11:17 01/11/2019

Khám phá nét độc đáo nghi lễ cưới của các dân tộc Nga

Người Nga luôn quan niệm đám cưới truyền thống là sự phản ánh rõ nét nhất tập quán cũng như những nét độc đáo của người dân ở địa phương. Vì thế, việc giới thiệu những bức tranh về đề tài lễ cưới là một trong những cách đem "hồn cốt văn hóa Nga" giới thiệu tới công chúng Việt Nam.

Chú thích ảnh
Du khách khá thích thú trước những tác phẩm tại Triển lãm.

Từ ngày 1 - 5/11, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga phối hợp với Bảo tàng Quốc gia Elabuga (Liên bang Nga) tổ chức triển lãm tranh dân gian Nga với chủ đề “Nghi lễ cưới của các dân tộc Nga”.

Chú thích ảnh
Các đại biểu chiêm ngưỡng những tác phẩm tại triển lãm.

Triển lãm giới thiệu 30 tác phẩm về nghi lễ cưới theo định hướng dân tộc của 20 nghệ sĩ đến từ 15 thành phố và 9 nước cộng hòa thuộc Liên bang Nga, là đại diện đặc sắc của các dân tộc khác nhau cùng chung sống trong lãnh thổ nước Nga. Các tác phẩm được vẽ trên nhiều chất liệu như sơn dầu, màu nước, acrylic…

Theo đại diện Ban tổ chức, những bức tranh được giới thiệu tới công chúng Thủ đô là những tác phẩm xuất sắc nhất tại Hội nghị chuyên đề nghệ thuật quốc tế XIV về nghệ thuật đương đại với chủ đề "Nghi lễ cưới" do Bảo tàng Quốc gia Yelebuga của Nga tổ chức.

Chú thích ảnh
Rất đông học sinh Nga cũng tới triển lãm để hiểu hơn về văn hóa nước mình.
Năm 2019 là Năm chéo Việt - Nga, có ý nghĩa đặc biệt đối với hai nước, đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng; kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nga (1994 - 2019); hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga (1950 - 2020).

Thông qua các tác phẩm trưng bày tại triển lãm, người xem sẽ có thêm hiểu biết và cảm nhận một nước Nga đa sắc tộc, đa văn hóa.

Hoạt động cũng góp phần thúc đẩy hợp tác, giao lưu giữa hai quốc gia nói chung, cũng như giữa Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói riêng.

Tìm hiểu, khám phá đất nước và con người xứ sở cây Bạch Dương qua Triển lãm tranh dân gian "Nghi lễ cưới dân tộc Nga":

Chú thích ảnh
Bức Cô dâu mùa xuân của họa sĩ V.A. Frolova ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ chuẩn bị bước sang giai đoạn mới của cuộc sống.
Chú thích ảnh
Hình ảnh chân dung chú rể Kalmyk trong trang phục dân tộc.
Chú thích ảnh
Theo thông lệ, bố mẹ chàng trai thường chuẩn bị trước cho việc đón cô gái vào nhà. Cô gái phải bước chân lên chiếc gối dược mẹ chú rể đặt dưới chân. Làm điều này để cho người vợ trẻ đi vào trong nhà nhẹ nhàng. Mẹ chồng tương lai cho cô dâu uống một thìa mật ong với bơ để lời nói của cô ấy thật ngọt ngào và tính tình của cô ấy thật mềm mại.
Chú thích ảnh
Vào ngày cưới, các bạn gái quây quần bên người cô dâu, thực hiện nghi lễ tháo bím tóc. Cô dâu lúc đó khóc than tạm biệt thời con gái. Các bạn gái tết tóc lại thành hai bím, đội chiếc mũ của một người phụ nữ đã có chồng.
Chú thích ảnh
Sự xuất hiện lần đầu tiên của chú rể đi kèm với việc trả tiền chuộc cho cơ hội được vào sân nhà cô dâu. Chú rể mang theo quà và các đồ chiêu đãi. Trẻ em ngăn đường để nhận bánh kẹo từ chú rể.
Chú thích ảnh
Trong nghi lễ đám cưới ở Tatarstan, giống như nhiều dân tộc khác, có tục lệ chuộc cô dâu. Chú rể đến đón cô dâu phải tặng quà cho các bạn gái của cô dâu.
Chú thích ảnh
Trong đám cưới Bashkir, bốn cô gái giơ một tấm vải bùa hộ mệnh để bảo vệ cô dâu khỏi những tà linh. Khuôn mặt của hai người bạn gái và cô dâu không được hiển thị vì họ quay lưng về phía người xem để chỉ có thể nhìn thấy mình trong hình tượng. Cô dâu đi qua dưới tấm vải hộ mệnh được chú rể đón ở cửa ra.
Chú thích ảnh
Một trong những truyền thống của đám cưới hiện đại là ném bó hoa cô dâu cho những người bạn gái chưa lập gia đình, truyền thống này có từ thời Trung cổ. Người ta cho rằng, đồ đạc của vị hôn thê hạnh phúc có thể mang lại may mắn và hạnh phúc, vì vậy các cô gái trẻ cố làm sao có được bất kỳ món đồ nào từng thuộc về cô dâu.
Chú thích ảnh
Trong nhiều thế kỷ, người Tatar có phong tục cô dâu mang của hồi môn của mình về gia đình mới. Của hồi môn gồm váy áo tự mình dệt, khăn trải bàn, ren, diềm đăng-ten, quần áo thêu cho chú rể là áo, quần, tất len... Ngày xưa và ở một số nơi còn đến tận ngày nay - người ta thường đặt những thứ này vào một cái rương được trang trí, chạm khảm đắt tiền, bởi vì nó được dùng như một biểu tượng của sự giàu có.
Chú thích ảnh
Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ được chào đón bằng bánh mỳ và muối trong nhà của bố mẹ chú rể. Theo truyền thống của đám cưới Mordovia, đôi vợ chồng trẻ thường được một phụ nữ mặc áo lông thú lộn “ovta” gấu ra đón. Hai tay cô bưng một bầu rượu.
Chú thích ảnh
Cầu mong những điều tốt lành cho cặp vợ chồng trẻ. Nghi lễ cưới của người Khakass, ở đó họ chúc cho đôi vợ chồng trẻ thịnh vượng và sinh con đẻ cái. Theo nghi thức này, trẻ em giẫm đạp lên gấu váy cô dâu ở phần trước và động vật giẫm đạp lên phần gấu váy phía sau.
Chú thích ảnh
Một trong những truyền thống đám cưới hiện đại là treo một chiếc khóa lên cành cây dành cho các cặp vợ chồng trẻ. Truyền thống này xuất hiện ở Ý vào những năm 1990. Các cặp vợ chồng mới cưới hiện đại của hầu hết các quốc gia đều treo khóa đám cưới để khóa tình cảm chân thành dành cho nhau bằng một chiếc chìa khóa.
Lễ cưới ở Nga theo truyền thống kéo dài 2 - 3 ngày, thường diễn ra vào mùa thu hoặc mùa đông, trong khoảng giữa những lễ ăn chay lớn. Thời gian phổ biến nhất là sau Lễ giáng sinh và kéo dài đến Lễ tiễn mùa đông, nó được gọi là “svadebnik”.

Người Nga thường chọn nhà thờ là nơi diễn ra hoạt động thiêng liêng nhất của đời người. Trong lễ cưới cô dâu và chú rể đều thề nguyện luôn chung thủy sắc son bên nhau. Đám cưới Nga còn duy trì của hồi môn cho cô dâu về nhà chồng. Bàn tiệc ngày cưới yêu cầu phải có thịt chim. Người Nga cho rằng hình tượng con chim biểu trưng cho cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Tin, ảnh: L.Sơn/Báo Tin tức