07:17 24/07/2011

Khai quật mộ cụ Nguyễn Kiều - chồng nữ sĩ Đoàn Thị Điểm

Ngày 24/7, tại khu vực Vườn Đào, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, Theo giấy phép số 342 ,Sở Văn hoá - Thể thao - Du Lịch Hà Nội cho phép Hội Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Hà Nội tiến hành khai quật khẩn cấp ngôi mộ của cụ Nguyễn Kiều...

Ngày 24/7, tại khu vực Vườn Đào, Phường Phú Thượng, Quận Tây Hồ, Theo giấy phép số 342 ,Sở Văn hoá - Thể thao - Du Lịch Hà Nội cho phép Hội Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý Di tích - Danh thắng Hà Nội tiến hành khai quật khẩn cấp ngôi mộ của cụ Nguyễn Kiều, nhằm giải phóng mặt bằng để Ban QLDA xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây, tiến hành thi công công trình phục vụ dân sinh. PGS.TS Nguyễn Lân Cường, phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết.

Phần mộ của danh nhân Nguyễn Kiều kề với công trường xây dựng phục vụ dân sinh.

 

Cụ Nguyễn Kiều (sinh ngày 27/2/1695 mất ngày 16/6/1752)(*), hiệu là Hạo Hiên, sinh tại làng Phú Xá, huyện Từ Liêm, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Thuở nhỏ ông nổi tiếng hay chữ, có tài văn chương. Khoa Ất Mùi (1715), đời Vua Lê Dụ Tông, ông đỗ Tiến sĩ, được bổ làm quan, dần lên đến chức Đô ngự sử, tước bá.

Sau khi goá vợ, khoảng năm 1742, ông lấy nữ sĩ Đoàn Thị Điểm làm vợ kế. Cũng năm ấy, ông được cử làm Chánh sứ cùng Nguyễn Tông Quai làm Phó sứ, dẫn đoàn sang nhà Thanh (Trung Quốc).

Năm 1745, ông dẫn đoàn về nước. Năm 1748, ông được bổ chức Đốc đồng trấn Nghệ An. Trên đường theo chồng đi nhậm chức, bà Đoàn Thị Điểm bị bệnh nặng, rồi qua đời vào mùa thu năm ấy. Tương cảm người bạn đời vắn số, ông viết bài văn tế, hết lời ca tụng văn tài và đức hạnh của bà. Trong đó có câu:

Đào chưa tươi đã khô
Quế đang thơm đã rủ
Rừng sâu bể rộng nàng hỡi đi đâu
Ngọc nát châu chìm lòng tôi quặn nhớ…”

Ông có tác phẩm Hạo hiên thi tập: gồm những bài thơ đề vịnh (danh thắng, núi sông, đền miếu…) và xướng hoạ với Nguyễn Tông Quai trên đường đi sứ sang Trung Quốc (1742 - 1745).

Về bài văn tế của ông, một số nhà nghiên cứu cho rằng trong văn học Việt từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 17 gần như không có những bài thơ mang tính chất riêng tư. Mãi đến năm 1748, mới có bài thơ khóc vợ đầu tiên của cụ Nguyễn Kiều.

Được sự giúp đỡ của Ban QLDA xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây, UBND quận Tây Hồ và dòng họ cụ Nguyễn Kiều, với các nghi lễ cần thiết , cuộc khai quật khẩn cấp đã được tiến hành vào 7 giờ sáng chủ nhật ngày 24 tháng 7 năm 2011. Các cán bộ chuyên môn của Hội Khảo cổ học Việt Nam, Viện Khảo cổ học và Ban Quản lý - Di tích - Danh thắng Hà Nội sẽ trực tiếp tham gia khai quật. Dự kiến cuộc khai quật sẽ được tiến hành trong thời gian là 3 ngày.

Sau khi khai quật nếu còn lại thi hài hoặc hài cốt sẽ được di chuyển về ngay cạnh mộ của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm ở tổ 43, cụn 7, thôn Phú Xá, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Các hiện vật khác (nếu có) sẽ được Hội Khảo cổ học Việt Nam nghiên cứu đầy đủ và bàn giao lại cho Bảo tàng Hà Nội.

Lý Thanh Hương