Người dân Moskva hay những người đã gắn bó với Moskva đều coi hệ thống metro thành phố này là đẹp nhất trên thế giới.
Có lẽ ít có thành phố nào mà các nhà ga tàu điện ngầm trở thành điểm du lịch lớn, thu hút du khách như ở thủ đô nước Nga. Lịch sử tàu điện ngầm Moskva cũng phản ánh lịch sử ấn tượng của chính nước Nga trong 85 năm qua. Không những thế, hệ thống metro còn được xem như một thương hiệu của Moskva.
Ý tưởng mang tính cách mạng xây dựng hệ thống tàu điện ngầm lần đầu tiên xuất hiện ở Nga trước Cách mạng Tháng Mười nhưng đến ngày 15/5/1935, tuyến metro đầu tiên với 13 nhà ga mới được khai trương. Ba năm sau, Nga khai trương thêm một số nhà ga mới, đặc biệt là nhà ga Mayakovskaya hùng vĩ. Nhà ga này giống như một nhà thờ lớn với các cột đá cẩm thạch, trần mái vòm và những bức tranh khảm đá (mosaic) trên mái vòm.
Cung điện dưới lòng đất
Điểm khác biệt của nhà ga Mayakovskaya so với các ga khác của tàu điện ngầm Moskva là kiến trúc bên trong với nhiều hình dạng hình học và các yếu tố bất đối xứng bên trong đối xứng. Đây là ảnh hưởng mạnh mẽ của trào lưu Art-deco.
Nhà ga này đặc biệt nổi tiếng trong Chiến tranh Thế giới thứ II, khi nó được sử dụng làm nơi trú bom trong các cuộc không kích và đã đi vào lịch sử khi tháng 11/1941, nhà lãnh đạo Stalin tổ chức cuộc họp lớn nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười.
Komsomol là nhà gà khổng lồ, tọa lạc ở điểm nút giao thông bên trên có 3 nhà ga xe lửa Leningrad, Kazan và Yaroslavlst và gây chú ý với tông màu vàng của tường và cột cùng phong cách baroque sang trọng. Những bức tranh khảm đá khổng lồ trên trần mô tả cuộc sống hàng ngày của người dân Xô Viết cũng như các cuộc chiến tranh giành độc lập của dân tộc Nga.
Đến nhà ga Kievskaya, du khách sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp khi họ lần đầu chiêm ngưỡng. Đó là những bức tranh ghép tinh xảo, những bức tường gợi nhớ đến một nhà hát opera, những chiếc đèn chùm sang trọng. Kievskaya là một trong 10 nhà ga tàu điện ngầm đẹp nhất thế giới.
Nó được hoàn thành năm 1954 và là nhà ga đầu tiên hoàn thành sau khi Stalin qua đời. Dù thực tế được xây dựng trong thời hậu Stalin, song Kievskaya chứa đựng tất cả các đặc điểm của nghệ thuật Xô Viết.
Nhà ga nổi tiếng “Quảng trường Cách mạng” sát Quảng trưởng Đỏ được xem là nhà ga mang hơi thở Stalin. Nhà ga này có tới 76 bức tượng đồng mô tả những con người khác nhau dười thời xã hội chủ nghĩa.
Một câu truyện lưu truyền rằng kiến trúc sư Alexei Dushkin, người thiết kế nhà ga, không hài lòng với ý tưởng đặt những tác phẩm điêu khắc ở đây, cho rằng chúng không phù hợp với diện mạo chung của nhà ga.
Tuy nhiên, lãnh đạo Stalin khi khai trương nhà ga tuyên bố rằng “điều này là rất tốt”. Vì vậy, đây có thể xem là nhà ga theo tinh thần Stalin. “Đình đám” nhất tại nhà ga “Quảng trường Cách mạng” là bức tượng người lính biên phòng dắt chó.
Đã từ lâu người Moskva cho rằng các học sinh, sinh viên khi xoa mõm chú chó có thể vượt qua những kỳ thi tốt nghiệp khó nhất. Chính vì thế mõm chú chó bằng đồng bị xoa mòn và bạc đến mức có thể nhìn thấy rõ.
Khi nói đến nước Nga, người ta nghĩ ngay đến Nhà hát Bolshoi nổi tiếng thế giới. Nhà ga tàu điện ngầm đi ra Quảng trường Nhà hát, nơi có hàng chục nhà hát lớn nhỏ trong đó có Bolshoi, là một trong những nhà ga nổi tiếng. Nhà ga này ra đời năm 1938 và đá cẩm thạch lấy từ Nhà thờ Chúa cứu thế được sử dụng để trang trí nội thất ga này.
Trên trần, bạn có thể thấy các hoa văn chạm khắc nổi mô tả trang phục các dân tộc của Liên Xô. Những chiếc đèn pha lê lớn cùng những phiến đồng hình vuông tạo cảm giác như bạn thực sự đang ở trong một nhà hát đúng như tên gọi của nhà ga….
Metro Moskva ngày nay
So với thời đầu những năm 1990, hệ thống metro của thủ đô nay đã thay đổi ngoạn mục với rất nhiều nhà ga và tuyến đường mới. Nếu thời những năm 1990, hệ thống metro của Moskva gồm 10 tuyến, trong đó có 1 tuyến đường vành đai nối với tất cả các tuyến, 6 tuyến đi xuyên trung tâm thành phố thì nay hệ thống metro Moskva gồm 15 tuyến với tổng độ dài 780km và 330 nhà ga.
Hiện trung bình mỗi ngày có 12.500 chuyến tàu điện ngầm qua lại, chuyên chở 9,5 triệu lượt người. Và rất tiện lợi là từ hệ thống tàu điện ngầm, người ta có thể nối chuyến để di chuyển đến tận các điểm vươn xa của Moskva cũng như tất cả các sân bay của thành phố, chưa kể kết nối với các nhà ga đường sắt và xe công cộng.
Trong năm 2019, hệ thống metro Moskva phục vụ trên 2,5 tỷ lượt đi lại. Tính trung bình vé metro là 40 ruble (khoảng 12.000 VND) mỗi lượt, còn nếu đi liên tiếp được giảm còn 22 ruble mỗi lượt. Có thể thấy ngân sách thành phố thu được khoản tiền khổng lồ như thế nào từ metro - “con gà đẻ trứng vàng”.
Theo chính quyền thủ đô Moskva, dự kiến đến năm 2022, thành phố sẽ đưa vào hoạt động toàn tuyến đường vành đai metro lớn, dài 70km với 31 nhà ga mà 19 trong số đó có thể chuyển tàu sang các tuyến metro ngầm khác.
Hệ thống metro ở thủ đô Moskva còn rất nhiều bí ẩn và những câu chuyện thú vị. Ví dụ như giọng nói thông báo tàu đến ga khi đi theo một tuyến từ điểm đầu đến điểm cuối sẽ chuyển từ giọng nam sang nữ. Thay đổi này nhằm định hướng cho hành khách khiếm thị.
Giọng nam thông báo các nhà ga khi đi vào trung tâm còn giọng nữ thông báo tàu ra khỏi trung tâm. Trên đường vành đai, giọng nam thông báo các tàu đi theo chiều kim đồng hồ còn giọng nữ thông áo các tàu đi theo hướng ngược lại.
Có thể thấy, hệ thống metro Moskva mang trong mình rất nhiều truyền thống, lịch sử, văn hóa và khía cạnh kinh tế. Điều đáng khâm phục là sau 85 năm hệ thống này được đưa vào vận hành, người Moskva đã biết hoạch định, gìn giữ, và tiếp tục phát huy để tạo ra một giải pháp khổng lồ không chỉ có lợi về mặt kinh tế và giao thông.