10:20 31/10/2013

Khai thác tiềm năng vùng cao Ngọc Chiến

Những ngày này ở Ngọc Chiến, một xã vùng cao của huyện Mường La, tỉnh Sơn La đang vụ gặt, bà con tấp nập quẩy thóc về chất đầy gầm sàn, sân phơi.

Những ngày này ở Ngọc Chiến, một xã vùng cao của huyện Mường La, tỉnh Sơn La đang vụ gặt, bà con tấp nập quẩy thóc về chất đầy gầm sàn, sân phơi.

Theo ông Lò Văn Quạn, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, vụ này bà con được mùa. Ở Ngọc Chiến, nông dân vẫn giữ được giống thóc nếp địa phương. Xã có 576 ha ruộng nước thì đến 85% diện tích là cấy lúa nếp giống địa phương, sản lượng thóc cả 2 vụ khoảng 2.400 tấn. Trên thị trường lúa gạo tại địa phương, gạo nếp tan đặc sản của Ngọc Chiến luôn vượt trội về giá, dao động từ 30.000 đồng đến 35.000 đồng/kg.

Một góc dân cư huyện Mường La. Ảnh: Minh Đông/TTXVN


Gạo Ngọc Chiến vừa thơm lại vừa dẻo. Chúng tôi được bà con ở xã cho thưởng thức xôi nếp Ngọc Chiến ăn với món “Pa pỉnh tộp” (cá chép nướng ướp gia vị) mới thấy hết được ý nghĩa của câu thành ngữ: “Mương Chiến mi khẩu tan, mương Than mi pa pỉnh tộp” nghĩa là mường Ngọc Chiến có đặc sản nếp tan, mường Than Uyên (huyện Than Uyên thuộc tỉnh Lai Châu) có món đặc sản cá chép nướng.

Nằm ở độ cao trên 1.600 mét so với mặt nước biển, cách công trình thủy điện Sơn La khoảng 40 km, Ngọc Chiến có khí hậu giống Mộc Châu, Đà Lạt, Sa Pa nhưng khí hậu ôn hòa hơn, rất thích hợp với việc phát triển cây ôn đới và các loại hoa có giá trị kinh tế cao. Trên địa bàn xã lại có những suối lớn, tiềm năng phát triển thủy điện, có suối nước nóng thiên nhiên (40 độ C) là lợi thế lớn cho phát triển du lịch.

Cái khác lạ ở đây là người Ngọc Chiến không chỉ giỏi làm ruộng bậc thang mà còn tạo ra những thửa ruộng được xếp kè bằng đá cuội nằm rải rác bên suối và trên cả sườn đồi mà ít nơi có được. Người Ngọc Chiến cũng giỏi dựng nhà sàn mái lợp bằng gỗ pơ mu thơm phức. Theo người dân, buổi tối khi ngủ không phải mắc màn bởi mùi gỗ pơ mu tỏa ra thứ hương thơm dịu không chỉ xua đuổi muỗi, mà còn mang lại sức khỏe cho chủ nhà.

Nhà máy thủy điện Nậm Chiến I. Ảnh: Điêu Chính Tới/TTXVN


Trên cánh đồng bản Lướt của bản Nậm Chiến vào những ngày mùa, lúa vàng rực. Bên cánh đồng là những bản làng của người Thái sống đan xen với các dân tộc khác. Những mái nhà sàn mái lợp gỗ pơ mu gần như còn nguyên sơ nếp nhà sàn Tây Bắc bao đời nay, tuy đã ngả màu rêu phong nhưng mái nhà không bị mối mọt.

Ngọc Chiến còn có lợi thế về thủy điện nhỏ. Hiện nay, Ngọc Chiến có thêm hồ thủy điện Nậm Chiến có khả năng phát triển du lịch và nuôi trồng thủy sản. Công trình thủy điện Nậm Chiến (công suất 180 MW) là thủy điện duy nhất hiện nay tại Việt Nam được thiết kế đập bê tông vĩnh cửu cong hình cánh cung (đập vòm), siêu mỏng do Cộng hòa Ukraine thiết kế sẽ là điểm nhấn thu hút khách tham quan.

Trong sự phát triển chung của huyện, Ngọc Chiến không chỉ phát triển du lịch, trồng cây, hoa ôn đới, bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng gỗ pơ mu nguyên sinh, mà còn trồng thêm rừng kinh tế bằng giống cây sơn tra (táo mèo). Theo kế hoạch của Đảng bộ huyện Mường La về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển cây sơn tra tập trung trên địa bàn huyện Mường La giai đoạn 2013 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, huyện phát triển cây sơn tra tại địa bàn xã Ngọc Chiến với quy mô 1.558,9 ha; trong đó, diện tích hiện có 690,5 ha. Được đầu tư đúng hướng, tin rằng tiềm năng ở vùng cao Ngọc Chiến sẽ được khai thác để phát triển.


Điêu Chính Tới