05:20 24/05/2019

Khắc phục tình trạng 'viên chức suốt đời'

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 24/5, các đại biểu Quốc hội nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận ở tổ về các dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Chú thích ảnh
Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn bị kỷ luật

Báo cáo tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết: Điều 79 của Luật Cán bộ, công chức sửa đổi điều chỉnh về các hình thức kỷ luật để tương ứng với các hình thức kỷ luật của Đảng. Trong đó, bỏ hình thức kỷ luật “giáng chức” để bảo đảm xử lý kỷ luật nghiêm đối với người giữ chức vụ có hành vi vi phạm.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào hai phương án. Chính phủ ủng hộ phương án không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, bởi vì việc quy định đồng thời 2 hình thức kỷ luật “giáng chức” và “cách chức” áp dụng đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dễ dẫn đến tình trạng nể nang, chỉ áp dụng hình thức “giáng chức” thay vì phải áp dụng hình thức “cách chức”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Cán bộ, công chức cho hay, Ủy ban Pháp luật tán thành với Chính phủ về việc bổ sung trong dự thảo Luật quy định nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác. Tuy nhiên, đề nghị tách nội dung này (hiện được bổ sung vào Điều 84) thành điều riêng để thể hiện rõ hơn vấn đề này và nghiên cứu quy định về các hình thức xử lý kỷ luật phải bảo đảm hệ quả pháp lý gắn trực tiếp với quyền lợi cá nhân về vật chất, tinh thần mà người có hành vi vi phạm đã được hưởng trong thời gian công tác hoặc nghỉ hưu để có tính răn đe, thuyết phục cao hơn.

Về hình thức kỷ luật “giáng chức”, Ủy ban Pháp luật tán thành phương án 2 tiếp tục giữ quy định về hình thức kỷ luật “giáng chức”, vì về mặt pháp lý quy định hình thức xử lý kỷ luật “giáng chức” đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao và thực tế thời gian qua căn cứ vào quy định này của Luật Cán bộ, công chức hình thức kỷ luật “giáng chức” cũng đã được áp dụng.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức cũng bổ sung quy định cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người đó phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.

Thảo luận tại tổ về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Trà (Phú Yên) cho biết: Về hình thức xử lý đối với cán bộ đã nghỉ hưu có vi phạm thời gian vừa qua làm rất tốt, tạo ra hiệu ứng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, việc luật hóa cần cụ thể để rõ tính pháp lý của những văn bản mà trước đó những người này chịu trách nhiệm khi còn giữ chức vụ.

Đại biểu Giàng Páo Mỷ (Lai Châu) cho rằng cần có những hình thức xử phạt cụ thể để có sự răn đe, tránh trường hợp cán bộ trước vi phạm được, cán bộ sau cũng có thể vi phạm và thậm chí làm quá hơn. Bên cạnh đó, đại biểu Giàng Páo Mỷ cho biết: Vừa qua tại địa phương cũng có một loạt công chức, cán bộ vi phạm, tuy nhiên họ đã nghỉ hưu, do vậy, bây giờ chỉ xử lý về mặt Đảng tại nơi họ sinh sống. Bên cạnh đó, những công chức, cán bộ đã về hưu này cũng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, chỉ ở mức khiển trách, cảnh cáo, hoặc “kiểm điểm sâu sắc”.

Sẽ không còn "viên chức suốt đời"

Một trong những điểm mới trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là sẽ thực hiện bỏ biên chế suốt đời, viên chức suốt đời. Điểm mới này được kỳ vọng sẽ chấm dứt cảnh công chức, viên chức chây ỳ, ngại đổi mới.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, về thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới hiện có 2 phương án được đưa ra.

Phương án 1, theo hướng đối với tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tình trạng và tâm lý “viên chức suốt đời” trong đội ngũ viên chức.

Phương án 2 giữ như quy định hiện hành, theo đó đối với viên chức được tuyển dụng mới thì sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn để bảo đảm tâm lý ổn định, tránh cơ chế xin - cho khi đến hạn ký lại hợp đồng.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Dự thảo Luật mà Chính phủ trình Quốc hội thể hiện theo phương án 1.

Không nên cứng nhắc giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội các tỉnh Lạng Sơn, Ninh Thuận, Bình Phước và thành phố Cần Thơ thảo luận ở tổ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo Tờ trình của Chính phủ, nội dung sửa đổi của Luật Tổ chức chính quyền địa phương tập trung vào việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan của chính quyền địa phương các cấp; cơ cấu tổ chức của HĐND; phương thức hoạt động của chính quyền địa phương; tổ chức chính quyền địa phương ở hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và cụ thể hóa chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Đáng chú ý, việc giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh là vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội tại Kỳ họp này theo 2 hướng: Thứ nhất đề nghị giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh từ 2 người xuống còn 1 người. Thứ hai đề nghị giữ nguyên như hiện hành. Chính phủ thống nhất với hướng thứ nhất.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đánh giá tác động thật kỹ vấn đề này vì đổi mới phải đồng thời đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng công việc, chứ không chỉ nhằm mục tiêu giảm biên chế.

Một số đại biểu không đồng ý giảm Phó Chủ tịch HĐND, phải để nguyên 2 người như Luật hiện hành. Nguyên nhân được đưa ra là: sắp tới, theo Nghị quyết Trung ương, nhất quán thực hiện Bí thư Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND. Nếu Bí thư kiêm nhiệm mà chỉ có một Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách thì rất nhiều việc, không thể làm được, nhất là trong điều hành kỳ họp, chuẩn bị cho kỳ họp và hoạt động giám sát.

Về giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND ở tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: HĐND rất quan trọng, nhất là trong nhiệm vụ giám sát, đòi hỏi bộ máy phải đủ mạnh. “Bộ máy HĐND được tổ chức gọn nhẹ, nhưng đòi hỏi lại rất cao. Không giữ thì thôi, sao lại giảm? Đề nghị có đánh giá một cách đồng bộ, không thể bằng ý chí rằng phải giảm”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nêu ý kiến.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, nên căn cứ vào số lượng đại biểu HĐND bầu để quy định số lượng Phó Chủ tịch HĐND, không nên quy định cứng nhắc, cào bằng như vậy.

Xuân Tùng (TTXVN)