01:09 22/01/2020

Khẳng định vai trò của Hội Nông dân, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng

Dù phải đối diện với nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường nông sản thế giới, ngành Nông nghiệp Việt Nam vẫn phát triển ổn định, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao.

Nông nghiệp trở thành trụ đỡ để nền kinh tế quốc dân vượt qua suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu. Người nông dân Việt Nam đang dần khẳng định vai trò, năng lực của mình trên quê hương, góp phần xây dựng nông thôn mới... 

Chú thích ảnh
Nông dân huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh đầu tư nhà lưới và hệ thống trồng rau thủy canh. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Nông dân công nghệ cao chiếm lĩnh thị trường

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang ngày càng lớn, việc mở rộng liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã và đang được các tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện, góp phần bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Ở nhiều địa phương, việc hợp tác, liên kết sản xuất đã giúp nông dân nâng cao giá trị trên một đơn vị canh tác.

Hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất trên cùng một cánh đồng sẽ giúp giảm chi phí sản xuất do hầu hết các khâu được cơ giới hóa, tăng khả năng tiếp cận khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng. Liên kết sản xuất giữa nông dân với nhau, nông dân với doanh nghiệp và Hợp tác xã đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, cung cấp sản phẩm nông sản đủ về số lượng, đồng đều về chất lượng. Từ đó, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, bảo đảm thời gian cho doanh nghiệp thực hiện hợp đồng sản xuất, kinh doanh với đối tác để tiêu thụ sản phẩm.

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội Lê Trọng Khuê cho biết, sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, tâm lý mạnh dạn đổi mới còn dè dặt, nhất là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Để sản xuất nông nghiệp bền vững, theo ông Lê Trọng Khuê, sản xuất theo chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn, nhất là nước ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là xuất khẩu.

Thành phố Hà Nội luôn quan tâm đến công tác phát triển các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn Thủ đô. Hội đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và các huyện tuyên truyền, vận động hội viên và các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp xây dựng các vùng sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi như sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, phát triển chăn nuôi tập trung, nuôi trồng thủy sản theo các vùng sản xuất hàng hóa, đảm bảo theo tiêu chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay, Thành phố Hà Nội có 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế. 154 vùng sản xuất lúa chất lượng cao, với diện tích sản xuất lúa chất lượng cao đạt 55.000 ha, chiếm khoảng 55,5% tổng diện tích sản xuất lúa của toàn thành phố, trong đó có khoảng 12.000 ha sản xuất giống lúa Nhật Bản chất lượng cao (giống lúa Japonica). Các cấp Hội đã phối hợp tổ chức hơn 14.000 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông sản… cho gần 1,5 triệu lượt người. Người nông dân đang dần làm chủ đồng ruộng, xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương Đỗ Ngọc Huy cho hay, với chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao và thành công của các dự án đầu tư vào các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hoạt động sản xuất nông nghiệp tỉnh Bình Dương đã phát triển nhanh. Khoảng 4.800 ha ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt với các loại cây trồng có giá trị như: Rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh; Trong chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, toàn tỉnh có 128 trang trại Chăn nuôi gà với tổng đàn gần 7,1 triệu con gà giống, gà đẻ trứng và gà thịt; 140 trang trại chăn nuôi heo với tổng đàn 451 ngàn con, ứng dụng các trại kín, trại lạnh.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng bắt đầu được quan tâm phát triển trên địa bàn tỉnh với khoảng 600ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ: Cây có múi (khoảng 250 ha), rau (trên 25ha), cây ăn quả khác (trên 260ha),…

Các dự án đầu tư trong các Khu nông nghiệp công nghệ cao tuy bước đầu chứng minh được hiệu quả kinh tế nhưng để phát triển và nhân rộng các mô hình này ra sản xuất đại trà còn nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu là do vốn đầu tư ban đầu lớn. Quá trình hình thành liên kết, chuyển giao kỹ thuật sản xuất và hợp tác tiêu thụ sản xuất đại trà thực hiện còn chậm, chưa phát huy hết tiềm năng do công tác xúc tiến xây dựng liên kết còn hạn chế.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương, việc thực hiện các mô hình điểm hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao sản xuất nông nghiệp đã giúp người dân nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống ở nông thôn.

Đoàn kết nông dân, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng

Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, nhân tố con người là yếu tố quyết định, nông dân phải là chủ thể trong điều kiện mới.

Theo ông Thào Xuân Sùng, Hội Nông dân Việt Nam cần tiếp tục dẫn dắt nông dân nghiên cứu, giải quyết các điểm nghẽn để thực hiện được khát vọng mới. Đó là phát triển " Nông nghiệp thịnh vượng - Nông dân giàu có - Nông thôn văn minh”. “Nông dân giàu có không chỉ về vật chất mà còn giàu có ở tinh thần”. 

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân tích cực tham gia, khẳng định vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội và vai trò chủ thể của nông dân.

Đến nay, cả nước đã có 4.665 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 109 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Sản xuất nông nghiệp có tiến bộ vượt bậc và phát triển toàn diện, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, năng suất và chất lượng, có nhiều mặt hàng đặc sản. Đời sống người nông dân nói chung được cải thiện, nâng cao rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn năm 2018 tăng 2,78 lần so với năm 2010…

Tại Đại hội Nông dân lần thứ XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Đảng, Nhà nước ta đã xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh - quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình mới, phát triển bền vững, hiện đại nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước yêu cầu các cấp Hội Nông dân cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, đoàn kết nông dân thực sự trở thành lực lượng cách mạng, lực lượng kinh tế, chính trị, xã hội to lớn và mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước.

Mỗi cán bộ, hội viên, nông dân cần hiểu rõ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới là sự nghiệp của toàn dân, trong đó, hội viên, nông dân đóng vai trò chủ thể, vừa là lực lượng thực hiện vừa là người được thụ hưởng thành quả. Từ đó huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của giai cấp nông dân và các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài, làm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta có bước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa; phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn các cấp hội tổ chức tốt các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân, cung cấp kịp thời tri thức mới về khoa học - công nghệ và những cơ hội, thách thức của quá trình toàn cầu hóa của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của biến đổi khí hậu, giúp nông dân có đủ thông tin, điều kiện để phát triển kinh tế, làm giàu và xóa nghèo bền vững...

Đỗ Bình  (TTXVN)