10:09 30/10/2011

Khai thác cát trái phép nghiêm trọng ở Thái Bình

Thái Bình có 4 con sông chính chảy qua gồm: sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc và sông Hóa. Hàng ngày trên các tuyến sông này thường xuyên có hàng chục tàu thuyền khai thác cát trái phép.


Thái Bình có 4 con sông chính chảy qua gồm: sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc và sông Hóa. Hàng ngày trên các tuyến sông này thường xuyên có hàng chục tàu thuyền khai thác cát trái phép.
 
Việc các tàu thuyền ngang nhiên khai thác cát trái phép đã diễn ra từ nhiều năm nay trên nhiều sông của tỉnh đã làm ảnh hưởng đến hệ thống đê điều và thất thoát nguồn tài nguyên. Mặc dù trong thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã kiểm tra xử lý các hoạt động khai thác cát lòng sông nhưng tình hình khai thác cát trái phép hiện nay trên nhiều sông của tỉnh vẫn diễn biến phức tạp và công tác quản lý hoạt động này còn gặp nhiều khó khăn.

Khai thác cát trái phép ở Thái Bình không giảm và ngày càng tinh vi



Một trong những “điểm nóng” nhức nhối về nạn khai thác cát trái phép là đoạn sông Trà Lý thuộc địa phận xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương. Theo phản ánh của người dân xã Hồng Thái, thì tình trạng khai thác cát tại đây đã diễn ra từ nhiều năm nay, thường các đối tượng khai thác cát trong khoảng thời gian từ 3 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Người dân bức xúc cho biết: có ngày số sà lan và thuyền về lấy cát ở khu vực này lên tới hơn 20 chiếc. Tình trạng khai thác cát ngay sát thân đê ở đây rất nguy hiểm, đã có năm có đoạn đê gần bị sụt, phải huy động bao nhiêu dân công ra để đắp đê. Tình trạng này nếu cứ tiếp diễn sẽ làm hai bên bờ sông lở ra, rồi lấn sâu vào chân đê, sẽ gây sụt cho cả quãng đê này. Tình trạng khai thác cát trái phép trên tuyến sông Trà Lý còn diễn ra ở nhiều xã khác ở huyện Kiến Xương là Trà Giang, Quốc Tuấn... Từ đầu năm đến nay, tổ công tác của huyện đã tổ chức 3 đợt kiểm tra, bắt giữ 10 tàu thuyền khai thác cát trái phép trên đoạn sông này. Tuy nhiên tình trạng khai thác cát trái phép vẫn không hề giảm, ngược lại hoạt động khai thác có phần tinh vi hơn trước.

Cũng như ở huyện Kiến Xương, trên các tuyến sông Luộc và sông Hóa, đoạn chảy qua địa bàn huyện Quỳnh Phụ cũng thường xuyên diễn ra các hoạt động khai thác cát dọc các tuyến sông. Đặc biệt, tại các xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Hoàng tình trạng khai thác cát trên tuyến sông Luộc đã khiến nhiều điểm sạt lở sâu vào vùng sản xuất nông nghiệp từ 5 - 10 m, thậm chí có nơi lở sâu đến 20 m. Đoạn sông Hồng chạy qua địa phận xã Hồng An, huyện Hưng Hà cũng vậy. Trước đây, đoạn sông này từng là điểm đen của nạn khai thác cát trái phép. Mặc dù xã đã vào cuộc nhưng nhiều lúc, xã Hồng An phải bất lực trước nạn khai thác cát hoành hành bất kể ngày đêm. Và chỉ đến giữa năm 2010, khi các lực lượng chức năng liên ngành kiên quyết vào cuộc, tuần tra thường xuyên thì tình trạng này mới dần lắng xuống, song việc lén lút khai thác cát, kể cả ở những đoạn đê xung yếu thì vẫn diễn ra, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đến đời sống người dân ven bờ và đe doạ trực tiếp đến hệ thống đê kè ở đây.

Trao đổi với chính quyền địa phương về những lo lắng của người dân, ông Triệu Văn Phùng, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái nêu ra những khó khăn, bất cập về phương tiện, lực lượng và thẩm quyền nên đối với tầm quản lý của địa phương không thể giải quyết được. Nhiều lần xã cũng đã huy động lực lượng, rồi thuê cả đò ngang ra để tiếp cận với các tàu để tuyên truyền vận động và yêu cầu chấm dứt tình hình khai thác cát. Nhưng các tàu vẫn cố tình tiếp tục khai thác cát, trong khi địa phương lại chưa có giải pháp hữu hiệu nào để ngăn chặn tình trạng trên.

Ông Nguyễn Mạnh Lực, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương cho rằng: khó khăn của các cơ quan chức năng cấp huyện là thời điểm hoạt động của các đối tượng khai thác cát chủ yếu diễn ra vào ban đêm, nên lực lượng kiểm tra rất khó tiếp cận để xử lý. Khó khăn nữa là địa điểm vi phạm lại thường nằm giáp ranh giữa 2 huyện, nếu lực lượng của tỉnh chủ trì thì không vấn đề gì. Khi lực lượng huyện chủ động chủ trì để xử lý, ra đến bờ sông ở mé địa phận hành chính của mình thì các đối tượng đã sang bên kia ở ngoài địa phận hành chính huyện khác nên không thể xử lý được. Mặt khác, các đối tượng khai thác cát thường xuyên di động trên sông không theo thời gian và địa điểm nhất định nhằm cố tình tránh né sự kiểm soát của đoàn kiểm tra nên cũng gây nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, ngăn chặn xử lý tình trạng này.

Trước tình hình trên, các ngành chức năng của tỉnh nhiều lần tổ chức các đợt tổng kiểm tra, truy bắt các tàu thuyền khai thác cát trái phép trên các hệ thống sông, đặc biệt là trên 4 sông chính là sông Hồng, sông Trà Lý, sông Luộc và sông Hóa. Qua nhiều đợt phối hợp kiểm tra xử lý, các lực lượng chức năng đã bắt giữ hàng trăm tàu thuyền khai thác cát trái phép với tổng số tiền phạt hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát chỉ lắng đi một thời gian, sau đó lại tiếp diễn phức tạp tinh vi hơn, gây nhức nhối trong dư luận.

Qua điều tra, Thái Bình hiện có trên 160 tàu thuyền trong và ngoài tỉnh thường xuyên hoạt động khai thác và vận chuyển cát trên các tuyến sông. Mặc dù hoạt động khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát đã góp phần đáp ứng cho nhu cầu san lấp, xây dựng tại các địa phương, song đã gây ra những tồn tại như: sạt lở đê điều, hư hại kè cống, gây mất trật tự an ninh khu vực, làm cản trở luồng lạch giao thông thuỷ và làm thất thu ngân sách hàng năm khá lớn, ước tính gần 20 tỷ đồng mỗi năm. Hiện nay việc tuần tra kiểm soát chủ yếu dựa vào lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy. Tuy nhiên, lực lượng này chủ yếu xử lý những trường hợp tàu thuyền vi phạm về an toàn giao thông đường thủy. Còn các vi phạm về khai thác cát trái phép thì lại phải chờ đến sự phối hợp của liên ngành.

Theo Phòng cảnh sát giao thông đường thủy - Công an tỉnh Thái Bình thì các phương tiện khai thác cát đều là những tàu thuyền cồng kềnh, khi thu giữ cũng rất khó bởi không bố trí được điểm neo đậu an toàn và lực lượng canh coi. Đa số trên các phương tiện là người làm thuê trực tiếp khai thác, chủ phương tiện thường vắng mặt nên việc xử lý, tạm giữ phương tiện gặp rất nhiều khó khăn. Để giải quyết được vấn đề này thì chính quyền địa phương các cấp, rồi các ngành chức năng phải cùng vào cuộc phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy thì vấn đề khai thác cát bừa bãi hiện nay mới giải quyết triệt để được.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã có 7 mỏ cát được cấp giấy phép khai thác với tổng diện tích khoảng 246 ha, trữ lượng khai thác gần 7,6 triệu m3, cấp phép khai thác cát cho 4 doanh nghiệp. Theo ông Vũ Tiến Khoái, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình, nhìn chung tình trạng khai thác cát trái phép không còn ngang nhiên và ồ ạt như trước, nhưng đi vào từng điểm sông thì tình trạng khai thác cát lén lút vẫn còn diễn ra và tiềm ẩn nhiều phức tạp. Đến thời điểm này, trừ khu vực cửa biển sông Trà Lý đã được UBND tỉnh cho phép tạm thời khai thác cát để phục vụ cho việc san lấp và xây dựng Trung tâm điện lực tại xã Mỹ Lộc (huyện Thái Thụy), còn lại toàn bộ các tuyến sông hiện chưa có nơi nào, đơn vị nào được cấp giấy phép khai thác cát.

Mặc dù hàng năm UBND tỉnh thường xuyên có công văn, chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động khai thác cát. Nhưng xem ra sự phối kết hợp giữa các ngành, các địa phương chưa thật sự đem lại hiệu quả. Theo ông Khoái, việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép không phải một sớm, một chiều giải quyết triệt để ngay được, mà cần phải có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các đơn vị chức năng và các địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời tiến hành phân định cụ thể vùng khai thác cát trên sông trên biển vào quy hoạch sao cho vừa hiệu quả, vừa bảo vệ nguồn tài nguyên này. Ngoài ra, các ngành chức năng của tỉnh như: tài nguyên môi trường, quản lý đê điều, cảnh sát môi trường, đặc biệt là lực lượng cảnh sát đường sông cũng phải tăng cường hơn nữa công tác tuần tra kiểm soát thường xuyên liên tục trên các bến bãi, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm.

Thanh Phú