09:09 28/09/2011

Khắc phục hậu quả bão số 4, chủ động đối phó với bão số 5

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm qua, 27/9, sau khi đi vào vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên- Huế, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm qua, 27/9, sau khi đi vào vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên- Huế, bão số 4 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Bão không còn, nhưng hoàn lưu áp thấp nhiệt đới sẽ khiến khu vực vịnh Bắc Bộ có gió giật đến cấp 8, biển động; các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên- Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Nguy hiểm hơn, theo dự báo, cơn bão mới, bão số 5 lại sắp vào Biển Đông.

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 4

* Phú Yên: Theo Ban tác chiến Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên: Đến 9 giờ sáng 27/9, toàn tỉnh còn 96 tàu cá với 880 lao động hoạt động trên vùng biển Quần đảo Trường Sa vẫn chủ động liên lạc với gia đình và các đồn biên phòng.


Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa tìm thấy anh Nguyễn Vũ Viên (31 tuổi, trú ở thôn Long Thủy, xã An Phú, thành phố Tuy Hòa) bị rơi xuống biển trong khi tàu cá trên đường vào nơi tránh trú bão.

Theo Đồn biên phòng 352, do gió lớn nên lúc 10 giờ ngày 26/9, tàu cá PY 6678 TS cùng 10 lao động do ông Huỳnh Tấn Quang (39 tuổi, trú cùng thôn với anh Viên) làm thuyền trưởng, hành nghề lưới rút, khi nghe thông tin báo bão đã chạy vào bờ tránh trú. Đến vùng biển cách mũi Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận khoảng 3 hải lý, anh Viên bất ngờ bị rơi xuống biển, mất tích. Chủ phương tiện đã nỗ lực tìm kiếm, nhưng do sóng lớn nên vẫn chưa tìm thấy.

*Quảng Ninh: Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, con đường độc đạo vào với đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) bị sạt lở và ngập nước ở một số đoạn. Đến thời điểm này, đây là địa phương đầu tiên ở tỉnh được xác nhận bị chia cắt cục bộ.

Theo Trung tá Trịnh Thanh Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng 585 thì việc chia cắt cục bộ này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến gần 200 hộ với trên 700 nhân khẩu đồng bào Rục ở các bản Ón, Mò O Ồ Ô, Yên Hợp của xã Thượng Hóa. Nhằm phá thế bị chia cắt, Đồn Biên phòng 585 và UBND xã Thượng Hóa đã điều thuyền cứu hộ đặc chủng đến đoạn đường bị sạt lở và ngập nặng để chuyên chở đồng bào qua lại.

Cũng theo Trung tá Bình thì rút kinh nghiệm qua những lần bị chia cắt trước, lần này, huyện Minh Hóa và Đồn Biên phòng 585 đã chuẩn bị rất tốt việc tổ chức lực lượng, dự trữ lương thực, các phương tiện cứu hộ, cứu nạn cần thiết để phòng và chống bão lụt. Tại Đồn Biên phòng 585 hiện còn trên 4 tấn gạo dự trữ. Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đồn 585 cũng đang cùng đồng bào xuống đồng đắp cao bờ bao, để bảo vệ hơn 10 ha lúa nước vụ hè thu.

* Quảng Trị: Mưa lớn kéo dài từ đêm 26 đến sáng 27 đã gây ngập úng cho nhiều diện tích lúa đang trong thời kỳ thu hoạch.

Ông Trần Minh Tiến, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị cho biết: Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ được điều tới ứng trực tại các điểm xung yếu.

Lực lượng Cảnh sát giao thông bố trí lực lượng cảnh giới, hướng dẫn người và phương tiện qua lại tại các ngầm và các đoạn đường bị ngập, các đoạn đường có nguy cơ bị sạt lở.

* Hà Tĩnh đã huy động 1.646 cán bộ chiến sĩ, công an, quân đội, đoàn thanh niên… giúp dân thu hoạch lúa hè thu. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được 16.700 ha/41.190 ha.

* Tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các huyện Thăng Bình, Điện Bàn, Phú Ninh huy động mọi nguồn lực để khẩn trương thu hoạch lúa hè thu chín muộn, cơ bản đã thu hoạch xong 700 ha/700 ha diện tích lúa thuộc các huyện trên.

* Tỉnh Quảng Ngãi đã sơ tán 26 hộ/125 khẩu ở vùng trũng thấp tại thôn Diêm Điền, xã Tịnh Hòa và xã Trường Thọ Đông, thị trấn Sơn Tịnh, huyện Tịnh Sơn đến nơi an toàn.

Dồn sức chống bão số 5

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương: Hồi 19 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 16,8 độ vĩ bắc; 119,1 độ kinh đông, trên khu vực phía đông bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 5 di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km. Đến 19 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,1 độ vĩ bắc; 114,6 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km/giờ), giật cấp14, cấp 15.

24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km. Đến 19 giờ ngày 29/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,3 độ vĩ bắc; 110,9 độ kinh đông, trên vùng bờ biển phía đông đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km/giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, ở khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Song song với việc khắc phục hậu quả cơn bão số 4, các địa phương đang dồn sức lên phương án đối phó với bão số 5. Việc kêu gọi các tàu thuyền đang đánh cá ngoài khơi vào bờ, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, bảo vệ hoa màu, thủy sản... đang được các địa phương và người dân tiến hành khẩn trương.

Theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) yêu cầu các nhà máy thủy điện thuộc phạm vi quản lý khu vực miền Trung, Tây Nguyên kiểm tra hồ đập, vận hành đúng quy trình đơn hồ, liên hồ không để xảy ra sự cố; phối hợp chặt chẽ với địa phương để chủ động hạ mức nước hồ đảm bảo an toàn cho công trình đập và hạ du khi xảy ra mưa lớn; đồng thời kiểm tra hệ thống điện dự phòng, hệ thống thiết bị vận hành các cửa van để xử lý kịp thời với mọi tình huống. Bên cạnh đó, EVN phối hợp thông tin thường xuyên với Ban Chỉ huy Phòng chống lụt, bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chính quyền địa phương trong việc xả lũ.

Thứ trưởng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam kiểm tra các công trình phòng chống lụt bão, chống sạt lở bờ mỏ, bãi thải, chống tràn, chống bục nước để có phương án xử lý kịp thời; đồng thời chủ động sơ tán dân cư, thiết bị ra khỏi nơi có nguy cơ ảnh hưởng do bị sạt lở bãi thải.

Tổng công ty Xăng Dầu Việt Nam kiểm tra và duy trì lượng xăng dầu dự trữ phục vụ phòng chống lụt bão, tổ chức vận chuyển xăng dầu đến vùng bị mưa lũ, bão chia cắt, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đứt nguồn hàng và tư thương lợi dụng tăng giá.

Các Sở Công Thương có nhiệm vụ kiểm tra tình hình dự trữ hàng hóa theo phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng cung ứng kịp thời đến người dân vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa, lũ khi có yêu cầu; tăng cường quản lý thị trường, tránh để tư thương lợi dụng bão, lũ tăng giá, ép giá.

TTN