07:08 29/07/2016

Khẩn cấp bảo tồn di sản

Để lớp trẻ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiểu hơn những giá trị văn hóa truyền thống, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và địa phương, và sự tham gia của người dân. Trong đó, trong đó, ngành chủ quản cấp kinh phí trong công tác bảo tồn, các nghệ nhân gian tham gia truyền dạy cho các thế hệ trẻ.

Những năm qua, các tỉnh vùng Tây Bắc như Điện Biên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Yên Bái, Sơn La… đã làm tốt công tác bảo tồn di sản của địa phương mình. Nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc được phục dựng, như lễ Hạn Khuống của đồng bào người Thái Nghĩa Lộ (Yên Bái), lễ Kin Pang Then của người Thái trắng ở Điện Biên, lễ cúng bản của người Hà Nhì, Tết Nào pê chầu của người Mông đen… Bên cạnh đó, ý thức được giá trị của nhiều di sản văn hóa trong vùng, các địa phương đã lập hồ sơ và trình Nhà nước công nhận nhiều di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó, có 2 di sản đang làm hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Đó là nghệ thuật múa xòe của người Thái (ở Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu) và nghệ thuật hát Then, Tày, Nùng, Thái của Việt Nam. Nhiều cuốn sách về bảo tồn văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc cũng đã được các nhà nghiên cứu xuất bản, lưu giữ… góp phần không nhỏ vào công tác bảo tồn, gìn giữ phát huy giá trị văn hóa của đồng bào.

Trình diễn nghệ thuật múa nón của dân tộc Thái trắng Mường So, Lai Châu. Ảnh:Nguyễn Duy - TTXVN

Nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu có ý kiến, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi cho các nghệ nhân, những người gìn giữ và truyền dạy di sản. Thực tế cho thấy, nghệ nhân – các chủ thể văn hóa chính là nhân tố quyết định trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Nghệ nhân chính là người sáng tạo nên những giá trị và bản sắc văn hóa của dân tộc mình, và cũng chính nghệ nhân là người nuôi dưỡng và trao truyền những giá trị này cho các thế hệ trẻ, chính vì vậy, để gìn giữ di sản văn hóa dân tộc, không thể vắng bóng các nghệ nhân. 

Nhưng hiện nay, ảnh hưởng của kinh tế thị trường, sự phát triển của xã hội, đã khiến cho hoàn cảnh cư trú, môi trường sinh hoạt văn hóa ở nhiều vùng dân tộc bị thay đổi. Các nghệ nhân là những người gìn giữ những tinh hoa văn hóa của dân tộc đang dần vắng bóng, các thế hệ trẻ lại đi học, hoặc thoát ly đi lao động, nên cũng không mặn mà với việc gìn giữ văn hóa dân tộc mình. Chị Phùng Ky Mẻ, dân tộc La Hủ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) cho biết: “Mình muốn dạy con cháu hát bài hát của mình, múa điệu múa của mình, nhưng con cháu bảo không thích, hoặc bảo bận nên không muốn học. Ngay cả trang phục của dân tộc mình bây giờ các cháu cũng không muốn mặc, mình buồn lắm, khuyên bảo thì các cháu không nghe, chúng đưa ra nhiều lý do lắm. Chúng nó bảo quần áo của mình mùa đông rét thì không đủ ấm, nhưng mùa hè thì lại dày mặc nóng lắm, mặc làm việc hay đi lại đều khó nên không thích, không chịu mặc”.

Không riêng chị Mẻ, nhiều nghệ nhân già ở các bản làng dân tộc cũng than rằng, thanh niên bây giờ không còn thích văn hóa cha ông nữa. Ban ngày họ còn mải đi làm rẫy, làm thuê kiếm sống. Tối về họ chỉ muốn nghỉ ngơi, giải trí bằng nhiều cách thức khác hiện đại hơn, như xem tivi, xem điện thoại… nhưng mà cũng không thể trách mãi người trẻ, bởi xã hội bây giờ khác rồi, thanh niên trẻ hiện đại họ phải có thú vui mới, nếu bắt con cháu cứ giống mình ngày xưa cũng khó.

Về thực trạng này, ông Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thừa nhận, công tác đầu tư xây dựng bảo tồn các di sản văn hóa vùng Tây Bắc hiện đang gặp nhiều khó khăn. Rất nhiều đội văn nghệ ở các thôn bản hiện nay hầu như không có lớp trẻ, chỉ có những người già tham gia. Trong khi đó, nếu chúng ta muốn bảo tồn, phải trao truyền được cho nhiều thế hệ, đặc biệt là các thế hệ trẻ, bởi họ chính là những người gìn giữ di sản.

Cũng theo ông Trần Hữu Sơn, trong bảo tồn văn hóa, sự tham gia của cộng đồng người dân là yếu tố quyết định, vì đồng bào chính là chủ nhân của di sản, nên đồng bào sẽ thấy văn hóa của mình nên bảo tồn như thế nào. Các nhà khoa học, các nhà hoạt động chính sách chỉ là tư vấn, còn quyết định phải là ở người dân. Tuy nhiên, ông Trần Hữu Sơn cũng nhấn mạnh, để bảo tồn văn hóa truyền thống của một dân tộc, thì bản thân dân tộc đó phải có bản lĩnh. Có nghĩa là, dân tộc đó cần nâng cao năng lực tự bảo vệ, bảo tồn văn hóa dân tộc mình. Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn văn hóa phải vừa định hướng, vừa gợi mở, đồng thời tuyên truyền cho đồng bào hiểu và chủ động tham gia. Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, đầu tư kinh phí, để bà con thực hiện.

Theo ông Sơn, có nhiều cách bảo tồn, nhưng trong văn hóa có phương pháp bảo tồn sống, nghĩa là cả cộng đồng sống trong môi trường văn hóa để bảo tồn là tốt nhất. Tuy nhiên cách bảo tồn như vậy trong điều kiện hiện nay là rất khó. Nhưng chúng ta có thể xây dựng và gìn giữ một làng, bản nguyên vẹn. Bên cạnh đó, chúng ta cần nghiên cứu để vừa bảo tồn sống, vừa bảo tồn theo kiểu bảo tàng, như quay phim, chụp ảnh tư liệu về tất cả các nghi lễ, nghi thức cũng như cuộc sống sinh hoạt của dân tộc đó, lưu giữ lại, để sau này con cháu muốn tìm hiểu, có thể xem lại… đó là một cách bảo tồn rất tốt, được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Cùng với những chính sách về bảo tồn, các địa phương cũng cần có chương trình bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, xã hội ở vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời, xây dựng và thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài, ưu đãi những người có uy tín trong cộng đồng, nghệ nhân, già làng trưởng bản… những người có ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng, để nâng cao hơn nữa việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng Tây Bắc.
Lan Phương