08:22 02/08/2012

Khách hàng ở Thanh Hóa tố cáo Muaban24

Công ty cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến 24 (Muaban24) chi nhánh tại Thanh Hóa có địa chỉ tại 110 Dương Đình Nghệ, thành phố Thanh Hóa, được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy hoạt động kinh doanh từ ngày 9/8/2011 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 12/8/2011.

Ông Lê Huy Nghĩa, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Công ty cổ phần Đào tạo Mua bán trực tuyến 24 (Muaban24) chi nhánh tại Thanh Hóa có địa chỉ tại 110 Dương Đình Nghệ, thành phố Thanh Hóa, được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy hoạt động kinh doanh từ ngày 9/8/2011 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 12/8/2011. Giám đốc chi nhánh là Nguyễn Văn Huy, sinh năm 1983, ở xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, mới học hết lớp 9.


 

Chị Lệ phản ánh việc lừa đảo của Muaban24.

 

Hiện công ty này đã có đến 8.274 gian hàng tương đương với 43 tỷ đồng và có hàng nghìn hội viên. Trong đó có rất nhiều người do thiếu hiểu biết đã bỏ những khoản tiền không nhỏ để mua các gian hàng ảo với hy vọng trở thành hội viên và có cơ hội giới thiệu, bán các gian hàng khác để tìm kiếm hoa hồng.


Thủ đoạn của các nhân viên công ty này là đi về các vùng sâu, vùng xa giới thiệu bán các gian hàng ảo cho những người ít tiếp xúc với công nghệ Internet nhằm kiếm hoa hồng từ việc bán các gian hàng ảo. Nhiều người nông dân hám lợi đã nghe theo lời giới thiệu ngon ngọt của các nhân viên Muaban24 mua các gian hàng ảo để trở thành thành viên công ty. Nhưng khi đã trót mua, họ buộc phải tìm cách bán các gian hàng cho người khác với hy vọng lấy lại được vốn. Theo đó ngày càng nhiều người rơi vào "vòng xoáy" của cuộc mua bán này cốt chỉ gỡ lại vốn.


 

Đơn phản ánh của chị Hảo.

 

Chị Lê Thị Hảo, ở xã Hóa Quỳ, Như Xuân (Thanh Hóa) cho biết: “Tháng 5/2012, tôi được một người bạn mời mua một gian hàng trên trang MB24.VN. Tôi đã phải bỏ ra 12,6 triệu đồng để mua 3 gian hàng. Mấy ngày sau, tôi được anh em họ hàng khuyên can nên đã gọi điện về công ty để xin lại số tiền đã nộp, nhân viên công ty trả lời là tiền không còn nữa vì đã chia đều cho hệ thống, muốn lấy lại tiền thì phải tìm người khác thế thân”. Gia đình chị Lê Thị Lệ ở khu phố 1, thị trấn Yên Cát còn bị mất nhiều hơn. Gia đình chị đã bỏ ra số tiền 33,8 triệu đồng để mua 9 gian hàng ảo, khi biết bị lừa, chị Lệ đã đến công ty đòi lại số tiền trên nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời tương tự. Ngoài hai nạn nhân trên, cũng có rất nhiều giáo viên ở huyện Như Xuân bị lừa mua các gian hàng ảo. Phòng Giáo dục huyện đã phải tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên để họ không tham gia mua bán các gian hàng ảo.


Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Cục Nghiệp vụ C50 triển khai các biện pháp thu thập tài liệu, xác định sai phạm của chi nhánh công ty này tại Thanh Hóa. Trước mắt lực lượng công an đang xác định, làm rõ hành vi trốn thuế.

 

Trịnh Duy Hưng