02:18 08/02/2015

Khách hàng thờ ơ với 'xả hàng' cuối năm

Thời điểm này, các cửa hàng thời trang, điện tử… đang ồ ạt tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Tuy nhiên, người tiêu dùng hiện nay đã không còn hào hứng với các chiêu trò này của giới kinh doanh.

Thời điểm này, các cửa hàng thời trang, điện tử… đang ồ ạt tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm thu hút khách hàng, kích cầu mua sắm. Tuy nhiên, khác với mọi năm, người tiêu dùng hiện nay đã không còn hào hứng với các chiêu trò này của giới kinh doanh.


Cuối năm, các cửa hàng thời trang, điện tử… thi nhau treo bảng xả hàng, giảm giá. Ảnh: Hoàng Tuyết

Giảm giá “sốc”

Dạo quanh các tuyến đường chuyên thời trang tại TP Hồ Chí Minh như: Nguyễn Trãi (quận 5); Cách Mạng Tháng Tám, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), Hai Bà Trưng (quận 1)..., khách hàng không khỏi choáng ngợp trước những băng rôn quảng cáo gây “sốc” như: “Tổng xả hàng cuối năm, giảm 50% các mặt hàng”, “Tưng bừng giảm giá cuối năm, xả hàng giá khủng”, “cơ hội mua sắm hàng hiệu”, “điệu với hàng hiệu”… Trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), shop Anna Nina, Jockey đồng loạt giảm giá sâu với mức 70%.

Tại Hà Nội, theo quan sát của phóng viên, dọc các tuyến phố chuyên bán đồ thời trang như Phạm Ngọc Thạch, Chùa Bộc, Cầu Giấy... không khỏi choáng ngợp khi nhiều cửa hàng trưng đủ loại biển, băng rôn hấp dẫn với nội dung khác nhau như: “Xả hàng Tết giá sốc”, “Giảm giá 70%” thậm chí là “Mua 1 tặng 1”. Trên con phố Hàng Cân (Hà Nội), đầu phố các cửa hàng thời trang, giữa phố cửa hàng chăn đệm, cuối phố cửa hàng điện máy đồng loạt treo biển giảm giá.

Giới chuyên kinh doanh bật mí, đối với các mặt hàng thời trang, các cửa hàng thường nhập theo lô. Chỉ cần bán hết một nửa số lô hàng là đảm bảo lãi. Do đó mới có chuyện các cửa hàng thanh lý hàng tồn theo kiểu giảm giá với mức trên trời hay “giá nào cũng bán”.

Một số chủ cửa hàng thời trang, điện máy lí giải: Vì sức mua trên thị trường trong năm quá yếu nên phải giảm giá để “câu khách” đến mua hàng mới, đồng thời đẩy mặt hàng cũ, hàng tồn kho, hàng bị lỗi đi trước khi hết năm. “Người tiêu dùng thấy phù hợp thì mua chứ chúng tôi cũng không ép”, một chủ cửa hàng thời trang tại phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội) cho biết.

Khách ngắm là chính

Mặc dù các cửa hàng thời trang, điện tử điện máy đều đưa ra các chương trình khuyến mãi “sốc” nhưng tại cả hai thành phố lớn, sức mua vẫn yếu. Đa phần khách hàng chỉ đến tham quan, xem hàng, lượng khách mua rất ít. Ghi nhận của phóng viên vào một buổi tối trên phố Hàng Gà (Hoàn Kiếm, Hà Nội), tại cửa hàng thời trang Teen’s Choice, mặc dù treo biển giảm giá 50% rất bắt mắt nhưng không hề có một khách hàng nào. Thi thoảng có những người đi qua cửa hàng, ngó mắt nhìn biển quảng cáo rồi lại đi qua.

Tình trạng này cũng xảy ra tại các cửa hàng thời trang khách dọc trên con phố này. Trên phố thời trang Chùa Bộc, những lô hàng giảm giá được chất thành đống ngay cửa ra vào cửa hàng. Không mấy khách hàng quan tâm đến những mặt hàng này mà họ thường vào trong mua hàng không giảm giá.

Tại cửa hàng thời trang T và T trên đường Tây Hòa (quận 9, TP Hồ Chí Minh), Shop Đ.H (quận 1), cửa hàng điện máy An Khang… mặc dù treo bảng hiệu giảm giá, tổng xả hàng nhưng lượng người mua không nhiều. Sau nhiều năm tung chiêu giảm giá sốc, dường như năm nay chiêu trò này không còn nhiều tác dụng. Người tiêu dùng đã nắm rõ chiêu “câu khách” giảm giá của các cửa hàng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư kí Hội Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, việc nhận biết các mặt hàng cũ, lỗi mốt không quá khó khăn. “Người tiêu dùng phải tỉnh táo trước khi quyết định có nên mang sản phẩm kiểu này về nhà hay không. Nên tìm hiểu kỹ thông tin của sản phẩm như xuất xứ, nhà sản xuất, giá, các thông số kèm theo… và có sự so sánh, đối chiếu để mua được sản phẩm phù hợp, chất lượng”, ông Hùng cho biết.

Chị Trần Ngọc Bích (ở Phước Long A, quận 9) cho biết, sau vài lần mua hàng tại các cửa hàng có treo bảng giảm giá sâu 50 - 70%, chị đã rút ra kinh nghiệm: Không phải hàng nào cũng giảm giá đúng giá trị sản phẩm vì nhiều mặt hàng được người ta đẩy giá lên cao sau đó bán giảm, hay hàng giảm giá sâu là những mặt hàng bị lỗi, cũ… có mua cũng không thể sử dụng được. 

Theo quy định của pháp luật, chương trình khuyến mãi phải được thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo chất lượng của hàng hóa… nhưng trên thực tế lại gần như không được tuân thủ. Tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mãi bằng hình thức giảm giá không quá 90 ngày trong một năm và một chương trình khuyến mãi không vượt quá 45 ngày. Song, có những cửa hàng treo biển giảm giá cả năm. Bởi vậy, không còn tạo được sức hút với khách hàng.




Hoàng Tuyết – Hoàng Dương