11:23 12/11/2020

Khẩn trương khắc phục thiệt hại sau bão số 12, chủ động ứng phó với bão số 13

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, trong ngày 12/11, các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị vẫn còn mưa to đến rất to, gây ngập lụt nghiêm trọng, nguy cơ cao đến rất cao xảy ra sạt lở đất.

Chú thích ảnh
 Lực lượng cứu hộ tại hiện trường khu vực thôn 1, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN

Tính đến chiều 12/11, mưa lũ sau bão số 12 đã làm 2 người chết (Quảng Nam: 1, Bình Định: 1); 2 người mất tích (Phú Yên: 1, Quảng Nam: 1); 8 người bị thương (Bình Định: 1, Phú Yên: 2, Khánh Hòa: 3, Quảng Nam: 2); 9 nhà bị sập, 388 nhà bị tốc mái và hư hại, 25.653 nhà bị ngập. 

Hiện vẫn còn 29 xã thuộc 2 tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên bị mất điện. Bão số 12 cũng làm gãy đổ 75 cột điện tại Phú Yên, sạt lở nghiêm trọng 3 km khu vực phía Bắc Cửa Đại (Quảng Nam) và 10 km bờ biển Thừa Thiên-Huế (Phú Lộc, Phú Vang).

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương khẩn trương khắc phục thiệt hại sau bão số 12 và tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 13. Đối với tuyến biển, các địa phương cần kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; kiểm soát việc di chuyển, trú tránh của các tàu, thuyền, tránh việc di chuyển chậm, hư hỏng như đã xảy ra ở các trận bão trước.

Các địa phương, đơn vị liên quan cần giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu, thuyền và tại các khu neo đậu; sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn, sơ tán dân, khách du lịch trên các đảo và lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản ven biển; hoạt động kinh tế, khai thác dầu khí trên biển; tăng cường bắn pháo hiệu thông báo bão.

Đối với khu vực đất liền, các địa phương cần khẩn trương khắc phục hậu quả của những đợt mưa, bão đã qua; khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, nhất là tại các khu vực bị lũ quét, sạt lở đất và những nơi trũng, thấp còn bị ngập lụt, chia cắt; rà soát, sẵn sàng sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực thấp trũng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất; đảm bảo an toàn cho người dân tại các khu vực sơ tán, không để phát sinh dịch bệnh.

Các đơn vị chức năng tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo quy trình đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; đối với các hồ đập xung yếu, cần chủ động hạ thấp mực nước để đảm bảo an toàn; vận hành linh hoạt, luân phiên đối với các hồ thuộc hệ thống liên hồ; kiểm tra việc cung cấp thông tin cho chính quyền, người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ theo quy định. Các đơn vị tổ chức các đoàn kiểm tra, bố trí lực lượng thường trực tại các trọng điểm đê điều, hồ đập, công trình phòng, chống thiên tai ven biển, đặc biệt là các vị trí bị hư hỏng do mưa lũ vừa qua để kịp thời phát hiện và xử lý khi có sự cố.

Chú thích ảnh
 Hiện trường vụ sạt lở chiều ngày 12/11. Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN

Tại khu vực thôn 1, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, vào khoảng 13 giờ 30 phút ngày 12/11, trong lúc các lực lượng tham gia tìm kiếm người mất tích và san ủi bùn, đá, khai thông quốc lộ 40B, thì bất ngờ một lượng lớn đất, đá từ phía trên cao đổ ập xuống đúng vị trí này. Rất may, nhờ bộ phận cảnh giới đã kịp thời thông báo nên toàn bộ lực lượng tham gia tìm kiếm và san ủi đất, đá dưới nền đường kịp thời thoát hiểm.

Thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, trong ngày 12/11, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12, không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao nên ở Thừa Thiên - Huế đã có mưa to đến rất to; gây ngập lụt từ 0,4-1,5m đối với hơn 6.500 ngôi nhà. Tỉnh đã triển khai sơ tán, di dời hơn 2.100 hộ dân với hơn 6.400 nhân khẩu để đảm bảo an toàn tính mạng và của cải cho người dân. Do mưa lũ, từ chiều 11/11 đến ngày 12/11, các học sinh vùng hạ du thấp trũng tại Thừa Thiên – Huế phải nghỉ học.

Nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 13, đảm bảo an toàn cho lực lượng, phương tiện cứu hộ, ngày 12/11, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ có công điện yêu cầu tạm dừng việc xử lý tràn dầu tàu JAKARTA mắc cạn, bị gãy; dừng trục vớt tàu Công Thành 27 và việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích tại khu vực Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3.

Tại tỉnh Quảng Trị, từ ngày 11-12 /11, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến từ 200-300mm, mực nước trên các sông dâng cao. Trong đó, trên sông Ô Lâu tại Hải Tân, huyện Hải Lăng, mực nước xấp xỉ báo động 3, gây ngập lụt ở một số vùng thấp trũng, ven sông suối và cầu tràn, làm chia cắt cục bộ một số địa phương. Chiều 12/11, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị đã ra công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị chức năng triển khai biện pháp ứng phó với cơn bão số 13.

Tại tỉnh Phú Yên, sau bão số 12, một lượng nước lớn từ các sông đổ về vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) khiến tôm hùm nuôi bị sốc nước chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng cho người dân địa phương. 

Theo thống kê ban đầu của Ủy ban nhân dân thị xã Sông Cầu, do ảnh hưởng của bão số 12, có 1.521 lồng bè nuôi tôm hùm của 169 hộ dân tại các xã Xuân Phương, Xuân Yên, Xuân Thành, Xuân Đài bị ảnh hưởng, thiệt hại ban đầu khoảng 40 tỷ đồng. Trong đó, nặng nhất là xã Xuân Phương với 762 lồng nuôi của 150 hộ (53.340 con tôm hùm xanh), thiệt hại 13,81 tỷ đồng.

Hoàng Nam (TTXVN)