03:22 23/03/2015

Khai thác thủy sản kiểu tận diệt - Bài cuối

Việc đánh bắt thủy sản bằng các dụng cụ trái phép vẫn diễn ra thường xuyên, trong khi lực lượng thanh tra còn mỏng, không thể kiểm soát được.

TRAO QUYỀN KIỂM SOÁT CHO ĐỊA PHƯƠNG

Cấm đánh bắt thủy sản bằng thuốc nổ, xung điện, theo mùa… đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cụ thể trong các văn bản. Các địa phương cũng đã triển khai, nhưng việc đánh bắt bằng các dụng cụ trái phép vẫn diễn ra thường xuyên, trong khi lực lượng thanh tra thủy sản còn mỏng nên không thể kiểm soát được.

Ảnh minh họa: Ly Kha – TTXVN.


Giao cho xã, phường quản lý

Hiện nay, khu vực  ven bờ, vùng lộng, ao hồ, sông suối… đều do các địa phương quản lý. Trong đó, lực lượng kiểm soát chính là thanh tra thủy sản thuộc các sở nông nghiệp tỉnh. Tuy nhiên, lực lượng này rất mỏng, nên vi phạm không ngừng gia tăng.

Theo ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, trước đây, hệ thống thanh tra thủy sản thuộc các chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản, công việc kiểm tra, giám sát được tiến hành rất tốt. Năm 2004, chức năng này được chuyển về các sở nông nghiệp, nhưng với số lượng thanh tra ít ỏi, khiến việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, một số địa phương đã chuyển chức năng thanh tra lại cho các chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhưng quyền hạn còn hạn chế, chưa thống nhất.

“Đánh cá bằng điện ngày càng gia tăng, các dụng cụ kích điện được bày bán công khai ở nhiều tỉnh, thành phố mà không có đơn vị nào xử lý. Ngoài ra, việc sử dụng chất nổ có giảm, nhưng lại tinh vi hơn. Trước đây, khi tàu có chất nổ, lên tàu là bắt được quả tang. Nhưng hiện nay họ dùng phao, buộc thuốc nổ, để sẵn ở đó đánh dấu, khi nào sử dụng mới ra lấy. Vừa qua, khu vực đảo Phú Quý (Bình Thuận) xảy ra đánh cá bằng chất nổ rất nhiều, tình phải nhờ lực lượng kiểm ngư giúp đỡ”, ông Hà Lê cho biết thêm.

Để giải quyết tình trạng này, ông Dương Nghĩa Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho rằng, vì số lượng thanh tra thủy sản (thuộc các sở Nông nghiệp) quá mỏng, thi thoảng mới tổ chức được các đợt kiểm tra. Do vậy, nên trao quyền kiểm tra, kiểm soát, giao trách nhiệm thanh tra thủy sản cho chính quyền địa phương.

Đồng quan điểm này, ông Hà Lê cho rằng: “Chính quyền địa phương cần có các cơ quan tham mưu, tư vấn để giải quyết vấn nạn này, đồng thời xử phạt nghiêm để người dân không tái phạm”.

Về phía Bộ NN&PTNT, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức của cộng đồng, ngư dân. Đồng thời có các biện pháp xử lý nghiêm như tịch thu phương tiện, phạt nặng hơn để người dân giảm sử dụng các dụng cụ nguy hiểm này khi đánh bắt thủy sản.

Còn theo ông Võ Văn Trạc, Phó Tổng Thư ký Hội nghề cá Việt Nam, trao quyền cho địa phương để họ đẩy mạnh tuyên truyền những quy định cấm đánh bắt theo mùa, theo vùng, thời gian cấm, quy định mắt lưới, đồng thời họ có thể xử phạt để nâng cao ý thức ngư dân.

Giao quyền tự quản cho người dân

Theo các chuyên gia, ngoài việc giao quyền cho địa phương thì một trong những biện pháp hiệu quả nhất để nâng cao nhận thức của ngư dân, hạn chế tình trạng đánh cá bằng điện, thuốc nổ, lưới mắt nhỏ… là trao quyền kiểm tra, kiểm soát cho chính cộng đồng ngư dân.

“Luật thủy sản đang trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện, tháng 5/2015 sẽ tiến hành cho ý kiến lần đầu, chúng tôi dự kiến sẽ đưa vấn đề giao quyền kiểm tra, kiểm soát nguồn lợi thủy sản cho cộng đồng ngư dân vào luật để bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ngoài ra, có thể tăng mức xử phạt để răn đe”, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Bộ NN&PTNT)  cho biết thêm.

Cùng quan điểm này, ông Võ Văn Trạc, Phó Tổng Thư ký Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, để giải quyết triệt để vấn đề này cần đồng bộ ba giải pháp. Thứ nhất là tuyên truyền nâng cao ý thức của ngư dân. Thứ hai là tạo việc làm cho người dân và thứ ba là xử phạt nặng để mang tính răn đe.

Còn theo ông Nguyễn Văn Trung, Phó Chủ tịch xã Tân Trạch, huyện Cần Đước  (Long An), thực hiện chủ trương chung của tỉnh, chính quyền xã sẽ phối hợp với các ban ngành, đến từng nhà tuyên truyền vận động người dân bỏ nghề đánh bắt cá bằng xung điện. Đồng thời có biện pháp hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nhằm giảm thiểu nguy cơ cạn kiệt nguồn thủy sản và đảm bảo tính mạng cho người dân

Vì lợi ích lâu dài cho chính các ngư dân, nhất là những gia đình nghèo sống ven sông, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cần phát động phong trào đánh bắt thủy sản không dùng kích điện, thuốc nổ, không bắt thủy hải sản nhỏ hay đang có trứng, không dùng thuốc trừ sâu quá liều lượng để gia tăng nguồn lợi thủy sản cho cả nước. Cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, các cơ quan truyền thông và của tất cả mọi người nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân về bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.    

    
Hữu Vinh - Công Mạo - Xuân Anh