06:15 25/06/2014

Khắc phục hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường

Nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian qua tình trạng lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa xuất hiện ngày càng nhiều và khá nghiêm trọng. Thực trạng này không những gây khó khăn cho việc đi lại mà còn gây bức xúc, hoài nghi trong dư luận về chất lượng các công trình giao thông.

Tại hội thảo “Nguyên nhân và giải pháp khắc phục hằn lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa” do Trường Đại học Giao thông Vận tải (GTVT) và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 tổ chức ngày 25/6 tại Tp. Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian qua tình trạng lún vệt bánh xe trên mặt đường bê tông nhựa xuất hiện ngày càng nhiều và khá nghiêm trọng. Thực trạng này không những gây khó khăn cho việc đi lại mà còn gây bức xúc, hoài nghi trong dư luận về chất lượng các công trình giao thông.

PGS.TS Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng Trường Đại học GTVT cho biết, các nhóm chuyên gia của Trường đã xác định 3 nhóm nguyên nhân gây hiện tượng vệt hằn bánh xe gồm thiết kế áo đường; chất lượng thi công và điều kiện khai thác mặt đường. Nhóm chuyên gia đã đề xuất việc sử dụng các loại bê tông có sức kháng cắt trượt lớn, cải tiến thành phần chế tạo hỗn hợp cũng như tăng góc nội ma sát của bê tông nhựa. Trong tham luận của mình, PGS.TS Nguyễn Quang Toản và TS. Trần Thị Thu Hà (Trường Đại học GTVT) cho rằng, Bộ GTVT nên đưa ra một tiêu chuẩn nhất định cho mỗi công trình BOT như độ bằng phẳng, khả năng thoát nước… và định kỳ kiểm tra. Để khắc phục lún vệt bánh xe, khâu tư vấn thiết kế cần cải cách triệt để vì điều này sẽ trực tiếp dẫn đến chất lượng bản thiết kế, chất lượng và giá thành công trình.

Trong khi đó, theo ông Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng Tp. Hồ Chí Minh, vệt lún trên Đại lộ Đông Tây đã được tiến hành khắc phục nhưng vẫn còn “lún đi lún lại”. Nguyên nhân chính là do kết cấu bê tông nhựa chưa đạt chuẩn, quá trình giám sát thi công còn lơi lỏng, có khi đổ bê tông vào ban đêm nhưng không theo dõi được. Hiện lượng xe lưu thông trên đại lộ quá nhiều; trước đây ước đoán chỉ có 10.000 xe/ngày đêm nhưng thực tế lên đến 22.000 xe/ngày/đêm.

Ông Hà Ngọc Trường cho rằng, nên tăng hàm lượng polime để đạt được kết cấu đạt chuẩn, mặc dù đắt hơn các kết cấu bình thường nhưng bù lại sẽ tăng độ cứng, độ bền vững nhưng vẫn đảm bảo độ dẻo và tính đàn hồi. Bên cạnh đó, các đơn vị thiết kế cần lưu ý khi thiết kế kết cấu áo đường tại các nút giao nhau và tại đoạn đường ra vào nút. Tuyến đường có lưu lượng xe và tải trọng lớn phải khảo sát chi tiết. Các đơn vị thi công cần tuân thủ các bước trong thiết kế hỗn hợp bê tông nhựa. Ngoài ra, đơn vị quản lý và khai thác đường cần lựa chọn đơn vị tư vấn đủ năng lực cũng như tăng cường kiểm tra chất lượng nhựa đường ngay từ khi nhập khẩu.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lún vệt bánh xe là do yếu tố vật liệu; quy trình trộn bê tông; tải trọng xe; quy trình thiết kế áo đường có tính đến điều kiện khí hậu và trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng. Với đề xuất gia tăng chất polime của lãnh đạo Hội Cầu đường cảng Tp. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, điều kiện kinh tế Việt Nam chưa cho phép sử dụng phổ biến chất liệu này vì giá thành rất đắt, chỉ có thể áp dụng ở những tuyến đường cấp cao, tuyến cao tốc, tuyến đèo dốc, ngã tư cần thiết… Thay vào đó cần nghiên cứu, ứng dụng nhựa cơ bản để áp dụng rộng rãi vì chất liệu này vừa rẻ lại phù hợp với điều kiện khí hậu. Bên cạnh việc kiểm soát tải trọng xe, đánh giá chặt chẽ nhà thầu, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm tra kĩ hơn lốp xe đủ các tiêu chuẩn phù hợp để có thể tác động lên mặt đường vừa với thiết kế.


Trần Xuân Tình