Sáng 25/7, tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành - ICISE (thành phố Quy Nhơn), Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định khai mạc hai hội thảo khoa học quốc tế về Vật lý thiên văn, gồm: "Vũ trụ vàng: Vật lý thiên văn hạt nhân và Tia vũ trụ trong Kỷ nguyên đa thông tin” và "Vật lý thiên văn SAGI 2022 - Những hướng nghiên cứu tiên phong của vật lý thiên văn trong kỷ nguyên vàng của phân cực bụi”.
Tham dự hai hội thảo có trên 30 nhà khoa học Việt Nam và các quốc gia: Pháp, Anh, Cộng hòa Séc, Đức, Italy, Iran, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia cùng 50 học sinh chuyên Vật lý của ba Trường Trung học Phổ thông Chuyên tại hai tỉnh Bình Định và Phú Yên.
Các nhà khoa học đã trình bày một số vấn đề về khoa học quốc tế "Vũ trụ vàng: Vật lý thiên văn hạt nhân và Tia vũ trụ trong kỷ nguyên đa thông tin” như: Sự khởi đầu của vật lý thiên văn đa thông tin, hàm ý của dữ liệu hạt nhân và các mô hình vật lý hạt nhân, các tương tác giữa tia vũ trụ với bầu khí quyển của trái đất, hạt nhân nặng và các tia vũ trụ…
Đối với Hội thảo khoa học quốc tế "Vật lý thiên văn SAGI 2022 - Những hướng nghiên cứu tiên phong của vật lý thiên văn trong kỷ nguyên vàng của phân cực bụi”, các nhà khoa học đã cùng thảo luận một số vấn đề về phép đo phân cực bụi, sự phân cực của bụi, lý thuyết nền tảng cơ bản về sự phân cực bụi. Các nhà khoa học nhận định, phép đo phân cực bụi sẽ trở thành một phương pháp chẩn đoán chính xác của vật lý thiên văn, có thể giúp giải quyết các câu hỏi lâu nay về vật lý thiên văn.
Dịp này, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hiền (chuyên gia nguyên cứu Vật lý thiên văn của NASA - Mỹ) đã khởi động nhóm Vật lý thiên văn SAGI tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành - ICISE do Quỹ Simons (Mỹ) tài trợ.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Việt Nam là một nước đang phát triển, với nguồn lực rất hạn chế nhưng vẫn luôn coi trọng và đầu tư các hoạt động nghiên cứu cơ bản. Đến nay, phần lớn kết quả nghiên cứu cơ bản của Việt Nam đã được công bố theo thông lệ quốc tế, nhiều kết quả vượt qua các đánh giá phản biện quốc tế độc lập khắt khe, có cạnh tranh cao để được đăng tải trên những tạp chí khoa học uy tín thế giới.