01:09 14/01/2015

Khả năng Nga đẩy Ukraine vào cảnh vỡ nợ

Nếu thông tin về việc Nga đang toan tính thu hồi trước hạn khoản tín dụng 3 tỷ USD mà Moskva cho Kiev vay hồi năm 2013 xảy ra thì Bộ tài chính Nga có thể đẩy Ukraine vào tình trạng vỡ nợ.

Theo báo chí Nga, thời gian gần đây xuất hiện nhiều thông tin về việc Nga đang toan tính thu hồi trước hạn khoản tín dụng 3 tỷ USD mà Moskva cho Kiev vay hồi năm 2013. Nếu điều này xảy ra thì Bộ tài chính Nga có thể đẩy Ukraine vào tình trạng vỡ nợ.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tích cực đàm phán với người đứng đầu Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm cứu vãn ngân sách Ukraine.

Đồng hryvnia của Ukraine đã mất giá mạnh so với euro và USD. Trên tấm bảng này, tỉ giá giao dịch với đồng ruble Nga bị để trống.


Theo thông lệ tài chính quốc tế, Nga hoàn toàn có quyền yêu cầu Kiev thanh toán trước hạn khoản vay tài chính trị giá 3 tỷ USD vì Ukraine đang vi phạm nghiêm trọng các điều kiện cho vay đã cam kết trước đó. Nếu Nga thực hiện bước đi này thì Ukraine không thể huy động ngay lập tức 3 tỷ USD để trả nợ và buộc phải tuyên bố vỡ nợ.

Tuy nhiên, nếu kịch bản này xảy ra thì Nga cũng không được lợi lộc gì vì hàng chục ngân hàng của Nga hiện đang có các dự án tài chính ở Ukraine cũng sẽ bị ảnh hưởng liên đới.

Theo lời Bộ trưởng tài chính Nga Anton Siluanov, Ukraine đã vi phạm các điều kiện cho vay tài chính khi để mức nợ công vượt quá 60% GDP. Điều quan trọng hơn là trong dự toán ngân sách năm 2015, Quốc hội Ukraine không hề đả đụng đến việc thanh toán khoản nợ này, trong khi nghĩa vụ trước các chủ nợ khác như IMF hoặc WB đều được cân nhắc thực hiện.

Được biết bản dự toán ngân sách năm 2015 đã được quốc hội Ukraine thông qua ngày 29/12 vừa qua. Thủ tướng nước này Arseni Yatsenyuk cho biết văn bản này có thể sẽ được xem xét điều chỉnh sau khi Ukraine có các cuộc đàm phán với IMF. Cũng trong ngày, Tổng thống Nga Putin có cuộc điện đàm với Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde để bàn thảo vấn đề xử lý khủng hoảng nợ của Ukraine.

Giữa tháng 11 năm ngoái, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ARD của Đức, người đứng đầu Điện Kremlin cũng tuyên bố Nga sẽ không yêu cầu Ukraine thanh toán nợ trước hạn, mặc dù có đủ cơ sở để thực hiện quyền của người cho vay tài chính. Ông Putin cũng nhấn mạnh nếu Nga đưa ra yêu cầu thì hệ thống tài chính của Ukraine sẽ một lần nữa bị sụp đổ do Ukraine không thể có khả năng hoàn trả 3 tỷ USD cùng lúc.

Trong khi đó, giới chuyên gia nhấn mạnh Nga còn một công cụ nữa có thể gây áp lực lên Ukraine. Ngân hàng Gazprombank vừa đề nghị ông Dmitry Firtash, một trong những ông trùm khí đốt của Ukraine hiện đang bị quản thúc ở Áo, một hợp đồng hết sức hấp dẫn.

Theo đó, Gazprombank sẽ xoá cho các công ty của Dmitry Firtash khoản nợ 842 triệu USD mua khí đốt, đổi lại ông này phải trả cho Gazprom một nửa số tiền nợ bằng lượng khí đốt thuộc sở hữu của Dmitry Firtash đang được dự trữ dưới lòng đất ở Ukraine. Như vậy nếu hợp đồng này được ký thành công thì Nga sẽ kiểm soát cả nguồn dự trữ khí đốt ít ỏi còn sót lại ở Ukraine.

Tờ "Financial Times" nhận định trong năm 2015, ngoài số tiền 17 tỷ USD có thể huy động được từ IMF, Ukraine cần thêm ít nhất 15 tỷ USD từ các tổ chức tài chính quốc tế khác nhằm cân bằng ngân sách. Trong khi đó, các chuyên gia của "The Economist" đánh giá khối lượng vay bổ sung của Ukraine phải lên tới trên 20 tỷ USD.

Người dân đợi nhận hàng cứu trợ nhân đạo của Nga tại Khartsyzk gần Donetsk, miền đông Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN.


Trong khi đó, các ngân hàng Nga, vốn chiếm tới 30% thị phần ngân hàng ở Ukraine cũng đã bắt đầu cảm nhận rõ nét các hậu quả của khủng hoảng kinh tế và chính trị ở đất nước Đông Âu này. Tháng 2/2014, Fitch đánh giá thiệt hại tiềm tàng của các ngân hàng Nga đang hoạt động ở Ukraine là khoảng 28 tỷ USD.

Cuối tháng 10 năm ngoái, các ngân hàng Nga đã báo cáo số liệu thiệt hại đầu tiên dao động từ 12 đến 25 tỷ USD, trong đó chủ yếu là nợ xấu không có khả năng thu hồi và việc giảm lợi nhuận do người dân Ukraine không những không gửi tiền thêm mà còn ồ ạt rút tiền ra. Số liệu của Ngân hàng tiết kiệm Nga (Sberbank) cho thấy ngân hàng này thất thu khoảng 52% tiền gửi, trong khi của Ngân hàng ngoại thương Nga là 53,4%.

Cố vấn đặc biệt về tài chính của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho rằng trong trường hợp Nga thúc ép Ukraine đi đến vỡ nợ thì thiệt hại của các công ty Nga có thể lên tới hàng chục tỷ USD. Ông này đặc biệt lưu ý đến sự ràng buộc rất chặt chẽ giữa hai nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng. Trong khi đó, lời tuyên bố phá sản cũng sẽ gây ra những hệ lụy về chính trị và kinh tế-xã hội không thể nói trước ở Ukraine.

Không đồng tình với nhận xét này, chuyên gia của SDM-Bank Vyacheslav Andryushkin cho rằng việc Ukraine tuyên bố vỡ nợ (nếu có) sẽ chỉ liên quan đến các trái phiếu nhà nước và nợ công, trong khi hầu hết các ngân hàng thương mại của Nga đều không nắm giữ các loại giấy tờ có giá này.

Tuy nhiên, Nga cũng sẽ không được lợi lộc gì nếu dồn Ukraine vào chân tường. Thay vào đó, chuyên gia tài chính này nhấn mạnh giải pháp tốt nhất hiện nay là tái cơ cấu nợ để trấn an tâm lý cho các bên trước tình thế khó khăn hiện nay.


TTK