09:11 18/09/2020

Khả năng miễn dịch COVID-19 nhìn từ tỷ lệ tử vong thấp tại Nam Phi

Bộ trưởng Y tế Nam Phi thông báo hơn 20% trong tổng dân số 58 triệu người nước này có thể đã nhiễm virus SAR-CoV-2 song tỷ lệ tử vong thấp cho thấy quốc gia này đang hướng tới việc đạt được miễn dịch cộng đồng.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang ngừa COVID-19 tại Nam Phi. Ảnh: Anadolu Agency

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize thông báo khoảng 12 triệu người ở Nam Phi “có lẽ” đã bị mắc COVID-19. Dẫn kết quả các nghiên cứu trước đó, nhà chức trách giải thích giới y tế đã phát hiện ra sự hiện diện của kháng thể COVID-19 trong các mẫu máu lấy từ cộng đồng dân cư. 

Bộ trưởng Mkhize nhấn mạnh: “Nam Phi chứng kiến sự gia tăng đột biến số lượng các ca mắc. Do đó đặt ra câu hỏi về tình trạng miễn dịch có thể đã xuất hiện ngay trong xã hội”.

Cũng theo vị quan chức, các nghiên cứu khác chỉ ra có tới 40% dân số miễn dịch với virus SARS-CoV-2. Một số chuyên gia Nam Phi cho rằng quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất của châu Phi có thể đang tiến tới miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng phải ít nhất 70-80% dân số miễn dịch thì quốc gia đó mới đạt được mục tiêu trên. Bên cạnh đó, giới y khoa cũng chưa rõ khả năng miễn dịch COVID-19 đó có thể kéo dài trong bao lâu.

Trong bối cảnh các trường hợp mắc COVID-19 mới mỗi ngày giảm đáng kể, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã có bài phát biểu trước toàn dân vào ngày 16/9, thông báo nới lỏng các biện pháp phong tỏa, bao gồm việc mở cửa hạn chế biên giới quốc tế cho du khách từ một số quốc gia.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu gửi tới toàn dân vào tối 16/9. Ảnh: GCIS

Số ca mắc COVID-19 mới tại Nam Phi trong những tuần gần đây đã giảm đáng kể sau đỉnh dịch vào cuối tháng 7 khi ghi nhận 15.000 ca mỗi ngày lúc đó và làm dấy lên lo ngại dịch vụ y tế ở một số thành phố lớn có thể quá tải. Số liệu chính thức cho thấy chỉ có 772 ca mắc mới vào ngày 15/9.

Bộ trưởng Mkhize cho biết thêm Nam Phi cũng đang chứng kiến xu hướng giảm đối với số bệnh nhân nhập viện, bệnh nhân được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt và người tử vong vì COVID-19. “Sự nhất quán giữa các thông số làm chúng tôi an tâm rằng thực sự chúng tôi đang ở đáy đại dịch”, nhà chức trách giải thích.

Theo số liệu chính thức mới nhất tính đến 0h ngày 19/9 (theo giờ VN), Nam Phi ghi nhận 653.444 ca mắc COVID-19. Vào thời kỳ đỉnh dịch, Nam Phi là quốc gia đứng thứ 5 về tổng số lượng ca mắc COVID-19, chỉ sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Nga.

Trong nhiều tháng qua, các chuyên gia đã nỗ lực nghiên cứu để tìm ra lý do tại sao tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Nam Phi lại thấp. Trước khi dịch bùng phát, nhiều người lo ngại tình trạng nghèo đói, điều kiện sống chật chội, sự hạn chế trong việc tiếp cận nước sạch và tỷ lệ nhiễm bệnh lao và HIV cao sẽ khiến Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung đứng trước nguy cơ hàng triệu người thiệt mạng trong đại dịch.

Tuy nhiên, cho đến nay, điều đó không xảy ra. Tổng số 54 quốc gia châu Phi với số dân 1,3 tỷ người chỉ có 33.000 trường hợp tử vong do COVID-19. Số nạn nhân do COVID-19 tại châu Phi còn ít hơn số ca tử vong tại Anh hoặc Italy, và ít hơn nhiều so với 195.000 trường hợp tử vong ở Mỹ.

Một số chuyên gia nghi ngờ số người chết vì COVID-19 thực sự tại Nam Phi có thể cao hơn con số thống kê. Từ đầu tháng 5 cho đến giữa tháng 9, cả nước ghi nhận thêm 44.000 ca tử vong so với mức trung bình. Nhiều nạn nhân trong số đó được coi là tử vong vì COVID-19 song không được xét nghiệm. 

“Chúng tôi nghĩ thay vì 15.000 người, có khoảng 30.000 người đã chết vì COVID-19. Chúng ta phải ghi nhận thêm các ca tử vong bên ngoài bệnh viện,” Shabir Madhi, giáo sư chuyên về tiêm chủng tại Đại học Witswatersrand của Johannesburg, bày tỏ. 

Một số chuyên gia y tế chỉ ra lý do hàng triệu người ở các thành phố nghèo và đông dân cư của Nam Phi có thể đã hình thành khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 do sự lây lan thường xuyên từ các loại virus corona khác trước đây, trong đó có virus cúm.

Madhi, trưởng nhóm nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ở Nam Phi đối với vaccine ngừa COVID do Đại học Oxford và công ty AstraZeneca phát triển, kết luận: “Họ đã tiếp xúc với nhiều mầm bệnh và phát triển tế bào có khả năng miễn dịch, giúp họ chống lại những tác động nghiêm trọng của COVID-19. Những người này có thể đã đạt được khả năng miễn dịch cơ bản”.

Bảo Hà/Báo Tin tức