01:07 06/01/2020

Khả năng Mỹ rút quân theo yêu cầu của Iraq

Giới chuyên gia đánh giá việc thông qua nghị quyết hối thúc quân đội Mỹ rời khỏi Iraq là một bước tiến vô cùng quan trọng cho quốc gia Trung Đông. Tuy nhiên, để lính Mỹ thực sự rút khỏi Iraq lại là vấn đề khó khăn hơn nhiều.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mỹ tại thị trấn Bartella, phía Đông Mosul, Iraq, tháng 12/2016. Ảnh: REUTERS

Trước đó, theo kênh RT, Quốc hội Iraq ngày 5/1 đã thông qua một nghị quyết yêu cầu chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài. Tuy nhiên, văn bản này chưa được chính phủ Iraq xem xét và ký duyệt. 

Nghị quyết được đưa ra hai ngày sau khi Quân đội Mỹ tiến hành vụ không kích tên lửa nhằm vào sân bay quốc tế Baghdad và sát hại Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qasem Soleimani. Vụ việc đã lập tức thổi bùng ngọn lửa căng thẳng giữa Iran và Mỹ nói riêng và tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm cho khu vực Trung Đông nói chung. 

Phản ứng trước động thái mới nhất của Iraq, Washington dường như không mấy bận tâm. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên tiếng bảo vệ sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Iraq, khẳng định người dân nước này thực sự muốn lính Mỹ có mặt.

“Chúng tôi tin chắc rằng người dân Iraq muốn Mỹ tiếp tục ở đây để đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố”, vị quan chức đứng đầu Bộ Ngoại giao trả lời phỏng vấn chương trình truyền hình “Fox News Sunday”.

Các nhà phân tích cho rằng đang có sự đối đầu giữa Chính phủ Iraq và Chính phủ Mỹ. Mỹ đã từng tấn công lực lượng vũ trang của Iraq, và đó là nơi mâu thuẫn bắt đầu. Chính phủ Iraq có mọi quyền yêu cầu lính Mỹ rời khỏi, và nếu Mỹ từ chối, chúng ta sẽ chứng kiến sự đối đầu lớn”, chuyên gia phân tích Nicolas J.S. Davies đang làm việc cho RT nhận định.

Hành động không kích sát hại Tướng Iran Soleimani và các trợ thủ của ông ấy không chỉ bị coi là sự coi thường quy phạm luật pháp quốc tế mà còn là hành vi vi phạm thỏa thuận giữa Baghdad và Washington. Ông Davies giải thích động thái mới nhất từ Quốc hội Iraq không quá bất ngờ.

“Mỹ đang thực sự hành động như một quốc gia ngoài vòng pháp luật. Hiểu theo cách nào thì đây vẫn là vi phạm luật pháp quốc tế”, chuyên gia Davies nhấn mạnh, đề cập đến việc quân đội Mỹ đến Iraq theo lời mời của chính phủ nước này.

Theo nhà báo – chuyên gia phân tích chính trị Andre Vltchek, quyết định của Quốc hội Iraq là một “diễn biến to lớn” đẩy quốc gia gần hơn tới việc chấm dứt sự chiếm đóng của các lực lượng Mỹ, cũng như toàn khu vực.

“Chúng ta chưa bao giờ thấy quân Mỹ rời đi chỉ vì quốc hội nước bị đóng quân thông qua nghị quyết yêu cầu họ làm thế. Chính vì vậy, không hề dễ dàng cho Iraq đưa quân đội Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO ra khỏi quốc gia”, ông Vltchek khẳng định.

Ông Vltchek cảnh báo Washington có thể áp dụng “tất cả chiêu trò” để tìm cách ở lại Iraq. Điều động lực lượng tới khu vực người Kurd tự trị ở Iraq “như những gì họ làm trong quá khứ” là một trong các cách “lách luật”. Tuy nhiên, chuyên gia vẫn lưu ý tình hình khu vực đã thay đổi kể từ cuộc xâm chiếm 2003. Các thế lực và tổ chức địa phương dường như đang ngày một đoàn kết và cái chết của Tướng Soleimani có thể đóng vai trò như một sự kiện kết nối họ gần nhau hơn.

Trong khi đó, cựu quan chức Lầu Năm Góc Michael Maloof cho rằng toàn bộ kế hoạch tìm cách đuổi binh sĩ Mỹ ra khỏi Iraq có thể thất bại do các chính trị gia nước này, bao gồm Thủ tướng Iraq, tỏ ra chần chừ trong việc thực sự muốn làm như vậy ngay cả trước khi có cuộc không kích của Mỹ.

“Trước khi diễn ra vụ ám sát Tướng Soleimani, hàng ngũ điều hành đất nước người Shia luôn xảy ra bất đồng, và đó là nguyên do vì sao chỉ có những cuộc thảo luận về việc chấm dứt sự hiện diện binh sĩ nước ngoài mà không hề có một quyết định nào được đưa ra trong nhiều tháng”, cựu quan chức nhận định. Ông Maloof cho rằng mặc dù các lực lượng địa phương tại Iraq dường như đã có đủ năng lực đối phó với mối đe dọa khủng bố hiện tại và quân Mỹ đơn giản “sẽ rút khỏi vị trí” khi nhiệm vụ hoàn thành, song ông không chắc binh sĩ Mỹ sẽ thực sự rời khỏi Baghdad. 

“Câu hỏi đặt ra hiện giờ là, nếu bị yêu cầu, liệu quân đội Mỹ sẽ rời đi không… Nếu chống đối, Mỹ tiếp tục sẽ trở thành lực lượng xâm chiếm một lần nữa”, Maloof kết luận.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức