07:10 04/07/2025

Khẳng định của Tổng thống Trump giữa đồn đoán Mỹ dừng cung cấp vũ khí cho Ukraine

Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng Washington “đang cố gắng giúp đỡ” Ukraine nhưng vẫn ưu tiên lợi ích của nước Mỹ.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu với báo giới tại Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN

Kênh RT tối 3/7, theo giờ địa phương, cho biết Tổng thống Donald Trump đã bác bỏ các đồn đoán trên truyền thông cho rằng Mỹ đã đình chỉ toàn bộ việc chuyển giao thiết bị quân sự và đạn dược cho Kiev, khẳng định rằng vũ khí sát thương vẫn đang được gửi đi, trong khi Washington đảm bảo duy trì đủ kho dự trữ để bảo vệ chính mình và các đồng minh.

Theo RT, hồi đầu tuần này, một số cơ quan truyền thông đưa tin rằng Mỹ đã tạm dừng việc chuyển giao nhiều loại đạn dược quan trọng cho Ukraine, bao gồm tên lửa Patriot và Hellfire, rocket GMLRS, cùng hàng nghìn quả đạn pháo 155mm. Tờ The Economist thậm chí còn gợi ý rằng Washington có thể đang dần thu hẹp sự hỗ trợ quân sự đối với Kiev.

Tuy nhiên, sau đó, Tổng thống Trump đã bác bỏ các tuyên bố về việc ngừng hoàn toàn viện trợ quân sự cho Kiev, lặp lại các phát biểu trước đó của Lầu Năm Góc và Nhà Trắng rằng quyết định này nhằm ưu tiên cho các lợi ích quốc gia của Mỹ.

“Chúng ta vẫn đang cung cấp vũ khí, nhưng chúng ta đã cung cấp quá nhiều vũ khí rồi. Các bạn biết đấy, ông Biden đã làm cạn kiệt cả đất nước chúng ta để gửi vũ khí cho họ. Và chúng ta phải đảm bảo rằng mình còn đủ vũ khí cho chính mình”, ông Trump nói với các phóng viên trước khi lên chuyên cơ Air Force One vào hôm 3/7.

“Nhưng chúng ta vẫn đang cung cấp vũ khí, chúng ta vẫn hợp tác với họ và cố gắng giúp đỡ họ”, ông Trump nói thêm, nhưng không cung cấp chi tiết về các loại vũ khí cụ thể đang bị giữ lại và những loại vẫn đang được chuyển giao.

Theo RT, từ lâu, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích việc viện trợ cho Ukraine mà không có lợi ích tương xứng, và chính quyền Donald Trump chưa phê duyệt bất kỳ gói viện trợ mới nào kể từ khi ông nhậm chức.

Viện Kiel của Đức cho biết kể từ khi xung đột Nga – Ukraine leo thang vào năm 2022, Mỹ đã gửi gần 115 tỷ USD viện trợ quân sự và tài chính cho Kiev, mặc dù ông Trump tuyên bố con số thực tế lên đến “hàng trăm tỷ USD”.

Gần đây, Washington đã ký một thỏa thuận cho phép Mỹ được quyền ưu tiên tiếp cận các nguồn tài nguyên khoáng sản của Ukraine – một nỗ lực mà Nhà Trắng tuyên bố là nhằm giúp thu hồi một phần tiền thuế của người dân Mỹ đã chi dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Thông tin về việc đình chỉ viện trợ đã vấp phải phản ứng gay gắt từ Ukraine.

Kiev đã triệu tập Đại biện lâm thời Mỹ John Ginkel để nhấn mạnh với ông về “tầm quan trọng sống còn của việc tiếp tục chuyển giao các gói viện trợ quốc phòng đã được phân bổ trước đó”.

Nghị sĩ Ukraine Mariana Bezuglaya thậm chí tuyên bố rằng “Mỹ không còn là đồng minh của chúng tôi nữa”, mặc dù trên thực tế hai nước chưa bao giờ ký bất kỳ thỏa thuận đồng minh chính thức nào.

Về phần mình, Liên bang Nga nhiều lần lên án việc phương Tây chuyển giao vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều này chỉ kéo dài cuộc xung đột và làm gia tăng nguy cơ leo thang trên diện rộng.

Các quan chức Điện Kremlin cũng cáo buộc các nước phương Tây đã khuyến khích “các lực lượng ủy nhiệm” ở Kiev chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng trong hy vọng viển vông về việc giáng một thất bại chiến lược vào Liên bang Nga.

Trong một phát biểu đưa ra hôm 3/7, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Càng ít tên lửa từ nước ngoài được chuyển đến Ukraine, thì ngày kết thúc chiến dịch quân sự đặc biệt càng đến gần”.

Tuy nhiên, ông Peskov lưu ý rằng việc tạm dừng này có thể chỉ là tạm thời và xuất phát từ việc Mỹ gửi quá nhiều vũ khí sang hỗ trợ Israel trong căng thẳng với Iran.

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc