12:20 26/12/2016

Khẩn trương khắc phục điểm sạt lở trên sông Vàm Cỏ Tây

Ngày 26/12, ông Võ Kim Thuần , Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với các cơ quan chức năng, các huyện thực hiện nhiều giải pháp khẩn trương khắc phục sạt lở xảy ra dọc 2 bờ sông Vàm Cỏ Tây thuộc các huyện Thạnh Hóa, Cần Đước và Tân Trụ.

Cụ thể, ngành nông nghiệp tỉnh Long An phối hợp với chính quyền các huyện Tân Trụ, Thạnh Hóa và Cần Đước sử dụng ngân sách phòng chống thiên tai của địa phương và vận động người dân cùng gia cố kịp thời vị trí sạt lở để tránh thiệt hại về người, tài sản.

Đồng thời tiếp tục theo dõi diễn biến sạt lở để có kế hoạch ứng phó kịp thời với các sự cố sạt lở có thể xảy ra đối với các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở; phối hợp cùng chính quyền các huyện khoanh vùng, cắm biển cảnh bảo sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Vận động người dân tháo dở một phần nhà cửa có nguy cơ sạt lở tiếp, có kế hoạch ứng phó kịp thời khi sạt lở đất tiếp tục xảy ra ở 2 bên bờ sông Vàm Cỏ Tây.

Sạt lở tại khu vườn của ông Trương Văn Hai ở ấp Bình Hòa, thị trấn Tân Trụ (Long Anh). Ảnh: Thanh Bình/TTXVN.

Qua quá trình khảo sát, phân tích đánh giá của các cơ quan chuyên môn tỉnh Long An, nguyên nhân sạt lở ở 2 bên bờ sông Vàm Cỏ Tây là do sông cong lõm, địa chất yếu kết hợp dòng chảy tác động trực tiếp xuất hiện hàm ếch gây sạt lở làm sụp nền đất bên trên.

Tại huyện Tân Trụ, điểm sạt lở cách bến đò Ái Ngãi khoảng 50 m, ngay phần đất thuộc hộ ông Trương Văn Hai, chiều dài khoảng 40 m, sâu vào phía bờ 6 - 10 m, đất bị sạt lở có độ dốc lớn, độ sâu sạt lở khoảng 4 - 6 m so với mặt đất tự nhiên. Theo chủ hộ đất bị sạt lở đã cuốn toàn bộ diện tích cây ăn trái và lá dừa nước ra phía sông, gia đình đã dùng biện pháp gia cố cừ dừa, cừ tràm để hạn chế sạt lở lan rộng. Thực tế cho thấy tình trạng sạt lở đang tiếp tục đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân trong khu vực, hiện điểm sạt lở chỉ còn cách móng nhà hộ ông Trương Văn Hai khoảng 5 m.

Mặt khác, khu vực này đang xuất hiện thêm vết nứt với chiều dài khoảng 30m (hộ ông Cao Văn Đông) có khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở trong thời gian tới. Chính quyền địa phương và người dân đang tiếp tục theo dõi diễn biến sạt lở để có kế hoạch ứng phó kịp thời. Tại khu vực ven sông Vàm Cỏ Tây thuộc ấp Voi Đình xã Thủy Đông của huyện Thạnh Hóa có 2 điểm bị sạt lở và 3 điểm bị rạn nứt, sụt lún từ 0,2 - 0,5 m có thể gây ra sạt lở trên diện rộng, gây ảnh hưởng đời sống nhiều hộ dân ở địa phương.

Xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước có h ai điểm sạt lở cách đê bao Rạch Cát khoảng 100 m, gần ngã 3 sông Rạch Cát và kênh Nước Mặn. Hai vị trí này sạt lở cách nhau khoảng 15 m, chiều dài mỗi đoạn sạt lở khoảng 150 m, sâu vào phía bờ khoảng 10m, đất bị sạt lở thẳng đứng có độ dốc rất lớn.
Trần Hữu Hiếu (TTXVN)