03:17 31/03/2017

Khai thác khoáng sản - Bài 1: Giải pháp quản lý hiệu quả các nguồn thu

Công tác quản lý và sử dụng ngân sách từ khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập.Do đó, thời gian gần đây đã có nhiều đánh giá trái chiều về thu ngân sách đối với khai thác tài nguyên, đặc biệt là khai thác khoáng sản.

Do vậy, việc xây dựng một hệ thống quản lý riêng đối với nguồn thu từ khai thác tài nguyên khoáng sản chính là giải pháp quản lý hiệu quả các nguồn thu hiện nay.

Còn nhiều “lỗ hổng”

Công tác quản lý thu đối với hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang đạt được những kết quả nhất định, nhất là chống thất thu và chống gian lận thuế, góp phần đảm bảo số thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại những hạn chế chủ yếu như: Hiệu quả quản lý thu còn thấp, số thu từ khoáng sản chưa tương ứng với tiềm năng và nguồn tài nguyên đã được khai thác. Hoạt động khai thác và xuất nhập khẩu trái phép khoáng sản diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Việc đóng góp cho ngân sách chưa thực sự công bằng giữa các doanh nghiệp.

Hoạt động hút cát của doanh nghiệp trên sông Krông Ana (Đắk Lắk) gây sạt lở bờ sông. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN.

Những doanh nghiệp chấp hành tốt, nghĩa vụ thuế và các khoản thu khác quá nặng, những doanh nghiệp chấp hành không tốt, nghĩa vụ thuế quá nhẹ, nhận quá nhiều lợi ích từ hoạt động phi pháp. Các doanh nghiệp không mặn mà thực hiện chế biến sâu khoáng sản trước khi xuất khẩu, bởi vậy giảm giá trị tài nguyên của đất nước.

Luật Khoáng sản đã được ban hành từ năm 2010 với nhiều quy định nhằm tăng cường tính minh bạch, song thực tế triển khai còn chưa được như kỳ vọng. Nhà nước đã khuyến khích đầu tư chế biến sâu, nhưng hầu hết các doanh nghiệp khai thác khoáng sản vì muốn thu lợi nhuận nhanh nên chủ yếu chế biến ở mức quặng và tinh quặng, ít tạo giá trị gia tăng. Ngoài ra, tổn thất trong khai thác chế biến khoáng ở Việt Nam rất cao, khoảng 40-60% đối với khai thác hầm lò, 26-43% đối với quặng apatit, 15-30% đối với quặng kim loại và 15-20% đối với vật liệu xây dựng...

Một số nghiên cứu trước đó cho thấy, các quy định pháp lý của Việt Nam không hề thua kém nếu so sánh với nhiều quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, khoảng cách từ quy định trên giấy và thực tiễn thi hành luôn là vấn đề lớn của hệ thống pháp luật Việt Nam. Ví dụ, việc thực hiện các quy định về cấp phép hoạt động khoáng sản có mức độ sai phạm khá cao.

Tính đến năm 2013, cả nước có 503 giấy phép khai thác khoáng sản do các cơ quan Trung ương cấp và 4.200 giấy phép do UBND các tỉnh, thành phố cấp còn hiệu lực. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra 957 giấy phép khoáng sản do địa phương cấp, có tới 1.086 sai phạm (trung bình mỗi giấy phép có 1,13 sai phạm). 50% giấy phép được cấp không đúng với quy định pháp luật. Việc thiếu quy hoạch tổng thể và cấp phép tràn lan dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi, công nghệ lạc hậu và tổn thất cao.

Theo báo cáo của HĐND tỉnh Phú Yên, năm 2013, tỉnh có 12 giấy phép khoáng sản, trong đó có 5 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp (quy mô tương đối lớn), song tổng thu thuế tài nguyên từ khai thác khoáng sản chỉ đạt 5,5 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ quan chủ yếu của những hạn chế trong việc quản lý thu trong hoạt động khoáng sản, trước hết là mức thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dầu thô của Việt Nam còn thấp so với các nước xuất khẩu dầu mỏ; phạm vi dao động thuế suất cho các dự án còn rất lớn (từ 32% đến 50%); quyền quyết định thuế suất cụ thể của dự án được giao cho cơ quan hành pháp. Thuế suất thuế tài nguyên đối với khoáng sản nhìn chung khá cao so với các nước. Chính điều này đã tạo thêm động cơ khai thác lậu và trốn thuế ở các doanh nghiệp. Mặc dù thuế suất cao nhưng số thu thuế tài nguyên từ khai thác khoáng sản lại rất thấp. Mặt khác, quy định thuế suất thuế xuất khẩu còn bất hợp lý. Theo biểu thuế xuất khẩu hiện hành, một số khoáng sản quy định mức thuế suất cao vào quặng thô, mức thuế suất thấp vào quặng tinh. Một số loại khoáng sản quy định mức thuế suất như nhau cho quặng thô và quặng tinh.

Hơn nữa, hiệu quả công tác thanh tra và kiểm tra thuế chưa cao, chưa phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận, trốn thuế tài nguyên. Vai trò của chính quyền địa phương còn hạn chế. Tình trạng khai thác xuất khẩu trái phép tài nguyên vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Nhiều loại khoáng sản bị khai thác trái phép như mangan (ở Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái), quặng sắt (Yên Bái, Hòa Bình, Lào Cai), quặng titan (Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định), quặng thiếc (Lâm Đồng, Nghệ An) với tính chất và mức độ vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp và diễn ra khá công khai.

Sớm áp dụng sáng kiến minh bạch

Hiện Việt Nam chưa xây dựng một hệ thống quản lý riêng đối với nguồn thu từ khai thác tài nguyên khoáng sản. Điều này dẫn đến nhiều thách thức trong quản lý các biến động về nguồn thu khi giá tài nguyên sụt giảm và khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch chi một cách hiệu quả và hợp lý. Do vậy, trước mắt cần xem xét điều chỉnh giảm thuế suất tài nguyên của một số loại khoáng sản.

Tiến sỹ Lại Hồng Thanh, Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động Khoáng sản miền Bắc, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhận định, từ năm 2014, khi áp dụng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế tài nguyên đối với một số loại khoáng sản là phù hợp. Mức thuế suất cao vẫn có thể áp dụng đối với một số loại khoáng sản dự trữ, hoặc trình độ công nghệ chưa đáp ứng để đảm bảo khai thác và sử dụng hiệu quả nhất nguồn tài nguyên của đất nước.

Quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng là cơ sở quan trọng để đảm bảo quản lý hiệu quả tài nguyên khoáng sản và thu ngân sách. Muốn vậy, phải nâng cao hiệu quả công tác thanh tra và kiểm tra của cơ quan thuế các cấp; tăng cường đào tạo và bồi dưỡng cả về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho công chức thanh tra, kiểm tra thuế.

Đồng thời, quy trình thanh tra, kiểm tra cần được hoàn thiện nhằm đảm bảo giám sát chặt chẽ hoạt động thanh tra, kiểm tra. Công tác kiểm tra nội bộ cần thực hiện tốt hơn nữa để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tham nhũng của công chức thuế. Đồng thời, nên xem xét thành lập quỹ tài nguyên để quản lý tốt hơn nguồn thu từ khai thác tài nguyên, đặc biệt là nguồn thu từ khai thác dầu khí.

Để cải thiện hệ thống thu, phân bổ nguồn thu và quản lý nguồn thu hiệu quả, Việt Nam cần sớm áp dụng sáng kiến minh bạch trong công nghiệp khai thác (EITI). Kinh nghiệm của một số quốc gia đang phát triển cho thấy, việc minh bạch thông tin về khoáng sản có tác động rất tích cực đến thu ngân sách. Ví dụ năm 2005, Chính phủ Nigeria đã quyết định thực thi EITI yêu cầu các doanh nghiệp khoáng sản công khai toàn bộ thông tin về các dòng tiền có được từ mỏ khoáng sản.

Đồng thời, Chính phủ công bố các khoản thu mà họ nhận được từ doanh nghiệp. Hai thông tin đó được đối chiếu và có sự giám sát từ phía người dân và xã hội đã giúp Chính phủ nước này truy thu được 560 triệu đô la Mỹ. Kể từ đó đến nay, việc công khai thông tin hàng năm đã giúp Nigeria bịt được các lỗ hổng trong quản trị tài nguyên, tăng thu khoảng 1 tỷ đô la Mỹ cho ngân sách nước này mỗi năm. Đây cũng có thể coi là bài học kinh nghiệm rất có giá trị cho Việt Nam.

Hy vọng trong thời gian tới, các giải pháp trên sẽ phù hợp với yêu cầu quản lý, tạo sự thống nhất trong các chính sách thu thuộc lĩnh vực khai thác khoáng sản, góp phần tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước qua đó ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào việc khai thác, sử dụng các nguồn lợi từ khoáng sản một cách bền vững và đạt hiệu quả cao nhất.

Diệu Thúy (TTXVN)