11:19 29/11/2022

Khẳng định mạnh mẽ giá trị gia đình Việt Nam trong xã hội hiện đại

Ngày 29/11, tiếp tục chương trình Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, sau phiên khai mạc, Hội thảo bước vào Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”.

Chú thích ảnh
Đoàn Chủ tịch điều hành hội thảo. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Bên lề Phiên thảo luận, các đại biểu đã có những chia sẻ về việc nghiên cứu, làm rõ Hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Nền tảng xây dựng tế bào của xã hội tốt

Nhấn mạnh gia đình là tế bào của xã hội, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, khi xây dựng gia đình tốt, một tế bào xã hội tốt, sẽ tập hợp để tạo ra một xã hội tốt. Chính vì thế, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, cần xây dựng các giá trị gia đình mới. “Chúng ta cần có hệ giá trị gia đình mới trong bối cảnh ngày nay, để từ đó hình thành nên những tế bào của xã hội tốt, một sức mạnh tốt từ chính gia đình và lan tỏa sức mạnh đó ra toàn xã hội”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn khẳng định.

Đề cập tới 4 tiêu chí cơ bản là ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh của hệ giá trị gia đình mà Hội thảo bàn luận, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, đây là những giá trị trọng tâm; đồng thời 4 giá trị của hệ giá trị gia đình không phải là bất biến mà hoàn toàn có thể được thêm, bớt sau này cho phù hợp với thời đại, bối cảnh xã hội. “Chúng ta thấy có rất nhiều mong muốn trong xây dựng gia đình. Tuy nhiên, cần có những ưu tiên nhất định, số lượng những giá trị nhất định để tập trung nhận thức. Chính vì thế, tạm thời chúng ta đề ra 4 giá trị như vậy để tập trung hết sức mạnh, hành động xây dựng 4 giá trị đó”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn cho hay.

Nêu quan điểm về việc triển khai hệ giá trị gia đình vào thực tiễn, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, xây dựng hệ giá trị là một công việc quan trọng, đòi hỏi sự quan tâm của tất cả mọi người. Do vậy, yêu cầu đầu tiên để triển khai hiệu quả các hệ giá trị trên thực tế là cần có nhận thức đúng và đầy đủ; đồng thời cần bắt nguồn từ lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền để chuyển hóa nhận thức thành hành động, các chương trình, kế hoạch, trên cơ sở đó huy động được sự quan tâm của toàn xã hội, nguồn lực thực hiện thành công các hệ giá trị.

Khắc phục những khiếm khuyết trong phát triển văn hóa, con người

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Sĩ Quý, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, từ lâu Đảng, Nhà nước đã đặt vấn đề giải quyết, làm rõ các hệ giá trị văn hóa, gia đình, quốc gia trong việc gắn kết với chuẩn mực con người Việt Nam; tại thời điểm này, đây là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Sĩ Quý cho biết, Đảng ta bắt đầu đề cập tới xây dựng hệ giá trị văn hóa vào năm 1998 theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đến nay nước ta đã đi được một chặng đường dài. Trong chặng đường đó, đất nước, kinh tế, con người và văn hóa có những phát triển đáng ghi nhận, song cũng có những hạn chế đáng kể.

Đáng chú ý, Nghị quyết số 33 Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nhận định: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng"; con người vẫn có rất nhiều mặt rơi vào những vấn đề hết sức nghiêm trọng. Dư luận kỳ vọng, giải quyết tốt về lý luận các vấn đề về văn hóa, con người trong thực tế, mới có thể khắc phục được những khiếm khuyết về phương diện phát triển văn hóa, phát triển con người thời gian qua.

Hướng đến con người Việt Nam phát triển toàn diện

“Việc xây dựng hệ giá trị gia đình và xây dựng, phát triển văn hóa, con người cần giải quyết trong đời sống xã hội. Việc xác định được hệ giá trị gia đình sẽ khẳng định mạnh mẽ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của gia đình Việt Nam, hiện đang có những biểu hiện “nhạt nhòa” trong xã hội hiện đại. Quan hệ vợ chồng, bố mẹ, con cái, ông bà, cha mẹ vẫn đóng vai trò là cái neo, rường cột xã hội, hành lang an toàn để mỗi cá nhân có thể tồn tại, phát triển. Vì vậy, việc đề cao hơn nữa các giá trị gia đình trong truyền thống, neo giữ những giá trị tốt đẹp nhất của gia đình, làm cho gia đình Việt Nam bắt kịp với các gia đình hiện đại trên thế giới, để mỗi con người tự do phát triển, sáng tạo là mục tiêu hệ giá trị gia đình Việt Nam đặt ra hiện nay”, Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Sĩ Quý cho hay.

Chia sẻ thêm ý kiến về xây dựng chuẩn con người Việt Nam trong thời kỳ mới, Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Sĩ Quý cho rằng, việc đề ra các chuẩn mực để hướng đến xây dựng con người phát triển toàn diện là cần thiết. Phát triển con người toàn diện đòi hỏi mỗi cá nhân cũng như cộng đồng phải được định hướng một cách an toàn về phương diện giá trị để không rơi vào “những vết xe đổ” của những cá nhân suy thoái đạo đức, lối sống, từ đó góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn, con người tự do, văn minh hơn và gia đình êm ấm hơn.

Để hiện thực hóa hệ giá trị gia đình, chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, cũng như Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Giáo sư, Tiến sỹ Hồ Sĩ Quý cho rằng, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng với những chương trình cụ thể nhằm tuyên truyền rộng rãi những hệ giá trị này vào đời sống xã hội, để mọi người dân đều hiểu rằng đây là vấn đề đời sống thực tiễn đặt ra. Nếu không giải quyết vấn đề trên, đời sống kinh tế-xã hội, văn hóa và đời sống của mỗi cá nhân sẽ vấp phải những rào cản khó vượt qua.

Việt Đức (TTXVN)