10:10 30/10/2012

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 8

Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, thống kê sơ bộ đến 16 giờ ngày 29/10, bão số 8 đã làm 3 người chết, trong đó có 2 người ở Nam Định bị chết do nhà sập và tai nạn trên sông, 1 người tại Nghệ An bị ngã khi chằng chống nhà cửa...

Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, thống kê sơ bộ đến 16 giờ ngày 29/10, bão số 8 đã làm 3 người chết, trong đó có 2 người ở Nam Định bị chết do nhà sập và tai nạn trên sông, 1 người tại Nghệ An bị ngã khi chằng chống nhà cửa; 3 người mất tích (Quảng Ninh: 2 người, Nghệ An: 1 người) và 13 người bị thương ở Hải Phòng, Nam Định và Hà Tĩnh. Ngoài ra tại khu vực đảo Cát Hải, tỉnh Hải Phòng có 1 tàu chở quặng trọng tải 2.000 tấn với 5 người bị chìm, mất liên lạc. Ở Thái Bình, khoảng 21 giờ ngày 28/10, tàu cá NĐ 2546 có 4 người neo đậu tại cảng Trà Lý, bị đứt dây neo trôi dạt ở cửa Lân, mất liên lạc.


 

Cây và cột điện đổ gục trên đường Hùng Vương, thành phố Thái Bình.

 

Còn theo thông tin của phóng viên TTXVN thường trú tại các tỉnh, thành phố, con số thiệt hại về người và tài sản tính đến cuối giờ chiều 29/10 đã tăng lên.
Quảng Ninh: Bão đã làm thiệt hại về tài sản, hoa màu của các địa phương trong tỉnh, nhất là ở huyện Vân Đồn, Tiên Yên và thị xã Quảng Yên, chưa có thông tin thiệt hại về người.


Tại huyện Vân Đồn, bão làm 30 bè mảng bị hư hỏng nặng tại nơi neo đậu, 10 bè nuôi trồng thủy sản bị vỡ, 2 km đường dây truyền thanh bị hư hỏng nặng tại xã Thắng Lợi; 1 nhà bị tốc mái tại xã Bản Sen; trên 300 ha lúa mùa sắp thu hoạch bị thiệt hại; một số điểm bị sạt lở, nứt gãy trên trục chính đường 334 đoạn qua thôn Đài Mỏ, xã Vạn Yên. Vân Đồn có 3 tàu đắm, trong đó có 2 người hiện mất tích trên tàu của ông Lê Văn Lê, BKS: QN 6807 tại khu vực xã Ngọc Vừng, 2 tàu còn lại tại xã Minh Châu. Ban chỉ huy quân sự huyện Vân Đồn phối hợp với công an và người dân địa phương ứng cứu được 8 người trong đó có 1 trẻ em (5 người trên bè nuôi trồng thủy sản bị vỡ và 3 người trôi dạt của Công ty Ngọc Trai).


Huyện Tiên Yên có khoảng 40% diện tích lúa bị đổ; 2 nhà dân ở thôn Cống To, xã Tiên Lãng bị đổ sập, người dân đã kịp di chuyển tránh bão. Tại thị xã Quảng Yên, bão đã gây thiệt hại ước tính hơn 10 tỷ đồng. Bao gồm hơn 90% diện tích lúa, 100 ha rau; 1 tàu cá bị đắm khi đang neo đậu tại Bến Giang, hơn 71 thuyền mủng bị đắm tại các đầu cống đã được kéo lên bờ; 1 cột ăng ten thu phát sóng của Đài Phát thanh truyền hình Quảng Yên và 3 cây cột điện bị đổ; 22 nhà dân bị tốc mái.

 

Cây đổ trước cổng Trường Cao đẳng nghề Lilama 1, thành phố Ninh Bình. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

 

Hơn 30 chuồng trại chăn nuôi bị tốc mái, hàng chục chòi nuôi trồng thủy sản bị hư hại; hơn 500 m đê của các đầm nuôi trồng thủy sản bị vỡ và hàng ngàn cây xanh bị đổ gãy. Ngoài ra, ở Cẩm Phả có một tàu vỏ xi măng bị vỡ. Hiện tỉnh Quảng Ninh vẫn đang tích cực tổ chức tìm kiếm 2 người mất tích ở khu vực Vân Đồn.
Thái Bình: Sáng 29/10, tại thành phố Thái Bình, nhiều cây to bị bật gốc, một số tuyến phố còn ngập nước, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Tại khu vực tổ 31 phường Lê Hồng Phong, 1 hộ dân bị cột điện và cây đổ vào nhà, rất may không có thiệt hại về người. Công ty môi trường đô thị thành phố đã khẩn trương thu dọn các cây xanh bị đổ và dọn dẹp vệ sinh, khôi phục cảnh quan đô thị và đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến phố.


Theo thống kê ban đầu của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh, toàn tỉnh có trên 7.000 ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch, trong đó huyện Tiền Hải là 5.200 ha. Gió to kèm mưa lớn đã làm gần 30.000 ha cây vụ đông và rau màu trên toàn tỉnh bị hư hỏng. Toàn tỉnh bị mất điện; hệ thống thông tin liên lạc bị tê liệt hoàn toàn.
Hải Phòng: Theo thống kê ban đầu, toàn tỉnh có 1 người chết, 1 người mất tích và 9 người bị thương. Số người bị chết và mất tích chủ yếu là ngư dân nuôi trồng thủy sản, thủy thủ đang làm việc và neo đậu tàu thuyền tại huyện Cát Hải.


 

Tàu có trọng tải 5.000 tấn đâm gãy cầu Diêm Điền (Thái Bình).

 

Bão số 8 cũng đã làm hơn 2.000 ha lúa mùa cùng hàng nghìn ha hoa màu cây vụ đông bị ngập úng. Giàn khoan và người trên giàn khoan trôi dạt trên khu vực biển Bạch Long Vỹ đã được đưa về vị trí an toàn. Khoảng hơn 2.000 ngôi nhà bị tốc mái và hàng trăm ngôi nhà bị đổ. Tại các huyện Vĩnh Bảo và Tiên Lãng, hàng trăm trang trại, gia trại bị tốc mái, khiến hàng trăm nghìn con gia cầm có nguy cơ bị chết. Bão số 8 cũng đã gây mất điện và mất nước toàn thành phố.


Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Dương Anh Điền yêu cầu các ngành chức năng tiếp tục tìm kiếm 4 người mất tích. Lãnh đạo thành phố cũng đến các địa phương để chỉ đạo các quận, huyện khẩn trương khôi phục lại sản xuất và sớm ổn định đời sống cho người dân.


Hà Nam: Lượng mưa trung bình trên 60 mm, gió giật cấp 6, cấp 7 đã làm cho gần 9.500 ha (chiếm 71%) diện tích cây trồng vụ đông bị thiệt hại. Địa phương bị thiệt hại nặng nhất là huyện Lý Nhân với 3.786 ha, tiếp đến là huyện Duy Tiên 1.682 ha và Kim Bảng 1.650 ha.


Ninh Bình: Bão số 8 đã khiến 1 công an viên huyện Yên Mô bị thương khi đang làm nhiệm vụ; trên 7.200 lều, chòi, nhà cấp 4 của người dân ở các huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô và Hoa Lư bị sập, tốc mái; 149 cột điện bị đổ; gần 5.400/10.648 ha cây vụ đông bị hư hỏng; 300 ha ngao và hơn 5.000 cây ăn quả, cây lấy gỗ bị ảnh hưởng. Tại nhiều tuyến đường trên địa bàn, cây cổ thụ, cây xanh bị gãy chiếm diện tích lòng đường gây rất nhiều khó khăn cho các phương tiện giao thông. Một số phường, xã bị mất điện ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân…

 
UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng khẩn trương giúp nhân dân sửa chữa, dựng lại những ngôi nhà bị sập, tốc mái; tăng cường kiểm tra đảm bảo công tác vệ sinh môi trường sau bão; khôi phục hệ thống điện, mạng lưới thông tin liên lạc; chỉ đạo ngành giáo dục khắc phục kịp thời thiệt hại về cơ sở vật chất đảm bảo cho việc dạy và học; tiêu thoát nước đệm, tập trung chăm sóc, phục hồi diện tích cây vụ đông, hoa màu đã trồng.


 

Tháp truyền hình cao nhất miền Bắc, tại TP Nam Định, bị bão số 8 quật đổ.

 

Nam Định: Tính đến 10 giờ sáng 29/10, đã có 2 người chết, 3 người bị thương, tổng thiệt hại vật chất ban đầu ước tính khoảng 872 tỷ đồng. Vụ đắm tàu tại khu vực Cồn Nhất, thị trấn Ngô Đồng (huyện Giao Thủy) đã khiến nạn nhân là ông Nguyễn Văn Toán, trú tại xóm 24 xã Hải Đường (huyện Hải Hậu) tử vong tại Trạm y tế xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Bão khiến 200 m2 tại 3 vị trí đê kè của Nam Định bị sụt lún, ước tính thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng, làm hư hại hệ thống bơm tiêu chống úng 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Nam Định bị đổ và ngập úng hơn 5.810 ha lúa mùa và hơn 12.800 ha cây vụ đông, ước thiệt hại khoảng 252 tỷ đồng; bị đổ và hư hại 600 chòi canh, 700 ha diện tích nuôi ngao vạng và thủy sản mặn lợ với thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng. Hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh bị đổ và nghiêng 500 cột điện cao thế, 5.000 cột điện hạ thế, hư hỏng nhiều tuyến đường dây với thiệt hại gần 100 tỷ đồng, khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bị mất điện trong nhiều giờ liền. Đặc biệt, vào lúc 20 giờ 40 phút ngày 28/10, tháp truyền hình Nam Định cao 180 m cũng bị gãy đổ trong bão do gió quá lớn đã gây thiệt hại 35 tỷ đồng. Đồng thời 31 cột thu phát sóng tại Nam Định bị đổ, 19 tuyến cáp quang bị đứt, hàng ngàn cột treo cáp bị đổ gãy với thiệt hại 300 tỷ đồng. Bão cũng khiến hàng ngàn nhà cửa bị tốc mái, hư hỏng; hàng chục ngàn cây bóng mát, cây ăn quả bị đổ gãy; biển quảng cáo, trang trí bị hư hỏng nặng, với thiệt hại 100 tỷ đồng.


Ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Trưởng Ban chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh Nam Định cho biết: Hiện UBND tỉnh đang khẩn trương chỉ đạo các ngành, địa phương hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại, khẩn trương sửa chữa, khôi phục lưới điện, tập trung bơm tiêu úng cho lúa, màu; thu hoạch diện tích lúa mùa còn khả năng thu hoạch, trồng lại các cây vụ đông còn thời vụ. Nam Định cũng đang tích cực sửa chữa, khôi phục các công trình thủy lợi, giao thông và cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác; đặc biệt chú trọng khôi phục trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan, nhà ở của dân để nhân dân sớm ổn định đời sống, nơi học, nơi chữa bệnh và nơi làm việc; tăng cường các biện pháp xử lý môi trường, phòng chống dịch, bệnh cho người và gia súc, gia cầm.


Nghệ An: Tính đến sáng 29/10, trên địa bàn tỉnh chỉ có một ngư dân huyện Quỳnh Lưu bị mất tích (rơi xuống biển) do bất cẩn khi đang trên tàu từ biển vào đất liền tránh trú bão.


Hưng Yên: Tại các vùng trồng chuối ở Kim Động, Khoái Châu, thành phố Hưng Yên, gần 1.000 ha chuối đã có buồng chuẩn bị cho thu hoạch bị gãy đổ và mất trắng. Toàn tỉnh còn có hàng nghìn ha cây vụ đông và nhiều rau màu khác đang phát triển bị giập nát; các ruộng cây vụ đông mới trồng bị ngập úng. Ở các huyện Khoái Châu, Văn Giang, Yên Mỹ có hàng trăm ha cây ăn quả như cam bưởi cũng bị rụng quả, gãy cành. Bão cũng đã gây mất điện trên diện rộng ở thành phố Hưng Yên và các huyện Tiên Lữ, Kim Động, Khoái Châu.


Tỉnh Hưng Yên đã khẩn trương chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương tập trung khắc phục, xử lý, giải quyết các hậu quả do mưa bão như sửa chữa điện, buộc dựng lại cây bị đổ, chăm sóc phục hồi hoa màu bị đổ nát, trồng lại những diện tích bị mất trắng; đồng thời, duy trì lực lượng sẵn sàng ứng cứu theo phương châm "4 tại chỗ" trong mọi tình huống.


Thanh Hóa: Tính đến 16 giờ 30 ngày 29/10, toàn tỉnh có 3 nhà bị sập hoàn toàn, 2.172 nhà bị tốc mái, hơn 7.200 ha cây màu vụ đông như ngô, đậu tương, khoai tây... bị dập nát, đổ gãy, hư hỏng. Diện tích nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng 1.000 ha và có 2 thuyền bị hư hỏng, đánh chìm. Tỉnh có 11 km đê biển, đê cửa sông bị sạt lở (trong đó sạt lở bờ biển thị xã Sầm Sơn, huyện Quảng Xương là 8,5 km, sạt lở đê cửa sông Nga Sơn dài 2,5 km), kênh mương bị sạt lở 160 m. Đường dây điện thoại, cáp quang bị đứt 16.500 m và có 40 cột điện hạ thế, thông tin bị đổ gãy. Ước tính tổng thiệt hại 257 tỷ đồng.


Hải Dương: Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có 1 người thiệt mạng ở huyện Nam Sách do dây điện rơi vào người, 4 người bị thương ở huyện Tứ Kỳ và Kinh Môn; gió lớn cũng khiến 1 nhà bị sập, 221 nhà bị tốc mái, 26 cột điện bị gãy đổ, 3.396 ha lúa, hàng trăm ha ngô, dưa, bí, hành, tỏi, ổi, quất, đu đủ bị gãy đổ; 2.460 ha rau màu bị gãy đổ. Toàn tỉnh hiện có khoảng 4.000 ha lúa (tập trung Kim Thành, Tứ Kỳ, Thanh Hà), 7.000 ha rau màu vụ đông bị úng. Bão cũng khiến Cống Nại Thượng đê tả Lạch Tray (Kim Thành) bị sạt mang cống phía đồng dài 4,5 m, lấn sâu 1 m; bãi sông hạ lưu kè Thất Hùng (Kinh Môn) tiếp tục sạt lở vào sát chân đê, đe dọa an toàn đê; kênh trạm bơm Cậy Sơn (Kinh Môn) bị sạt dài 20 m...

 

TTN