11:14 27/11/2014

Khả năng xảy ra kết giao bất ngờ giữa Nga và OPEC

Bộ trưởng tài chính Nga Anton Siluanov đánh giá nước này có thể thiệt hại 100 tỉ USD/năm do tình trạng giá dầu giảm trong thời gian gần đây. Vậy Nga cần phải làm gì?

Bộ trưởng tài chính Nga Anton Siluanov đánh giá nước này có thể thiệt hại 100 tỉ USD/năm do tình trạng giá dầu giảm trong thời gian gần đây. Vậy Nga cần phải làm gì?

Hợp tác với thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) để giảm sản lượng khai thác dầu được cho là động thái hợp lý nhất đối với Nga.

Ảnh minh họa.


Nếu nhìn thoáng qua thì việc chung tay hành động giữa Nga và các nước thành viên OPEC dường như khó có thể xảy ra nhưng tình hình địa chính trị nhiều biến động hiện nay lại có thể tác động xoay chuyển tình hình.

Các nước vùng Vịnh là những thành viên có tiếng nói nhất trong OPEC, tuy được coi là đồng minh của Mỹ nhưng những nước này cũng mong mỏi giá dầu tăng vì vậy dường như họ sẽ có chiều hướng xích lại gần hơn với Điện Kremlin.

Trong những tuần vừa qua, Moskva đã có nhiều cuộc họp cấp cao với các quan chức Saudi Arabia, Iran và Venezuela. Sau cuộc gặp gần đây với người đồng cấp Saudi Arabia, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết cả Moskva và Riyadh phản đối việc tạo áp lực tới thị trường dầu mỏ vì mục đích chính trị.

Phát biểu này được truyền thông ngầm hiểu là bằng chứng của thỏa thuận mới giữa Nga và Saudi Arabia liên quan tới thị trường dầu mỏ.

Theo nhật báo Kommersant của Nga, Ngoại trưởng Venezuela Rafael Ramirez cũng đã đề xuất việc cùng cắt giảm sản lượng dầu mỏ để tăng giá dầu.

Theo như kế hoạch này, Nga cần cắt giảm 15 triệu tấn dầu/năm trong khi OPEC phải đồng loạt cắt giảm 70 triệu tấn/năm. Bộ trưởng năng lượng Nga Alexander Novak trả lời phỏng vấn của báo giới cho biết việc cắt giảm sản lượng đang được cân nhắc và không đưa ra thêm chi tiết.

Khả năng dầu mỏ tăng giá khi các nước cùng cắt giảm sản lượng là rất cao tuy nhiên dường như nó sẽ có "tuổi thọ ngắn" bởi các công ty dầu mỏ Mỹ sẽ bảo hộ sản lượng khai thác năm 2015 bằng các hợp đồng giao sau xăng dầu (đối tác mua với giá hiện hành và nhận xăng dầu ở thời điểm vài tháng hoặc vài năm sau đó).

Khi Nga và các nước OPEC cùng bắt tay hợp tác giảm sản lượng, giá dầu có thể sẽ tăng. Bên cạnh đó, cả Moskva và OPEC đều hiểu rằng ngoài lợi thế về mặt kinh tế, việc đồng lòng giữa Nga và OPEC về vấn đề dầu mỏ cũng là một thành tựu ngoại giao của Kremlin.

Chính vì vậy quyết định được đưa ra trong cuộc gặp trong ngày hôm nay (27/11) của OPEC sẽ cho thấy liệu sự kết giao về vấn đề dầu mỏ giữa Nga và tổ chức này có thể trở thành hiện thực hay không.


H.Linh
(Theo Rianovosti)