08:11 06/08/2021

Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Gỡ khó trong lắp thiết bị giám sát tàu cá

Với đường bờ biển dài 102 km, Thanh Hóa hiện có hàng nghìn phương tiện khai thác thủy sản; trong đó, có hơn 1.280 tàu cá có chiều dài trên 15 m.

Xác định việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên các tàu cá là giải pháp căn cơ nhằm quản lý, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, tỉnh Thanh Hóa đang đẩy nhanh tiến độ, gỡ khó trong lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.

Chú thích ảnh
Tàu thuyền tại cảng Cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Hiệu quả của thiết bị giám sát hành trình

Vừa trở về đất liền sau nhiều ngày đánh bắt trên biển, anh Phạm Gia Lâm, chủ tàu cá TH 91189 TS ở phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn được cán bộ Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, Bộ đội biên phòng Sầm Sơn đến tận tàu để tuyên truyền, vận động lắp đặt thiết bị VMS. Đồng thời, phổ biến những quy định của nhà nước Việt Nam và thông tin về những quy định, hình thức xử phạt của các nước trong khu vực khi tàu cá đánh bắt vi phạm vùng biển.

Anh Phạm Gia Lâm cho biết: “Lâu nay tôi chưa hiểu hết những lợi ích mà thiết bị VMS mang lại nên cứ nấn ná chưa lắp. Nay được sự tuyên truyền vận động của lực lượng chức năng và sự hỗ trợ của tỉnh, tôi sẵn sàng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để yên tâm hơn trong mỗi chuyến ra khơi”.

Anh Dương Văn Thành, chủ 2 tàu cá TH 92168 TS và TH 92169 TS ở phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn vừa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Anh cho biết: “Chuyến ra khơi vừa rồi, tôi không trực tiếp đi theo tàu mà giao tàu cho thuyền trưởng và ngư dân. Nhờ có thiết bị VMS, dù ở nhà nhưng qua điện thoại, máy tính tôi có thể biết được tàu mình đang đánh bắt ở vị trí nào, có hoạt động hay không nên rất yên tâm khi phương tiện ra khơi. Bên cạnh đó, thiết bị này hay ở chỗ khi tàu ra đánh bắt gần vùng biển giáp ranh với nước ngoài lỡ có vi phạm sẽ có tín hiệu báo ngay cho anh em biết để quay tàu lại. Điều này rất thuận lợi cho ngư dân như chúng tôi”.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản Thanh Hóa phối hợp với các Đồn Biên phòng tuyến biển, UBND các huyện, thị , thành phố ven biển làm việc trực tiếp với UBND cấp xã, phường tiến hành rà soát, xác minh tàu cá, đặc biệt là nhóm tàu có chiều dài từ 15 m trở lên thuộc diện phải lắp đặt thiết bị VMS.

Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tuyên truyền, nhắc nhở các chủ tàu khẩn trương lắp đặt thiết bị (VMS) theo quy định. Đồng thời, đề nghị Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thuỷ sản, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề tăng cường quản lý, kiểm tra chặt chẽ các tàu này, kiên quyết không cho xuất bến đi khai thác, không cấp đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản khi chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Các Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc), Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn) và Lạch Hới (thành phố Sầm Sơn) đang trung nhân lực, thực hiện tháng cao điểm từ 1 - 30/8/2021 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), tổ chức kiểm tra, giám sát 100% tàu cá tại cảng và lập biên bản kiểm tra theo quy định. Kiên quyết không cấp giấy xác nhận kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác khi không đủ điều kiện đi hoạt động với những tàu cá không lắp thiết bị giám sát hành trình, không có giấy phép khai thác, không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, không đăng kiểm…

Hỗ trợ mua thiết bị giám sát tàu cá

Tính đến đầu tháng 8/2021, các tàu cá của Thanh Hóa có chiều dài 15 m trở lên đã lắp đặt thiết bị VMS mới đạt gần 50%. Điều này đang gây khó khăn rất lớn đối với việc quản lý, giám hoạt động khai thác trên biển cũng như việc xác nhận nguồn gốc thủy sản. Bên cạnh đó, nhiều chủ tàu đã đăng ký nhưng chưa lắp đặt thiết bị VMS vì cho rằng giá thành lắp đặt sau khi trừ hỗ trợ của tỉnh vẫn còn cao, phải trả cho nhà cung cấp khoảng 10-15 triệu đồng/tàu. Một số chủ tàu cá đã lắp thiết bị VMS nhưng chưa trả hết số tiền mua thiết bị giám sát hành trình, ngoài 10 triệu đồng hỗ trợ của tỉnh nên chưa được kích hoạt thiết bị trên hệ thống giám sát hành trình của Trung ương.

Theo các chủ tàu cá, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là chi phí lắp đặt lớn, trong khi hiệu quả khai thác hải sản những năm gần đây khá bấp bênh. Ngoài ra, một số chủ tàu cá chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tác dụng của thiết bị VMS đối với hoạt động khai thác trên biển cũng như trong hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển nên chưa tự giác lắp đặt.

Để hỗ trợ các chủ tàu cá, mới đây, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình cho chủ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên trên địa bàn tỉnh. Đối tượng được hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình tàu cá là tổ chức bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; hộ gia đình, cá nhân là chủ sở hữu hợp pháp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên đăng ký tại tỉnh Thanh Hóa; trong đó, có cả các tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Tỉnh Thanh Hóa sẽ trích ngân sách tỉnh để hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình là 10 triệu đồng/tàu cá và hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo hóa đơn thực tế nhưng không quá 300.000 đồng/tháng/tàu cá. Thời gian hỗ trợ sẽ kéo dài trong 3 năm kể từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2024. Tỉnh Thanh Hóa cũng đang thực hiện xóa đăng ký các tàu cá chìm đắm, giải bản, hư hỏng hoàn toàn đồng thời tiến hành phân loại tàu cá không đảm bảo hoạt động đưa ra khỏi danh sách quản lý, yêu cầu chủ tàu cá ký cam kết không đưa tàu cá đi khai thác khi chưa lắp thiết bị giám sát hành trình.

Về phía Chi chục Thủy sản Thanh Hóa, Phó Chi cục trưởng Lê Văn Sáng cho biết: “Hiện Chi cục đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để ngư dân nhận thức rõ việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá là cần thiết và bắt buộc trong giai đoạn hiện nay nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác thủy sản, người và tài sản của ngư dân. Để sớm hoàn thành việc lắp đặt theo đúng quy định, Chi chục Thủy sản Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với các địa phương ven biển và các ngành liên quan rà soát lại từng trường hợp cụ thể để có phương án giải quyết kịp thời đồng thời khẩn trương, kiên quyết việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với số tàu cá còn lại".

Hoa Mai (TTXVN)