09:09 14/09/2021

Khan hiếm tiền mặt khiến người dân Afghanistan phải rao bán tài sản

Anh Shukrullah mang bốn tấm thảm của nhà đến bán ở khu phố Chaman-e Hozori ở Kabul. Nơi đây đang ngập tràn tủ lạnh, đệm, quạt, gối, chăn, đồ bạc, rèm, giường, đệm... do hàng trăm người Afghanistan khác mang đến bán.

Chú thích ảnh
Người dân bán đồ của gia đình tại Chaman-e Hozori. Ảnh: Al Jazeera

Hàng hóa xếp thành các dãy. Mỗi món đồ là một phần cuộc sống của các gia đình trong 20 năm qua ở thủ đô của Afghanistan. Bây giờ, tất cả chúng đang được bán với giá thấp để nuôi sống thành viên của các gia đình đó.

Anh Shukrullah chia sẻ với kênh Al Jazeera: “Chúng tôi mua những tấm thảm này với giá 48.000 afghanis (khoảng 556 USD). Nhưng nay tôi không thể thu về hơn 5.000 afghanis (58 USD) cho cả 4 tấm”.

Người dân Afghanistan phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tiền mặt kể từ khi Taliban kiểm soát thủ đô Kabul vào ngày 15/8. Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và ngân hàng trung ương Mỹ đều đã cắt quyền tiếp cận của Afghanistan với các quỹ quốc tế trong những tuần gần đây. Trong khi đó, các ngân hàng ở khắp Afghanistan đã bị đóng cửa, nhiều máy rút tiền tự động không còn nhả tiền mặt.

Nhiều ngân hàng đã mở cửa trở lại nhưng giới hạn rút tiền hàng tuần là 20.000 Afghanis (232 USD). Hàng trăm người đã dành cả ngày xếp hàng bên ngoài các ngân hàng, chờ đợi cơ hội rút tiền. Tuy nhiên, đối với những gia đình như của Shukrullah, việc chờ đợi bên ngoài các ngân hàng quá đông đúc không phải là một lựa chọn. “Tôi cần kiếm tiền để mua ít bột mì, gạo và dầu ăn” - anh cho biết 33 người trong gia đình đã dọn về ở chung một căn nhà trong năm qua.

Chú thích ảnh
Hàng hóa được người dân đem đến bán tại Chaman-e Hozori rất đa dạng. Ảnh: Al Jazeera

Ngay cả trước khi cựu Tổng thống Ashraf Ghani rời đất nước và Taliban nắm quyền kiểm soát, Afghanistan đã phải đối mặt với một nền kinh tế tăng trưởng chậm, chịu ảnh hưởng trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19 và hạn hán kéo dài đã tàn phá thêm nền kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp.

Trong một báo cáo công bố vào tháng 9, Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo đến giữa năm 2022, trên 97% dân số Afghanistan có thể rơi vào mức nghèo khổ. Ngày 13/9, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã triệu tập một hội nghị cấp cao về nhân đạo đối với Afghanistan ở Geneva (Thụy Sĩ) nhằm mục tiêu huy động được 600 triệu USD với 1/3 trong số này dành cho hỗ trợ thực phẩm.

Theo Ngân hàng Thế giới, một quốc gia được coi là phụ thuộc vào viện trợ khi tối thiểu 10% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước đó đến từ viện trợ nước ngoài. Trong khi đó, 20 năm qua, 40% GDP của Afghanistan là từ viện trợ quốc tế.

Phát biểu tại Hội đồng Atlantic trong tháng 9, cựu Thống đốc Ngân hàng trung ương Afghanistan- ông Ajmal Ahmady cho biết nước này có thể đối mặt với nguy cơ GDP giảm 10-20% nếu các lệnh trừng phạt quốc tế không được gỡ bỏ.

Phát ngôn viên của Taliban-ông Zabihullah Mujahid cho biết lực lượng này đang hy vọng Trung Quốc và Nga sẽ bù đắp cho sự thiếu hụt hỗ trợ kinh tế của phương Tây.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Al Jazeera)