12:14 14/12/2010

Khẩn trương vào cuộc bình ổn thị trường Tết

Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 sẽ tăng từ 1,3 - 1,5% so với tháng 11. Điều này có nghĩa, giá cả trong tháng 12 cũng như dịp Tết Tân Mão sẽ chưa thể dừng tăng...

Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 sẽ tăng từ 1,3 - 1,5% so với tháng 11. Điều này có nghĩa, giá cả trong tháng 12 cũng như dịp Tết Tân Mão sẽ chưa thể dừng tăng, đòi hỏi phải có các giải pháp thực hiện bình ổn thị trường hợp lý, quyết liệt từ các ngành chức năng và các địa phương...

“Mạnh tay” tung hàng bình ổn

Theo Bộ Công Thương, đến nay đã có hàng chục địa phương trong cả nước triển khai chương trình bình ổn giá. Việc triển khai chương trình này được coi là giải pháp quan trọng để bình ổn thị trường Tết năm nay. Trong đó, với sức tiêu dùng lớn nhất, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng thực hiện chương trình bình ổn giá với quy mô lớn nhất.

Khách hàng mua đường tại siêu thị Co.opMart Cống Quỳnh, quận 3, TP.HCM. Ảnh: Kim Phương - TTXVN


Tại cuộc giao ban trực tuyến của Bộ Công Thương tổ chức ngày 6/12, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, ngành công thương thành phố sẽ bám sát diễn biến thị trường giá cả, đặc biệt là những mặt hàng trọng yếu phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới để chủ động điều tiết hàng hóa trên địa bàn thành phố. Hiện TP Hồ Chí Minh đã cấp hơn 800 tỷ đồng để 14 doanh nghiệp dự trữ 8 mặt hàng trong nhóm bình ổn giá, lượng hàng này đã chiếm 35 - 40% thị phần của thị trường thành phố. TP Hà Nội cũng đã chi 400 tỷ đồng cho các doanh nghiệp dự trữ bình ổn giá 9 mặt hàng thiết yếu, đồng thời cũng là những mặt hàng thường tăng giá mạnh trong dịp Tết: Lương thực, thực phẩm, đường, dầu ăn, rau xanh...

Cùng với việc tăng kinh phí cho chương trình bình ổn giá, các địa phương cũng yêu cầu các doanh nghiệp tăng các điểm bán hàng bình ổn và có phương thức phân phối hàng hóa phù hợp để người tiêu dùng dễ tiếp cận nguồn hàng bình ổn. Để thực hiện yêu cầu này, TP Hồ Chí Minh đã phát triển 2.088 điểm bán hàng bình ổn tại 24/24 quận, huyện và vùng ven. Không chỉ tập trung vào mạng lưới các siêu thị, các doanh nghiệp cũng đã triển khai 600 điểm bán hàng bình ổn ở các chợ truyền thống. Ngoài ra, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp phối hợp để đưa chương trình bình ổn giá vào các bếp ăn tập thể tại khu có nhiều công nhân nhằm cải thiện chất lượng bữa ăn, đồng thời bán hàng cho công nhân với giá cả hợp lý.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Văn Đồng cũng cho biết đã yêu cầu các doanh nghiệp bán hàng bình ổn giá bố trí nơi bán hàng phù hợp, mở rộng thêm điểm bán hàng trong siêu thị, chợ và ngoại thành. Doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn được hưởng lãi suất vay vốn từ ngân sách là 0%, nên phải có trách nhiệm cung cấp đủ hàng, đảm bảo chất lượng và giá cả được quy định cụ thể, áp dụng xuyên suốt trong cả chương trình. Nếu giá cả thị trường tăng thì doanh nghiệp tham gia bình ổn không được tăng giá; ngược lại, giá giảm từ 5% trở lên thì xem xét điều chỉnh giảm giá. "Lượng hàng bình ổn vẫn chỉ chiếm thị phần nhỏ trên thị trường nhưng sẽ tạo ra tác động lan tỏa, dẫn dắt và định hướng thị trường giá cả trong thời gian tới", ông Đồng nhận định.

“Ra quân” kiểm soát giá cả

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, cuối năm 2010 và Tết Tân Mão, nguồn cung hàng hóa chắc chắn sẽ được đảm bảo đầy đủ. Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành địa phương cân đối cung cầu và đã có sự chuẩn bị chủ động cho việc bình ổn thị trường. Bộ cũng yêu cầu các Sở Công Thương, Tập đoàn, Tổng công ty rà soát lại cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, nhất là lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, sắt thép và các hàng hóa phục vụ Tết. Chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường sản xuất và cung ứng đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, "sốt" giá từ nay đến hết năm 2010 và quý I/2011, đặc biệt chú trọng dịp Tết Nguyên đán Tân Mão.

Cùng với việc đảm bảo nguồn hàng, Thứ trưởng Thoa cũng cho biết, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để các hành vi lợi dụng chủ trương điều chỉnh giá của Nhà nước để đẩy giá lên cao, nhất là các kênh phân phối, lưu thông và tiêu thụ cuối cùng của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh để kịp thời phát hiện những hành vi nâng giá bất hợp lý... Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, chủ động cung cấp thông tin một cách chính xác, kịp thời cho các cơ quan thông tấn, báo chí để định hướng và nâng cao nhận thức của nhân dân, không để gây tâm lý hoang mang tác động tiêu cực đến thị trường và giá cả. "Tất cả những trường hợp xảy ra “sốt” giá, thông tin thất thiệt về thị trường, gây hoang mang trong dư luận cần phải được điều tra, xử lý nghiêm", Thứ trưởng Thoa nêu quan điểm.

Đồng tình với những giải pháp cấp bách của Chính phủ nhằm thắt chặt kiểm soát giá cả hàng hóa thị trường từ nay đến cuối năm, nhiều ý kiến của lãnh đạo các địa phương kiến nghị Chính phủ hướng trọng tâm, trọng điểm khâu kiểm tra, kiểm soát vào những mặt hàng thực phẩm, xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ ăn uống.

Hiện nay, số vụ vi phạm về giá rất nhiều, trong khi số vụ bị xử lý lại thấp cho thấy công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả chưa đủ mạnh. Vì vậy, các địa phương cũng đề nghị Chính phủ sớm xem xét sửa đổi, bổ sung mức xử phạt vi phạm hành chính về thị trường giá cả theo hướng tăng nặng. Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cần có cơ chế kiểm soát siêu lợi nhuận trong kinh doanh; việc điều tra, kiểm soát giá độc quyền vẫn dừng lại ở xử lý hành chính. Số vụ vi phạm về giá chiếm chưa tới 10% số vụ vi phạm quản lý thị trường thời gian qua. “Nếu không có những biện pháp kiểm soát giá, kiểm tra thị trường tốt thì nguy cơ giá cả tăng vào dịp Tết là rất lớn”, ông Phú lưu ý.

Hữu Vinh