08:08 27/08/2016

Khai thác cây thuốc nam cần đi đôi với bảo tồn

Cây sài hồ nam hay còn gọi là cây lức (có tên khoa học là Pluchea pteropoda Hemsl), một vị thuốc quý trong các bài thuốc nam gia truyền. Qua nghiên cứu của các nhà y dược, sài hồ nam có tác dụng chữa bệnh phong nhiệt, lợi tiểu, điều kinh… Hiện nay, cây sài hồ nam phát triển tốt, mọc tự nhiên ở ven đê, bờ đầm đang được bà con vùng ven biển Thái Thụy, tỉnh Thái Bình thu hái tràn lan, quá mức. Nếu không có biện pháp bảo vệ hay trồng mới, cây sài hồ nam sẽ cạn kiệt dẫn tới mất đi nguồn nguyên liệu tự nhiên quý giá.

Lãi hơn đi cấy

Đã gần một tháng nay, vào mỗi bình minh buổi sớm, chị Nguyễn Thị Thanh, thôn Tân Cường, xã Thụy Tân, Thái Thụy (Thái Bình) lại đạp xe ra đê biển gần nhà thu hái sài hồ nam. Những ngày này, tranh thủ lúc nông nhàn, ít việc, chị cùng bà con trong xóm len lỏi khắp các bờ đầm, kè đê thu hái “cây lộc trời cho” sài hồ nam - cây thuốc quý mà ít người biết đến. Do điểm thu hái gần nhà nên nhiều người đi lấy từ 4 giờ sáng. Chị Thanh cho biết, do có nhiều người thu hái nên có ngày chị phải đạp xe cách nhà hơn 20 km mới có sài hồ nam để lấy. Với chiếc liềm (vật dụng hái sài hồ nam) trên tay, chị thoăn thoắt cắt rất nhanh và vui vẻ chia sẻ: “Cây sài hồ nam này sẵn lắm, chỉ cần bỏ công một chút, chịu khó một chút là thu nhập gần 150.000 đồng, so với ngày công đi cấy thì đi hái sài hồ nam có lãi lắm rồi”.

Cây sài hồ nam cũng như những cây thuốc khác không thể tồn tại mãi nếu như khai thác tràn lan.

Để có được 150.000 đồng đó, ngoài việc phải dậy sớm, tìm nơi có nhiều sài hồ nam để thu hái, khi mang về người dân nơi đây phải cắt bỏ hết lá, chỉ lấy phần thân cây chặt nhỏ và phơi khô. Nếu thời tiết thuận lợi, sau hai ngày phơi nắng cây thuốc sẽ khô; sau đó sàng lọc, bỏ hết tạp chất nên rất dễ bán. Điều thuận tiện nữa là người dân không cần đi bán đâu xa, nếu đủ 10 kg trở lên, thương lái sẽ đến tận nhà thu mua. Hiện tại trung bình mỗi kg cây thuốc có giá 15.000 đồng trở lên. Bình quân mỗi người, một ngày thu hái được từ 10 - 12 kg. So với việc làm đồng thì thu nhập từ cây sài hồ nam mang lại cao hơn rất nhiều.

Điều đặc biệt cây sài hồ nam mọc tự nhiên ở vùng ven biển Thái Bình rất nhiều lên, không cần chăm sóc. Với đặc điểm ưa ẩm, nhất là vùng đầm lầy nước lợ nên sài hồ nam mọc lên khắp tuyến đê chắn sóng, quanh các bờ đầm thậm chí ngay cả trong rừng ngập mặn. Người dân vùng ven biển có thể dễ dàng tìm và thu hái cây thuốc về bán cho thương lái.

Cụ Hồ Thị Thủy, thôn Tân Cường, xã Thụy Tân, huyện Thái Thụy năm nay đã 91 tuổi, là người có nhiều kinh nghiệm đi lấy cây sài hồ nam cho biết: Khi cây còn tươi muốn đưa được về nhà rất khó vì nó cồng kềnh, chưa kể việc chặt nhỏ thân cây hoàn toàn làm thủ công nên rất đau tay, mất nhiều thời gian. Nhiều nơi, họ thu hái chuyên nghiệp, dùng dao thái chuyên dụng, sản phẩm cho ra bắt mắt nên giá thành cũng cao hơn.

Để lợi ích sinh lời

Không phải đến bây giờ người dân Thái Thụy mới biết giá trị của cây sài hồ nam. Trước kia đã có một số người như Cụ Hồ Thị Thủy đi lấy cây thuốc về sơ chế và bán cho thương lái nhưng giá rất rẻ. Từ năm 2014 đến nay, giá của sản phẩm này bỗng dưng tăng vọt. Từ 2.000 - 5.000 đồng/kg tăng lên 13.000 - 15.000 đồng/kg.

Sài hồ nam sau khu thu hái về được chặt nhỏ phơi khô để bán cho các thương lái.

Chị Thanh cho biết: Hiện nay, giá cành và thân cây là 13.000 đồng/kg. Riêng phần củ và rễ cây sẽ được giá, hơn 20.000 đồng/kg. Vì giá cao nên giờ có nhiều người đi lấy cây thuốc về sơ chế. Lượng cây có trong tự nhiên cạn kiệt đi rất nhanh.

Ông Vũ Nho Sáng, bác sĩ Đông y đã nghỉ hưu tại thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình cho biết: Cây sài hồ nam có tính mát, có tác dụng giải nhiệt trong các trường hợp nóng sốt, cảm cúm. Tuy nhiên phần dược lực học của cây chủ yếu là ở phần thân, cành, phần gốc rễ ít rất ít.

Như vậy việc thương lái trả giá phần gốc và rễ cây cao hơn có mâu thuẫn không khi dược lực học là rất ít? Cây sài hồ nam là cây thảo mộc sống lâu năm, mọc thành khóm riêng lẻ và thích nghi với vùng nước lợ. Việc lấy cả gốc rễ cây để sơ chế ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì nòi giống của cây. Chúng ta đều biết hiện nay một số tổ chức có ý đồ xấu luôn tìm cách phá hoại nguồn lợi tự nhiên của đất nước ta. Bài học về cây chè rừng hoa vàng, củ đinh lăng hay một số nông sản khác bị khai thác một cách tận diệt đã cho ta thấy sự hiểu biết cũng như thái độ bảo vệ của người dân còn hạn chế.

Việc thu hái cây sài hồ nam đang diễn ra tự phát, không có một tổ chức hay cá nhân nào quản lí. Nếu tiếp tục khai thác tràn lan, sẽ đến lúc cây sài hồ nam không còn nữa. Giá cả hoàn toàn phụ thuộc thương lái, người dân không kiểm soát được cũng như không biết sản phẩm của mình được đưa đi tiêu thụ ở đâu.

Để có nguồn thu nhập bền vững từ cây thuốc nam trước hết người dân cần hiểu rõ dược học của cây và có cách khai thác hợp lí. Cây thuốc có tác dụng mạnh khi cây đã đủ tuổi về mặt sinh trưởng. Một số người dân vì ham lời mà lấy tràn lan, không phân biệt cây non, già. Mặt khác, cây phát triển quanh năm nhưng người dân chỉ khai thác khi thời vụ nông nhàn. Vì vậy, mô hình trồng cây thuốc xen kẽ với việc làm đầm ao cũng có thể áp dụng để người dân làm kinh tế, có thu nhập bền vững đồng thời đi đôi với việc bảo vệ và phát triển cây thuốc này. Chính quyền địa phương cũng cần có biện pháp quản lí và khai thác nguồn cây tự nhiên cũng như việc liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm tránh trường hợp người dân bị ép giá và không ngoại trừ trường hợp tận diệt cây thuốc.

Nguồn lợi tự nhiên là một thế mạnh đối với bất kì một địa phương nào. Cây sài hồ nam cũng như những cây thuốc khác không thể tồn tại mãi nếu như khai thác tràn lan, không có biện pháp bảo vệ và quản lí. Tận dụng được lợi thế này sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn cho Thái Bình nói chung và các địa phương khác nói riêng, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân, duy trì nguồn dược liệu quý cho thế hệ mai sau.


Bài và ảnh: Nguyễn Lành