05:10 01/05/2020

Khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép tại Kon Tum

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh của báo chí và xử lý nghiêm đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

Ngay sau khi Bản tin thời sự 19h, ngày 28/4 của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) phản ánh tình trạng khai thác, vận chuyển và mua bán lâm sản trái phép diễn ra tại huyện Đăk Tô, Kon Rẫy, Đăk Glei của tỉnh Kon Tum; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Hòa đã chỉ đạo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Công an tỉnh và các ngành, địa phương liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Cũng trong sáng 29/4/2020, Thường trực Tỉnh ủy đã triệu tập cuộc họp chỉ đạo xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, trước hết là chỉ đạo Công an tỉnh thành lập chuyên án để điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo pháp luật tại Văn bản số 5698-CV/VPTU ngày 29/4/2020.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Văn bản 1488/UBND-NNTN ngày 29/4/2020 chỉ đạo Công an tỉnh và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn tất điều tra, xử lý vụ án phá rừng (đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can) tại thôn Đăk Manh 1, xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 653/UBND-NNTN ngày 6/3/2020, Công văn số 203/UBND-NNTN ngày 9/4/2020; đồng thời khẩn trương điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với vụ việc phá rừng tại các huyện Kon Rẫy, Đăk Glei theo thông tin phản ánh tại bản tin thời sự VTV1; trong quá trình điều tra thường xuyên báo cáo, thỉnh thị ý kiến của Bộ Công an để có sự hỗ trợ kịp thời.

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cũng đã có báo cáo nhanh về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong thời gian qua và công tác chỉ đạo xử lý nội dung phản ánh của VTV gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành Trung ương liên quan (tại Báo cáo số 108/BC-UBND ngày 29/4/2020).

Qua thông tin, hình ảnh phản ánh về tình trạng phá rừng trên địa bàn các huyện Kon Rẫy, Đăk Tô, Đăk Glei, tỉnh Kon Tum của Bản tin thời sự kênh VTV1 có phản ánh về vụ việc phá rừng xảy ra tại huyện Đăk Tô. Vụ việc này đã được Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Tô chỉ đạo Công an huyện Đăk Tô khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra, xử lý; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh rút hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định; Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy nắm tình hình, theo dõi, giám sát từ đầu việc điều tra, xử lý. Ngoài vụ việc này, trước đó tỉnh Kon Tum cũng đã khởi tố 4 vụ án hình sự liên quan đến phá rừng tại địa bàn huyện Đăk Tô để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đối với nội dung phản ánh về tình trạng phá rừng trái phép tại huyện Đăk Glei, Kon Rẫy và nội dung: “Có hộ gia đình người dân sau khi dẫn nhóm phóng viên vào rừng thì cứ 03 giờ, 04 giờ sáng có người lạ hăm dọa nên phải chuyển gia đình sang địa phương khác sinh sống” hiện được tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng đang điều tra, xác minh và kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Sau khi có kết quả điều tra, xác minh và xử lý vụ việc, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành Trung ương liên quan để chỉ đạo; đồng thời thông tin cho Đài Truyền hình Việt Nam để phối hợp, đưa tin chính xác, kịp thời kết quả xử lý vụ việc cũng như công tác quản lý, bảo vệ rừng và đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi phá rừng, vận chuyển và buôn bán lâm sản trái pháp luật trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng phá rừng trái phép trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo xây dựng và ban hành Kế hoạch số 34-KH/TU, ngày 5/5/2017 triển khai Chỉ thị số 13-CT/TWcủa Ban Bí thư Trung ương; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Chương trình hành động cụ thể hóa các nhiệm vụ giải pháp về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Quyết định số 459/QĐ-UBND ngày 8/5/2018.

Trong đó, tập trung chính vào các giải pháp trọng tâm như: Rà soát, sắp xếp, kiểm tra, và xử lý các xưởng chế biến gỗ, các cơ sở mộc dân dụng trên địa bàn, đình chỉ hoạt động các cơ sở vi phạm; Xử lý các phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện lưu hành, nhất là các xe độ chế tham gia vận chuyển lâm sản trái phép; Thành lập Ban Chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Tổ công tác liên ngành quản lý, bảo vệ rừng ba cấp tỉnh, huyện, xã; Tổ chức ra quân tuần tra, truy quét các tụ điểm, các điểm nóng về phá rừng trên địa bàn tỉnh, tập trung vào các ngày nghỉ lễ, tết và đầu mùa khô; Xem xét xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan không hoàn thành nhiệm vụ trên lâm phần quản lý...

Trong 4 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ tỉnh Kon Tum đã phát hiện 150 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó đã xử lý hành chính 114 vụ (không đủ điều kiện xử lý hình sự), xử lý hình sự, khởi tố vụ án 9 vụ (trong đó riêng huyện Đăk Tô có 4 vụ án khởi tố hình sự).

Đối với các vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có dấu hiệu hoạt động phá rừng có tổ chức, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Công an tỉnh rút hồ sơ và trực tiếp thụ lý vụ án để truy tìm đối tượng chủ mưu, cầm đầu và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Điển hình gần đây là vụ phá rừng tại thôn Đăk Manh 1, xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô, Ban Thường vụ Huyện ủy Đăk Tô đã chỉ đạo Công an huyện Đăk Tô khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra, xử lý; sau đó Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh rút hồ sơ vụ việc để điều tra, xử lý theo quy định; Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy nắm tình hình, theo dõi, giám sát từ đầu việc điều tra, xử lý.

Mặc dù đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhưng vẫn chưa ngăn chặn được triệt để tình trạng phá rừng, vận chuyển và mua bán lâm sản trái phép như phản ánh của VTV1, nhất là với diện tích rừng lớn khoảng 600.000 ha thì công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

PV (Cổng Thông tin điện tử tỉnh Kon Tum)