12:01 27/12/2012

Khẳng định chất lượng để thu hút thí sinh

Trong nhiều mùa tuyển sinh gần đây, nhiều trường đại học ngoài công lập (ĐH NCL) đang rơi vào tình trạng không tuyển đủ thí sinh, nguy cơ bị giải thể.

Trong nhiều mùa tuyển sinh gần đây, nhiều trường đại học ngoài công lập (ĐH NCL) đang rơi vào tình trạng không tuyển đủ thí sinh, nguy cơ bị giải thể. Các trường ĐH NCL đã đề nghị Bộ GD - ĐT hỗ trợ nhưng theo nhiều chuyên gia, muốn tồn tại và phát triển lâu dài thì chính các trường ĐH NCL này phải nỗ lực khẳng định chất lượng đào tạo để thu hút người học.

 

Trường Đại học Dân lập Đông Đô. Ảnh: ctv

 

Những năm gần đây, việc không tuyển đủ thí sinh đã là khó khăn chung của nhiều trường ĐH NCL khi mùa tuyển sinh kết thúc. Tình trạng bi đát này càng thể hiện rõ trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2012. Có những trường ĐH NCL chỉ tuyển được hơn chục thí sinh nhưng không dám công bố. Vừa qua, các trường ĐH NCL đã nhóm họp nêu ra khó khăn và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong mùa tuyển sinh năm tới. Nhiều ý kiến khẩn thiết mong muốn Bộ GD - ĐT sớm có “thuốc” để “cấp cứu” các trường. Nếu không các trường này sẽ rơi vào nguy cơ bị thu hẹp và giải thể trong những năm tới.


Trước đó, trả lời về vấn đề khó tuyển sinh của một số trường ĐH NCL Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, sự lựa chọn của người học bây giờ đã khác trước, tức là đã chuyển từ việc muốn được học đại học sang chọn học đại học nào. Vì vậy, nếu các trường ĐH NCL không tự khẳng định mình bằng chất lượng, uy tín thì sẽ sớm bị đào thải trong hệ thống đào tạo.


Một số chuyên gia cho rằng, chuyện không tuyển sinh được không phải của riêng các trường ĐH NCL mà còn là nỗi trăn trở chính những trường ĐH công lập. Trong những mùa tuyển sinh gần đây, nhiều ngành liên tục không có sinh viên theo học, đã phải đóng cửa. Vì vậy, muốn thu hút thí sinh, các trường ĐH NCL phải tự khẳng định được chất lượng của mình, đồng thời khẳng định được chất lượng đầu ra. Đó mới là điều người học quan tâm nhất.


Tình trạng tuyển sinh khó khăn rơi vào chủ yếu những trường mới thành lập và chạy theo số lượng thí sinh. Trong khối các trường ĐH NCL vẫn đứng vững phải kể đến ĐH Thăng Long. GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường ĐH Thăng Long cho biết, trường đào tạo dựa trên năng lực cơ sở vật chất hiện có và năng lực đội ngũ cán bộ, giáo viên, đào tạo theo nhu cầu xã hội. Theo thông tin từ phòng đào tạo nhà trường, hiện nay cơ sở vật chất của ĐH Thăng Long được đánh giá ngang với những trường ĐH, CĐ công lập ở Hà Nội và là trường nằm trong top đầu những trường ĐH NCL của cả nước về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên cơ hữu.


Hiệu trưởng trường ĐH Thành Đô Ngô Xuân Hà cho rằng, để tự khẳng định mình với xã hội, các trường mới thành lập không nên “ăn xổi”, tức là, đừng chạy theo số lượng thí sinh mà nên khẳng định bằng chất lượng. Nâng cao chất lượng đào tạo là vấn đề sống còn của các trường ĐH NCL. Muốn vậy cần có sự hỗ trợ nhiều mặt hơn của cơ quan quản lý giáo dục và toàn xã hội để các trường ĐH NCL cảm nhận được sự khích lệ trong phát triển.


Theo ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL, muốn các trường ĐH NCL tồn tại và phát triển thì ngoài việc tự thân nâng cao chất lượng đào tạo thì khối các trường này cần được Nhà nước tạo cơ chế bình đẳng cho họ. Cụ thể, như hưởng cơ chế giao đất sạch, được miễn thuế, học sinh học NCL được hưởng phần nào chính sách như học sinh công lập vì mọi người dân đều đóng thuế như nhau. Nếu không tạo cơ chế thì việc “tự chết” của các trường NCL có thể là tương lai của nhiều trường.

 

Lê Vân