02:07 18/02/2018

Khẳng định vị thế trên đấu trường quốc tế, 'hái quả ngọt' cùng U23 Việt Nam

Thể thao Việt Nam trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi từ những đấu trường châu lục và thế giới.

Bài 1: Hiệu quả mang tầm chiến lược

Những năm gần đây, thể thao Việt Nam ghi dấu ấn với thành tích ấn tượng trên đấu trường quốc tế. Đặc biệt, năm 2017, các vận động viên thi đấu tại các giải đấu lớn đều đạt được kết quả ngoài mong đợi.

Sự thành công của thể thao Việt Nam là thành quả từ các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm, hỗ trợ cho thể thao Việt Nam nhiều năm qua, đặc biệt là Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 3/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020”. Đây được coi là một "làn gió" mới giúp thể thao nước nhà ngày càng vững bước trên các đấu trường khu vực, châu lục và thế giới.

"Trái ngọt” từ đầu tư đúng hướng

Các cầu thủ Đội tuyển U23 Việt Nam cảm ơn khán giả sau trận đấu chung kết giải U23 châu Á. Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN

Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng khẳng định: Hướng tới mục tiêu là các đấu trường lớn trên thế giới nên ngay từ năm 2011, ngành thể thao quyết tâm tập trung đầu tư phát triển các môn thể thao trọng điểm có trong chương trình thi đấu tại các kỳ Olympic hay ASIAD.

Các vận động viên được đào tạo, tập huấn bài bản ở trong nước, quốc tế nhằm phục vụ cho những mục tiêu cao hơn, xa hơn trên đấu trường quốc tế như: điền kinh, bơi lội, bắn súng, cử tạ, taekwondo, cầu lông, bóng bàn, karatedo, bóng đá, bóng chuyền, xe đạp, cờ vua...

Từ chiến lược đó, thể thao Việt Nam bước đầu đã thu được những tín hiệu khả quan, tạo đà vững chắc cho sự phát triển ở những năm tiếp theo.

Đầu tiên phải kể đến SEA Games 28 diễn ra tại Singapore trong năm 2015, đoàn thể thao Việt Nam vẫn giành được vị trí tốp 3 các nước tham dự. Thành tích này được đánh giá cao hơn các kỳ SEA Games trước đó khi có đến hơn 85% trong tổng số 73 huy chương Vàng mà đoàn giành được thuộc về các môn Olympic.

Trong đó, riêng 3 môn trọng điểm luôn có tên trong các kỳ Olympic đó là: Điền kinh đã giành được 11 huy chương Vàng; bơi lội giành được 10 huy chương Vàng; thể dục dụng cụ được 9 huy chương Vàng. Các môn còn lại như: Đua thuyền (9 Vàng), đấu kiếm (8 Vàng), taekwondo (5 Vàng) và bắn súng (4 Vàng) cũng là thành công rực rỡ, đóng góp vào thành tích chung cho đoàn thể thao Việt Nam.

Sang năm 2016, thể thao nước nhà đón hàng loạt tin vui khi có tới 23 suất đạt chuẩn tham dự Olympic Rio 2016. Tại sân chơi đẳng cấp thế giới này, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh lần đầu tiên bước lên bục vinh quang của thể thao thế giới khi giành huy chương Vàng ở môn Bắn súng. Đây là tấm huy chương cao quý đã làm nên lịch sử cho thể thao Việt Nam tại đấu trường Olympic làm nức lòng người hâm mộ.

Năm 2017, đội tuyển điền kinh Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử thi đấu đã vượt qua đội tuyển điền kinh Thái Lan tại kỳ SEA Games 29, vươn lên đứng đầu bộ môn điền kinh với 17 huy chương Vàng.

Đặc biệt, đầu năm 2018, ngay trước thềm Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Đội tuyển U23 Việt Nam đã làm hàng triệu người hâm mộ trên khắp đất nước hình chữ S hân hoan đến cuồng nhiệt trước thành tích lần đầu tiên lọt vào trận chung kết, giành ngôi á quân Giải vô địch bóng đá U23 châu Á diễn ra tháng 1/2018 tại Trung Quốc. Dù chỉ giành ngôi á quân song U23 Việt Nam dũng cảm thi đấu bằng cả trái tim nhiệt huyết, vì màu cờ sắc áo mang về chiến công lịch sử đầu tiên cho bóng đá nước nhà ở đấu trường châu lục...

Vươn lên từ gian khó

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh mang về Huy chương vàng đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại kỳ Olympic Rio và trong lịch sử Olympic. Ảnh: EPA/TTXVN

Tổng cục trưởng Tổng cục thể dục thể thao Vương Bích Thắng nêu rõ: Trước khi có “Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020”, ngành thể dục thể thao còn ảnh hưởng bởi cơ chế bao cấp, chưa bắt kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Toàn ngành còn thiếu chính sách thu hút nhân tài thể thao, thiếu hụt nguồn vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài… Bên cạnh đó, quy chế tuyển dụng vận động viên nước ngoài đối với các đội tuyển thể thao chưa phù hợp với thực tiễn phát triển thể thao chuyên nghiệp.

Công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức trong thi đấu, thưởng thức thể dục thể thao chưa được quan tâm đúng mức, còn để xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực, nhất là trong thi đấu bóng đá; còn có hiện tượng, trường hợp sử dụng doping.

Ngoài ra, ngành còn chưa có chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho thể dục thể thao, thiếu chính sách và các quy định về đào tạo nguồn nhân lực cho thể dục thể thao, nhất là đối với thể thao thành tích cao. Tỷ trọng ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển ngành thể dục thể thao nói chung còn thấp…

Từ năm 2000 trong ngành thể thao có sự kết hợp quản lý giữa cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội cùng đầu tư cho thể thao.

Toàn ngành đã đổi mới và hoàn thiện hệ thống tuyển chọn, đào tạo tài năng thể thao, gắn kết đào tạo các tuyến, các lớp kế cận; thống nhất quản lý phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp theo hướng tiên tiến, bền vững, phù hợp với đặc điểm thể chất và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân; tăng cường hội nhập quốc tế, tích cực thực hiện chủ trương, đường lối ngoại giao nhân dân của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, thể thao Việt Nam vẫn chỉ quanh quẩn trong “ao làng” SEA Games, thành tích trong nhiều kỳ đại hội liên tiếp vẫn chỉ đứng ở tốp 3 Đông Nam Á; không có nổi một tấm huy chương Vàng tại Thế vận hội (Olympic). Nguyên nhân chính được ngành thể dục thể thao đưa ra là đầu tư dàn trải ở tất cả các môn thể thao, gây lãng phí, mà không mang lại hiệu quả thi đấu cao.

Năm 2010, “Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020” ra đời, góp phần điều chỉnh thu hẹp số môn thể thao chủ đạo, số lượng vận động viên thể thao có tiềm năng giành huy chương để đầu tư có trọng điểm, hướng tới mục tiêu huy chương Vàng Olympic; ưu tiên môn thể thao nhiều lần giành huy chương Vàng Olympic.

Chiến lược cũng góp phần thay đổi quan niệm trong huấn luyện thể thao, tối ưu hóa phương thức huấn luyện, nâng cao trình độ thi đấu của vận động viên trong thời gian ngắn… Trải qua 6 năm thực hiện Chiến lược, thể thao nước nhà dần khẳng định vị thế trên đấu trường quốc tế thông qua những thành tích của các môn thể thao trọng điểm đã mang lại. Điều đáng nói là thành công của những người làm nên lịch sử tại SEA Games 28 đều ở những môn nằm trong hệ thống thi đấu Olympic. Đây cũng là tín hiệu vui về sự đầu tư và chuyển hướng đúng đắn cho các môn thể thao thành tích cao hướng đến đấu trường châu lục và thế giới...

Bài 2: Từ SEA Games bước ra thế giới

Quốc Trị (TTXVN)