04:13 04/04/2015

Khai thác tiềm năng – kết nối đầu tư vùng Tây Bắc

Khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng; thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, thành phần kinh tế trong nước và quốc tế là mục tiêu được đưa ra tại hội nghị xúc tiến đầu tư và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc.

Khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng; thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, thành phần kinh tế trong nước và quốc tế là mục tiêu được đưa ra tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc.

Người H’ Mông ở bản Tà Xùa A (Sơn La) thu hái chè Tà Xùa - đặc sản của vùng Tây Bắc. Ảnh: Mai Công Luật - TTXVN


Hội nghị do Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và đầu tư , tỉnh Sơn La phối hợp tổ chức sáng 4/4 tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc; đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Khu vực giàu tiềm năng phát triển

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc khẳng định, đầu tư phát triển vùng Tây Bắc là nhiệm vụ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhằm khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng; thu hút mạnh mẽ nguồn lực, các thành phần kinh tế trong nước và quốc tế.

Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao những chuyển biến rõ nét trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Bắc như: tăng trưởng GDP toàn vùng bình quân giai đoạn 2010 - 2014 đạt 9,54%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 24,7 triệu đồng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 26.000 tỷ đồng (tăng 30% so với năm trước).

Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng năm 2014 còn 18,2% (giảm 4,3% so với năm trước). Ghi nhận sự tham gia, hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị đầu tư, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chính phủ và cấp uỷ, chính quyền các địa phương trong vùng sẵn sàng lắng nghe ý kiến các đơn vị này để nghiên cứu, không ngừng cải cách thủ tục hành chính, vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn trên mỗi địa bàn, nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi nhất để thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, các nguồn tài trợ.

Vùng Tây Bắc với 12 tỉnh miền núi, trung du phía bắc gồm: Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hòa Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng và các huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.

Đây là địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; vùng có những tiềm năng và thế mạnh như sản xuất, chế biến các sản phẩm cây trồng, vật nuôi; khai thác khoáng sản, thủy điện và năng lượng tái tạo, công nghiệp vật liệu xây dựng, du lịch cùng các giá trị gia tăng cao.

Theo đánh giá của các đại biểu tham dự hội nghị, trong những năm gần đây, cơ cấu kinh tế ở một số địa phương trong vùng đã dần chuyển dịch theo hướng công nghiệp khá rõ nét do tập trung đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, khai thác và chế biến khoáng sản…

Đặc biệt, các tỉnh Tây Bắc còn có chung đường biên giới với Lào và Trung Quốc nên có vị trí kinh tế, chính trị quan trọng đối với cả nước. Các cửa khẩu quốc tế như Hữu Nghị, Móng Cái, Đồng Đăng, Hà Khẩu là nơi quan trọng để giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế hiện tại cũng như tương lai.

Khu vực Tây Bắc còn là nơi có đất đai tương đối rộng, thổ nhưỡng phong phú, có tiềm năng lớn để phát triển nông, lâm, ngư, nghiệp. Những điều kiện này thích hợp cho việc phát triển các loại cây trồng nhiệt đới, ôn đới, các loại cây đặc sản vùng cao như: chè San Tuyết, thảo quả, quế… Trên địa bàn, đàn gia súc phát triển ổn định; diện tích nuôi trồng thủy sản trên 39.000 ha.

Đây cũng là khu vực có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như hồ Ba Bể (Bắc Kạn), hồ Thác Bà (Yên Bái), thác Bản Giốc (Cao Bằng); các di tích lịch sử như Đền Hùng (Phú Thọ); hang Pắc Bó (Cao Bằng); cây đa Tân Trào (Tuyên Quang). Tây Bắc mang trong mình tiềm năng lớn để phát triển ngành dịch vụ, du lịch.

Thu hút đầu tư để phát triển vùng

Mặc dù có nhiều tiềm năng, thế mạnh nhưng Tây Bắc hiện vẫn là vùng nghèo nhất so với cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, thiếu tính bền vững, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống nhân dân các thôn bản vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn.

Trước thực tế này, tại hội nghị, nhiều đại biểu đại diện cho các bộ, ban ngành trung ương và các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị để phát huy tiềm năng, thế mạnh của khu vực Tây Bắc.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt nam (VCCI), để nguồn vốn đầu tư vào vùng Tây Bắc thực sự hiệu quả, doanh nghiệp không chỉ thực thi mà còn phải tham mưu tốt cho chính quyền. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đồng hành trong quá trình xây dựng các chiến lược chương trình và chính sách phát triển. Làm được như vậy, nguồn vốn đầu tư mới thực sự hiệu quả.

Ông Trương Xuân Cừ, Phó Ban chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, đối với vùng Tây Bắc, liên kết đang là xu hướng tốt, được nhiều địa phương tích cực tham gia nhằm phát triển du lịch và một số mô hình liên kết đã có hiệu quả bước đầu. Việc đẩy mạnh liên kết hợp tác sẽ tạo điều kiện cho du lịch Tây Bắc phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.

Mô hình liên kết giữa 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ trong chương trình du lịch về cội nguồn là một ví dụ điển hình. Mô hình liên kết giữa 6 tỉnh Việt Bắc và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng cũng đã hình thành để phát triển du lịch bằng dự án cung đường Tây Bắc, xây dựng tour đi qua những bản làng nghèo nhất cả nước, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào bằng du lịch.

Trong dịp này, lễ ký kết hợp đồng tài trợ vốn tín dụng giữa các ngân hàng với đối tác là nhà đầu tư vào vùng Tây Bắc đã diễn ra, bao gồm 12 dự án với tổng vốn đầu tư 4.700 tỷ đồng. Ban tổ chức cũng lựa chọn 15 dự án để trao giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn 9.899 tỷ đồng; ký biên bản thỏa thuận cam kết hợp tác đầu tư 17 dự án với tổng số vốn 11.941 tỷ đồng.

Nguồn tài chính cam kết này tập trung đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh của khu vực như: thủy điện, khai khoáng, công nghiệp chế biến, vận tải, nông sản. Trong công tác an sinh, xã hội, đã có 29 đơn vị tham gia tài trợ với số tiền 502 tỷ đồng. Đây là kết quả thể hiện hoạt động xúc tiến đầu tư của các địa phương thực sự được đẩy mạnh, đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực.

Cũng tại hội nghị, ban tổ chức đã ra mắt Hội đồng Hiệp hội doanh nghiệp vùng Tây Bắc và biểu dương 59 doanh nghiệp tiêu biểu đã và đang đầu tư trên địa bàn và tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, hỗ trợ đồng bào nghèo vùng Tây Bắc.


Lê Hữu Quyết (TTXVN)