10:00 04/10/2011

Khai quật ngôi mộ cổ thời Hậu Lê

Tiến hành khai quật ngôi mộ cổ có niên đại khoảng thế kỷ 17 thời Hậu Lê, phát lộ đầu tháng 4/2011 trong quá trình thi công làm đường thuộc dự án Khu công nghiệp Bảo Minh tại cánh đồng Đầu Đín (thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).

Tiến hành khai quật ngôi mộ cổ có niên đại khoảng thế kỷ 17 thời Hậu Lê, phát lộ đầu tháng 4/2011 trong quá trình thi công làm đường thuộc dự án Khu công nghiệp Bảo Minh tại cánh đồng Đầu Đín (thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), các chuyên gia thuộc Hội Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Nam Định đã phát hiện nhiều điểm đặc biệt có giá trị về mặt khảo cổ học.

Các cán bộ khảo cổ học đang tiến hành khai quật ngôi mộ.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng Thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, đây là ngôi mộ hợp chất trong quan ngoài quách nhỏ nhất được phát hiện tại Việt Nam từ trước đến nay.

Cụ thể, ngôi mộ cổ Cao Phương có quách làm bằng hợp chất (nhiều khả năng làm bằng mật, cát, vôi và than củi) dày 6,3 cm bao bọc quanh quan tài gỗ màu đen còn nguyên vẹn (nhiều khả năng là gỗ ngọc am) có kích thước 94,5 x 27,3 x 33,4 cm, nhỏ bằng một nửa hoặc 1/3 quan tài ở các ngôi mộ cổ từng khai quật trước đây. Quan tài được khớp với nắp quan tài nhờ 4 chốt gỗ nhỏ khớp với mộng ở phía trên, hoàn toàn không có đinh bằng kim loại để khóa mộ như vẫn thường gặp ở các ngôi mộ hợp chất khác.

Trong quan tài có một hộp sọ được phủ trên mặt một tấm giấy bản. Bộ răng còn nguyên vẹn 32 chiếc đều nhuộm đen. Dưới phần gáy có 2 miếng đất sét hình bán nguyệt. Các xương dưới sọ còn nguyên vẹn, xếp song song và khít sát vào nhau. Nhìn vào đường khớp trên hộp sọ, độ mòn của răng và dựa vào khuyết ngồi lớn của xương cánh chậu, có thể khẳng định đây là cốt của một người đàn ông khoảng 40-45 tuổi.

Điều đặc biệt quan trọng là nhóm khai quật đã phát hiện ra 8 sợi tóc còn dính trên xương hàm dưới và xương dưới sọ. Điểm đặc biệt nữa ở ngôi mộ cổ Cao Phương là ướp tinh dầu cho một bộ xương. Trước đó, ở Việt Nam chưa bao giờ phát hiện ra việc ướp tinh dầu một bộ xương, đặt trong quan tài gỗ, ngoài phủ quách như lần này.

Ngoài ra, quanh khu vực phát hiện mộ hợp chất trên, các chuyên gia của Bảo tàng Nam Định đã khảo sát và thu thập được 46 hiện vật gốm, sành sứ thuộc nhiều giai đoạn lịch sử từ thế kỷ 4-5 trước Công nguyên đến thời Nguyễn, thế kỷ 19.

Hữu Chiến