04:07 30/04/2019

Khai thác du lịch nông nghiệp- Bài cuối: Những đóng góp tâm huyết từ thực tiễn

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.

Chú thích ảnh
Du khách tham gia hoạt động tát mương bắt cá. Ảnh: TTXVN

Lượng khách có nhu cầu đối với sản phẩm du lịch nông nghiệp ngày có xu hướng tăng, gồm cả khách trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp đều xác định đầu tư cho phát triển du lịch nông nghiệp sẽ là xu hướng cạnh tranh tất yếu để phát triển du lịch bền vững, thân thiện với môi trường. Hơn ai hết, doanh nghiệp du lịch làm trực tiếp sẽ có những đóng góp thiết thực để du lịch nông nghiệp phát triển hiệu quả nhất.

Tích cực với du lịch nông nghiệp

Saigontourist là đơn vị tiên phong trong khai thác các loại hình, xây dựng các sản phẩm du lịch, trong đó có du lịch nông nghiệp. Các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long luôn được thực hiện trên cơ sở khai thác tài nguyên du lịch có sẵn của vùng, phù hợp với từng đối tượng khách. Hàng năm, Saigontourist đưa hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước về với vùng đồng bằng sông Cửu Long, trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp như về vườn ăn trái, tát mương bắt cá...

Đại diện Công ty Vidotour Hà Nội chia sẻ, ngay từ những ngày đầu thành lập (1990), Ban lãnh đạo Công ty đã đầu tư nhiều thời gian, công sức cho việc xây dựng hệ thống sản phẩm dựa trên nền tảng của các nguồn tài nguyên du lịch văn hóa, lịch sử, thiên nhiên và đặc biệt là du lịch gắn với nông thôn, với hoạt động nông nghiệp. Hiện nay, khoảng 70% các hoạt động tham quan do Vidotour cung cấp có liên quan tới hoạt động nông nghiệp và nông thôn. Trong nhiều năm qua, Công ty đã phối hợp với các đối tác địa phương để khai thác một số dịch vụ, hoạt động nông nghiệp phục vụ du lịch như: Tour đạp xe thăm trang trại tại Ba Vì, làng cổ Đường Lâm; trải nghiệm làm nông dân tại Vân Long – Ninh Bình; tour đạp xe, đi xe trâu/bò thăm nhà dân, thưởng thức ẩm thực cùng người dân tại xã Sơn Hà - Ninh Bình; tour trải nghiệm văn hóa, cảnh quan, ẩm thực Bắc Bộ tại xã Yên Đức, Đông Triều, Quảng Ninh; tour trải nghiệm cảnh quan đồng ruộng, núi đồi, ăn ngủ cùng dân tại các khu vực như Mai Châu, Pù Luông, Mù Cang Chải, Sapa, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Nam và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long...

Để có sản phẩm du lịch nông nghiệp phong phú cung cấp cho khách hàng, Vidotour đã liên tục sát cánh với các đối tác địa phương, nhất là nông dân. Dựa trên tài nguyên sẵn có, khả năng cung ứng dịch vụ của đối tác, Công ty đã tư vấn, cầm tay chỉ việc, thậm trí hỗ trợ người dân lên kịch bản, làm “đạo diễn” cho các kịch bản này để họ hoàn thiện dịch vụ, phù hợp với mong muốn, nhu cầu và sở thích của khách du lịch quốc tế. Thậm chí, Công ty đã trực tiếp mời các đối tác nước ngoài sang Việt Nam khảo sát thực địa và cùng người dân xây dựng sản phẩm. Công ty luôn thử nghiệm và tiêu thụ các sản phẩm mới do nông dân xây dựng, tiếp nhận phản hồi của khách hàng để căn chỉnh dịch vụ cho phù hợp.

Bà Phi Thị Thu Khuyên, Phó Trưởng phòng Tiếp thị - Truyền thông Công ty Du lịch Vietrantour cho biết, thời gian qua, Vietrantour đã đưa vào khai thác nhiều điểm đến trang trại ở Việt Nam vào tour du lịch. Ví dụ, tour Nha Trang - Phan Rang kết hợp tham quan vườn nho Ba Mọi đạt tiêu chuẩn VietGap, hấp dẫn du khách chụp hình tại vườn nho, thử nho Ninh Thuận nổi tiếng và mua hoa quả tại vườn. Tour Đà Lạt của Vietrantour có kết hợp tham quan vườn dâu tây, mua nông sản, chế phẩm đặc trưng của Đà Lạt như trà Atiso...

Tuy nhiên, Vietrantour cũng ghi nhận nhiều ý kiến khách hàng phản hồi rằng, mặc dù khung cảnh tự nhiên của các trang trại Việt Nam đẹp nhưng điều kiện cơ sở vật chất từ ghế ngồi, khu trưng bày sản phẩm chưa thực sự bắt mắt, chất lượng bằng các trang trại ở Hàn Quốc, Nhật Bản... Quy chuẩn vệ sinh, an toàn nông sản cũng chưa nhiều trang trại đạt được các chứng chỉ GlobalGap, Vietgap hay Organic (hữu cơ) như ở nước ngoài. Vì vậy, điều đó cũng dẫn đến hạn chế các doanh nghiệp du lịch trong việc lựa chọn các trang trại để đưa vào khai thác du lịch.

Ngoài ra, các tour du lịch tham quan trang trại hoa quả sẽ phụ thuộc nhiều vào thời vụ. Ngay cả các tour Hàn Quốc có kết hợp hái dâu tây của Vietrantour cũng chỉ "chạy" được trong thời gian ngắn từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau, bởi sau đó dâu tây hết mùa (dâu cuối mùa thường cho quả nhỏ và vị chua, không ngọt như dâu chính vụ). Chính vì vậy, các tour du lịch tham quan trang trại hoa quả tại Việt Nam chưa thể đi sâu vào khai thác hay có lộ trình mở bán quanh năm mà phải luân phiên với các chương trình khác.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel nêu rõ, qua hoạt động thực tế cho thấy, tiềm năng du lịch nông nghiệp ở nước ta là rất lớn với hơn 70% dân cư đang sinh sống ở nông thôn và kinh doanh nông nghiệp, nhà vườn. Du lịch nông nghiệp đang trở thành một xu hướng trong lĩnh vực du lịch do tình hình đô thị hóa ngày càng nhanh, cuộc sống nhiều bề bộn, vì người dân muốn hòa mình vào sự tĩnh lặng của vùng quê, khám phá một bầu không khí hoàn toàn khác biệt, cùng người dân địa phương tham gia các hoạt động là khá mới mẻ với đại đa số du khách... Tuy nhiên, ngành Du lịch vẫn chưa tận dụng đúng tiềm năng ẩm thực và thế mạnh về nông nghiệp để khai thác du lịch nông nghiệp,

Nhiều công ty du lịch, lữ hành cho rằng, để sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn kết được với hoạt động lữ hành, ngoài sự đầu tư, sáng tạo của chủ thể là người nông dân, đối tác địa phương, rất cần sự góp sức trực tiếp từ các hãng lữ hành, Tổng cục Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chính các đơn vị này sẽ giúp đưa ra định hướng phát triển sản phẩm dịch vụ, phân tích xu thế tiêu dùng, hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ, cơ chế và chính sách hỗ trợ, quảng bá, xúc tiến…

Tổng cục Du lịch cũng cho biết, ngành Du lịch và ngành Nông nghiệp cần phối hợp, triển khai xây dựng Chương trình quốc gia về phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, hai bên chú trọng xây dựng chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn, công nghệ, đầu tư hạ tầng, bồi dưỡng tập huấn nhân lực cho một số điểm du lịch nông nghiệp. Ngoài ra, hai bên xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn, xếp hạng, gắn sao cho các sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng cao. Hai bên xây dựng kế hoạch truyền thông thương hiệu cho sản phẩm du lịch nông nghiệp; chọn lọc đẩy mạnh đưa sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, bao bì mẫu mã thành hàng hóa phục vụ khách du lịch....

Tiến sỹ Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch nêu rõ, cộng đồng địa phương cần có tư duy sáng tạo, tạo ra các giá trị gia tăng từ sản phẩm nông nghiệp để tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương và trải nghiệm cho du khách. Người dân tạo ra các món ăn mới từ nông sản, sử dụng các vật liệu từ cây trồng tạo ra các sản phẩm thủ công, đồ lưu niệm kết hợp để khách du lịch trải nghiệm việc làm ra các sản phẩm đó; xây dựng các tuyến tham quan hoặc trải nghiệm theo chương trình cụ thể cho khách du lịch…

Theo ông Vũ Nam, trước mắt, ngành Du lịch cần xác định thị trường chính của du lịch nông nghiệp và nông thôn Việt Nam hiện nay vẫn là khách nội địa. Bởi lẽ, với tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa như hiện nay, nhu cầu về thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ cũng như nhu cầu quay trở lại với cuộc sống và môi trường xanh, môi trường thiên nhiên ở đồng quê và trải nghiệm lối sống, sinh hoạt truyền thống rất lớn, đặc biệt đối với người dân thành thị. Ngoài ra, học sinh, sinh viên cũng là một thị trường khách khá lớn đối với du lịch nông nghiệp và nông thôn thông qua các chương trình, hoạt động du lịch học đường.

Các nhà quản lý, cơ quan quản lý điểm đến du lịch nông nghiệp và nông thôn cần phối hợp chặt chẽ với các hãng lữ hành để xây dựng, giới thiệu, bán sản phẩm, kết nối các điểm đến và dịch vụ; truyền thông thu hút khách du lịch. Ngoài ra, để phát triển tốt du lịch nông nghiệp và nông thôn ở Việt Nam, Nhà nước, các tổ chức xã hội, hiệp hội cùng doanh nghiệp cần chủ động hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương, cơ sở sản xuất nông nghiệp tham gia vào phát triển loại hình du lịch...

Thanh Giang (TTXVN)