10:08 08/10/2012

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 7

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 7 vào đến đất liền đã suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, bão số 7 vào đến đất liền đã suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với không khí lạnh, vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Phú Quý) trong đêm 6 và rạng ngày 7/10 đã có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Tây Nguyên có mưa to đến rất to.


Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to.


 

Hàng trăm người dân huyện Đắk Hà khắc phục sạt lở tại đập tràn hồ Đắk Uy (Kon Tum).Ảnh: Sỹ Thắng - TTXVN

 

* Do ảnh hưởng bão số 7, trong 2 ngày 6 và 7/10, tại tỉnh Kon Tum đã có mưa nhiều nơi, có nơi có mưa vừa, mưa to, khu vực huyện Kon Plong đã có mưa rất to từ 96 - 150 mm. Mực nước trên các sông, suối đã có dao động, tăng dần và có lũ. Trên sông Đắk Bla, mực nước lúc 5 giờ ngày 7/10 tại huyện Kon Rẫy là 593,64 m, cao hơn mức báo động cấp 2 là 0,20 m; tại thành phố Kon Tum là 518,13 m, cao hơn mức báo động 1 là 0,13 m. Trên các sông suối khác, mực nước còn ở mức thấp hơn báo động cấp 1 từ 0,30 - 0,50 m. Lũ sông Pô Kô vẫn tiếp tục tăng và đạt mức đỉnh lũ thấp hơn mức báo động 1 là 0,20 m, đến chiều tối 7/10 mực nước đang giảm dần.


Một số hạng mục công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã bị sạt lở, hư hại. Các tỉnh lộ 673, 674, 675, 676, 677..., đường Đăk Côi - Đăk Pxi (từ huyện Kon Rẫy đi huyện Đắk Hà) bị sạt lở taluy tại nhiều vị trí. Do nước chảy mạnh, hai khoang tràn của đập chính hồ chứa nước Đắk Uy, huyện Đắc Hà bị hư hỏng nặng. Ngoài ra, các huyện lộ đi về các thôn trên địa bàn thành phố Kon Tum, huyện Kon Plong, Tu Mơ Rông bị sạt lở và hư hỏng đã được UBND huyện, thành phố chỉ đạo cắm các biển cảnh báo cho người dân tham gia giao thông biết để phòng tránh.


Công trình thủy lợi Đắk Sia 1 xã Rơ Kơi (huyện Sa Thầy) thì bị sạt lở, vùi lấp một phần hai tràn xả lũ. UBND huyện Sa Thầy trực tiếp chỉ đạo lực lượng thi công nạo vét số đất đá sạt lở xuống tràn xả lũ. Khoang tràn số 6, 7 và đuôi tràn Công trình hồ Đắk Uy (huyện Đắk Hà) bị sạt lở đã được huyện phối hợp với Ban quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh tổ chức chỉ đạo khắc phục đảm bảo an toàn.


lDo ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 7, từ 6/10 đến chiều 7/10, tỉnh Quảng Ngãi có mưa lớn trên diện rộng, nhất là ở các huyện miền núi nên gây thiệt hại về nhà cửa, các công trình thủy lợi, giao thông. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung khắc phục những thiệt hại do bão, lũ gây ra.


Cơn bão đã làm 1 người bị thương, 1 nhà bán kiên cố bị sập và 8 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, 2 phòng học bị sập tại các huyện Mộ Đức, Sơn Tây, Trà Bồng và Tư Nghĩa. Ngoài ra, còn làm thiệt hại 5,7 ha lúa và cây công nghiệp dài ngày, hai tuyến kênh mương bị hư hỏng, 540 m3 đất, đá bị bồi lấp, sạt lở 10 m3 bê tông. Thiệt hại nặng nhất là công trình thủy lợi Suối Dậy, huyện Trà Bồng, tuyến kênh chính bị hư hỏng; công trình thủy lợi Xen Bay, huyện Trà Bồng bị sạt lở với khối lượng đất, đá khoảng 250 m3. Các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Sơn Tây và Trà Bồng bị sạt lở trên 10.000 m3...


Các huyện Mộ Đức, Sơn Tây, Trà Bồng và Tư Nghĩa đã chỉ đạo các xã huy động lực lượng tại chỗ giúp các gia đình có nhà bị sập, tốc mái dựng, sửa chữa lại nhà cửa, sớm ổn định chỗ ở cho dân. Hai huyện miền núi Sơn Tây và Trà Bồng cũng huy động các phương tiện cơ giới khẩn trương san lấp, giải phóng lòng đường nhanh nên không gây ách tắc giao thông trên tuyến đường thuộc huyện Sơn Tây và các tuyến đường giao thông Trà Tân - Cà Đam, Trà Tân - Trà Nham (Trà Bồng).


lDiễn biến xấu của thời tiết do ảnh hưởng của cơn bão số 7 đã gây sạt lở nặng cho các địa phương ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nặng nhất là khu vực bờ biển xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, biển xâm thực vào đất liền với chiều dài khoảng 600 m, sâu vào bờ hơn 30 m. Riêng khu vực xóm Cồn Đầu, thôn Thái Dương Hạ 5 của xã Hải Dương, bị xâm thực với chiều dài khoảng 160 m, sâu vào bờ từ 5 - 7 m. Tại đây, biển ăn sâu vào đất liền có đoạn chỉ còn hơn 10 m là thông với vùng đầm phá, lúc đó xóm Cồn Đầu với 60 hộ/250 khẩu sẽ trở thành ốc đảo. Nhiều khu vực nhà dân bị biển ăn vào sát vách, tạo nên hố sâu hết sức nguy hiểm.


Trước tình hình trên, chính quyền và các đoàn thể xã Hải Dương phối hợp với Đồn biên phòng cửa khẩu Thuận An, huy động hơn 200 người để chống sạt lở. Ban Chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ vật tư như bao cát, rọ thép, vải bạt để giúp dân phòng chống sạt lở; kịp thời khắc phục những điểm đang bị biển xâm thực lấn sâu vào bờ, nhất là đoạn có nguy cơ mở cửa khẩu; đồng thời chuẩn bị các điều kiện để di dời các hộ dân ở khu vực xóm Cồn Đầu. Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo lực lượng thi công, vận hành các công trình hồ chứa thủy điện, ứng trực thường xuyên để tích nước và xả nước phù hợp, đề phòng diễn biến xấu của thời tiết.


TTN