03:17 11/03/2021

Khách tham quan di tích Hà Nội vẫn ‘quên’ khẩu trang khi không bị nhắc nhở

Bốn ngày sau khi các khu di tích, điểm tham quan được UBND Thành phố Hà Nội cho phép mở cửa trở lại, vẫn còn nhiều du khách “quên” đeo khẩu trang khi tới đây.

Chú thích ảnh
Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiếm khi vắng vẻ như thời điểm này.

Theo ghi nhận của phóng viên, các khu di tích, đền chùa tại Hà Nội đã được mở cửa trở lại nhưng lượng khách đến tham quan, lễ bái vẫn còn thưa thớt, vắng vẻ, các biện pháp phòng dịch vẫn được thực hiện nghiêm túc ngay ở cổng vào.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Khách tham quan được yêu cầu khai báo y tế và kiểm tra thân nhiệt.

Tại các di tích trọng điểm như di tích Nhà tù Hỏa Lò, khách tham quan đều được hướng dẫn, chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Trước khi vào cửa tất cả khách tham quan đều phải khai báo y tế, được đo thân nhiệt.

Chị Mai Thị May, nhân viên bán vé tại di tích Nhà tù Hỏa Lò cho biết: “Từ khi di tích được mở cửa, lượng khách đến tham quan giảm khá nhiều so với trước. Việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh cũng được phần lớn khách tham quan tuân thủ tốt.”

Chú thích ảnh
Công tác phòng, chống dịch được thực hiện nghiêm tại khu vực Di tích Đình - Chùa Hà.
Sau 21 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, UBND TP Hà Nội đồng ý để các quận, huyện mở cửa các khu di tích, cơ sở tôn giáo trở lại từ ngày 8/3 nếu đủ điều kiện phòng, chống dịch.

Di tích Đình - Chùa Hà cũng trang bị đầy đủ cồn khử khuẩn, thông tin QR code để khai báo y tế, máy đo thân nhiệt hồng ngoại giúp người dân không cần phải tiếp xúc trực tiếp, qua đó giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo. Các biển báo được đặt ở nhiều vị trí để nhắc nhở người dân đến tham quan tuân thủ các quy định phòng, chống dịch an toàn.

Anh Quang Huy (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Gần một tháng qua, nhiều đền chùa ở Hà Nội đều đóng cửa do ảnh hưởng của COVID-19, giờ đây được mở lại ai cũng vui mừng, phấn khởi đi chùa cầu bình an cho gia đình. Tuy nhiên, mọi người vẫn không nên lơ là, mất cảnh giác trước tình hình dịch bệnh vẫn còn như hiện nay.”

Tuy vậy, trước những nỗ lực của cơ quan chức năng, nhiều người vẫn còn chủ quan, lơ là “quên” đeo khẩu trang phòng chống dịch khi đến các khu di tích, tham quan.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Thông báo, nhắc nhở ở khắp nơi, nhưng một số người vẫn không chấp hành khi cho rằng chùa vắng, không có tiếp xúc gần.
Chú thích ảnh
Ngay trước cửa vào chùa Trấn Quốc, dù đã có báo, nhưng một số người dân vẫn không đeo khẩu trang.

Vào lúc 10 giờ sáng, đền Ngọc Sơn là di tích có đông khách tham quan hơn so với các di tích khác. Tuy vậy, vẫn có người vô tư chụp ảnh, đi lại không đeo khẩu trang nhưng cũng không bị nhắc nhở.

Khi được hỏi về việc tại sao không đeo khẩu trang khi vãng cảnh tại đền Ngọc Sơn, chị Vũ Ngọc Lan (Hoàn Kiếm, Hà Nội)) cho biết: “Tôi chỉ bỏ khẩu trang ra khi chụp ảnh, thấy nhiều người cũng vậy, mà không bị nhắc nhở nên tôi mới làm theo.”

Chú thích ảnh
Chụp ảnh là lý do thường thấy của việc bỏ khẩu trang ở nơi công cộng.
Chú thích ảnh
Nhiều người đứng tụ tập tại điểm mua vé vào đền Ngọc Sơn, có người còn không đeo khẩu trang.
Chú thích ảnh
Hay nếu có đeo cũng cũng đeo sai quy định như thế này.

Tại khu vực Hồ Văn thuộc khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bảo vệ tại dù ngồi ngay lối vào để nhắc nhở mọi người rửa tay xịt khuẩn, nhưng có lẽ do di tích này quá vắng vẻ nên người làm nhiệm vụ này cũng “quên” đeo khẩu trang.

Chú thích ảnh

Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Vì thế sự nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là của mỗi người dân chính là cách đóng góp thiết thực nhất cho công tác phòng, chống dịch của cả nước; nhất là tuân thủ nghiêm khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Thúy Hà