có khả năng các bệnh nhân tự khỏi mà không cần chữa trị. 

Theo các nhà nghiên cứu, các virus khác cũng đôi khi khiến kháng thể tấn công tế bào não, gây viêm nhiễm có hại và các triệu chứng thần kinh. Do đó, SARS-CoV-2 có thể không phải là ngoại lệ.

Trước nghiên cứu trên, các tác giả đã đăng bằng chứng kháng thể tự miễn thần kinh ở bệnh nhân COVID-19 trưởng thành. Theo báo cáo đăng ngày 18/5 trên tạp chí Cell Reports Medicine, các bệnh nhân trưởng thành bị co giật, mất khứu giác và đau đầu khó chữa và phần lớn họ nhập viện vì triệu chứng hô hấp do COVID-19.

Còn trong trường hợp hai bệnh nhi nói trên, các em chỉ có triệu chứng hô hấp thể nhẹ, cho thấy có khả năng chứng hoang tưởng, ảo giác xuất hiện trong hoặc sau khi mắc COVID-19 thể nhẹ.

Nhóm tác giả trên đang hợp tác với vài nhóm nghiên cứu hội chứng COVID-19 kéo dài. Các nhóm này đang thu thập mẫu dịch não tủy bệnh nhân có và không có triệu chứng thần kinh. Sử dụng các mẫu này, họ có thể tìm hiểu cơ chế tự miễn đằng sau các triệu chứng thần kinh nói trên và phát hiện ra vai trò của kháng thể tự miễn.

Thùy Dương/Báo Tin tức