09:17 25/09/2020

Khám chữa bệnh từ xa muốn hiệu quả cần thêm nhiều chính sách 'mở lối'

Việt Nam đã đạt mốc hơn 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa, tuy nhiên việc triển khai vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn, nhất là vấn đề pháp lý, chưa có nguồn thu, hướng dẫn chi trả từ hoạt động này.

Chú thích ảnh
Một buổi tư vấn khám chữa bệnh từ xa từ đầu Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: BV

Hoạt động hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều khó khăn

Tính đến ngày 26/9, sau 2 tháng triển khai đồng loạt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa, cả nước đã đạt mốc hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với hơn 20 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nhờ sự kết nối này, nhiều ca bệnh phức tạp đã được các bác sỹ hội chẩn và cứu sống kịp thời mà không phải mất thời gian, công sức chuyển lên tuyến trên.

Đặc biệt, nhờ sự kết nối từ tuyến trên đã giúp nhiều điểm cầu ở tuyến dưới cứu sống kịp thời các ca bệnh nặng mà trước đó khó có thể làm được nhờ các bác sĩ tuyến dưới được tư vấn, hướng dẫn về kỹ thuật điều trị, đào tạo trực tiếp qua mỗi ca bệnh.

Các bệnh viện vẫn đang tích cực kết nối các điểm cầu và hoạt động tư vấn hiệu quả. Như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là đơn vị đầu tiên triển khai khi có dịch COVID-19, hiện đã tổ chức được định kỳ hoạt động khám, chữa bệnh từ xa (Telehelth) 2 buổi/1 tuần; mỗi buổi có trung bình từ 8-10 bệnh nhân nặng được đưa ra tham gia hội chẩn trực tuyến. Đến nay, Bệnh viện đã tổ chức được 40 buổi hội chẩn Telehealth, hơn 290 ca bệnh được hội chẩn; hơn 162 bệnh viện tuyến dưới đã đề xuất tham gia kết nối với Bệnh viện.

Qua thực tế triển khai, các bệnh viện đều đã nỗ lực phát huy được năng lực hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới, nhiều ca bệnh điều trị thành công tại chỗ, hoạt động kết nối các điểm cầu đã hiệu quả hơn.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến như vừa qua, hình thức này đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác khám chữa bệnh, tránh người bệnh phải đi lại, tụ tập đông người tại các bệnh viện... Đây cũng giải pháp quan trọng để thực hiện nhiệm vụ kép vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế- xã hội mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, việc khám chữa bệnh từ xa còn gặp nhiều bất cập, khó khăn. PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện nhi Trung ương cho biết: “Tuyến trên sẵn sàng hỗ trợ, tuy nhiên hiện nay vẫn có vấn đề về kết nối, nhất là sự đồng bộ về hệ thống về công nghệ thông tin ở các bệnh viện tuyến trên và các bệnh viện tuyến dưới. Các bệnh viện tuyến trên đã được đầu tư khá tốt; tuy nhiên để  triển khai, công nghệ thông tin cả phần cứng và phần mềm đều phải ổn. Hiện còn khó khăn là ở các tuyến dưới, có đến cả nghìn điểm cầu khác nhau và thực trạng công nghệ thông tin ở mỗi nơi cũng khác nhau. Việc này cần phải có sự điều tra và thâm nhập cụ thể để có thể đưa ra hình thức phù hợp nhất”.

Còn PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Đại học Y Hà Nội cho rằng: Hiện khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai khám, chữa bệnh từ xa là vấn đề về pháp lý. Bởi hiện Luật Khám, chữa bệnh vẫn chưa được sửa đổi, đặc biệt là việc ký đơn thuốc từ xa vẫn còn nhiều vướng mắc.

“Có trường hợp điển hình như một bệnh nhân điều trị ở Bệnh viện 199 Đà Nẵng khám trực tuyến với Bệnh viện Đại học Y. Mặc dù bác sĩ của Bệnh viện 199 khám bệnh cùng bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhưng khi xuất đơn thuốc thì bác sĩ của Bệnh viện 199 lại là người ký. Nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra thì Bệnh viện 199 phải chịu trách nhiệm. Điều này dẫn đến vai trò của bác sĩ ở bệnh viện hạt nhân sẽ giảm đi. Vì vậy, vấn đề này cũng cần phải thay đổi, cụ thể hơn ở Luật Khám chữa bệnh”- GS. Nguyễn Lân Hiếu nêu dẫn chứng.

Cần những giải pháp “mở lối”

Với những vướng mắc trên, các đơn vị cũng mong muốn có sự điều chỉnh về chính sách cho phù hợp để hoạt động khám chữa bệnh từ xa đạt hiệu quả lâu dài.

Theo các bệnh viện, hiện nay quá trình triển khai khám, chữa bệnh từ xa cũng chưa có bất kỳ một nguồn thu nào, phía bảo hiểm y tế (BHYT) cũng chưa có hướng dẫn chi trả. Đây cũng là khó khăn khi các bệnh viện tuyến Trung ương tổ chức các buổi hội chẩn trực tuyến. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần sớm có giải pháp để ngoài Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các đơn vị bảo hiểm khác, trong đó có bảo hiểm tư nhân được quyền tham gia vào để việc thực hiện khám, chữa bệnh từ xa đạt hiệu quả.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất, các cơ quan cần nghiên cứu để đưa ra mức kinh phí, giá dịch vụ y tế cho phù hợp với khung giá của các dịch vụ trong khám chữa bệnh từ xa để các bệnh viện có cơ sở áp dụng.

Trước thực trạng trên, theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, để các bệnh viện có căn cứ hoạt động và có các hướng dẫn cụ thể, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, Cục quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với các bên liên quan bước đầu xây dựng các văn bản hướng dẫn trong giai đoạn đầu của Đề án Khám, chữa bệnh từ xa. Đó là Hướng dẫn Quy trình tổ chức hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa; Quy chế hướng dẫn bảo mật thông tin trong tư vấn, hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa; Danh mục các kỹ thuật khám, chữa bệnh từ xa…

Cũng theo PGS. TS Trần Minh Điển, hiện nay, có 4 hình thức phục vụ khám chữa bệnh từ xa để tuỳ từng điều kiện, hoàn cảnh khi chưa đồng bộ công nghệ, các bệnh viện có thế áp dụng như: Hình thức đầu tiên là chỉ cần một chiếc smarphone, gọi video call để kết nối với các đồng nghiệp ở trong các tình huống khẩn cấp cần cấp cứu, đây cũng cách các bệnh viện trung ương vẫn đang thực hiện với những trường hợp cấp cứu từ các tuyến bất kỳ lúc nào kể cả trong đêm hoặc các ngày nghỉ.

Hình thức thứ hai là video confidence chẳng hạn như sử dụng dạng phòng họp online, bằng những nền tảng công nghệ số, có thể kết nối những cuộc họp hai bên với nhau, truyền tải cho nhau những thông tin để có thể đưa ra những kết luận chuẩn đoán và chữa trị cho người bệnh.

Hình thức thứ ba là các bệnh viện tuyến dưới đầu tư để có những phần mềm tương ứng để có thể đẩy những hình ảnh lên các tuyến trên phục vụ hội chẩn.

Hình thức thứ tư là đầu tư công nghệ để có thể chuyển tải hình ảnh trực tiếp từ những phòng mổ, giường bệnh, mỗi chức năng sống của bệnh nhân… lên hệ thống các màn hình kết nối với các bệnh viện Trung ương để có thể dễ dàng  xem xét kĩ nhất tình trạng của người bệnh, đây cũng là mức độ khó nhất. Với bốn mức độ này, các bệnh viện sẽ tùy theo tình trạng của người bệnh và những tình hình về những điều kiện cơ sở vật chất của các tuyến, để có thể kết nối với nhau trong mọi tình huống.

Vừa qua, những lợi ích từ việc khám chữa bệnh từ xa đã cho thấy rõ, tuy nhiên nhiều người dân cũng lo lắng về vấn đề thông tin, hình ảnh cá nhân của bệnh nhân có bị lộ ra ngoài trong quá trình khám, điều trị bệnh từ xa.

Về vấn đề này Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng Bộ Y tế Nguyễn Đình Anh cho biết: “ Vấn đề về bảo mật thông tin người bệnh, Bộ Y tế đã ban hành quyết định tạm thời hướng dẫn và quy định tổ chức hội chuẩn khám chữa bệnh từ xa. Trong đó đã quy định rõ ràng các biện pháp như: Không được chia sẻ thông tin cá nhân của người bệnh như: Họ tên đầy đủ, địa chỉ, hình ảnh mặt, cơ thể bệnh nhân hoặc các thông tin có thể định người bệnh bằng bất kể hình thức nào thông qua hình ảnh, ghi âm, văn bản…

Trường hợp có buổi hội chuẩn có bệnh nhân phải sử dụng các biện pháp kỹ thuật để che hoặc làm mờ hình ảnh mặt nạn nhân. Đặc biệt không thực hiện tường thuật trược tiếp, livestream các buổi hội chuẩn, tư vấn khấm chữa bệnh từ xa qua các mạng xã hội hoặc các hình thức khác có thể làm lộ thông tin của người bệnh.

 

Tạ Nguyên/báo Tin tức