Tháo gỡ khó khăn hoạt động KH&CN Trà Vinh

Thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đã chú trọng đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) để tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động KH&CN Trà Vinh vẫn gặp không ít khó khăn. Vì vậy, Chương trình phối hợp giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2012 - 2015 sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, từng bước đưa Trà Vinh trở thành một trong những địa bàn kinh tế trọng điểm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

“Bất cập” trong hoạt động KH&CN


Ông Trần Khiêu, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết: Mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn, nhưng hàng năm tỉnh vẫn cân đối cho lĩnh vực KH&CN theo đúng kế hoạch, nguồn kinh phí đầu tư cho KH&CN năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu năm 2011, kinh phí đầu tư cho KH&CN là 22,22 tỷ đồng, thì đến năm 2012 con số này đã tăng lên hơn 26 tỷ đồng.


 

Bộ trưởng Nguyễn Quân và đoàn công tác đi thăm một DN có nhiều ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất

Giai đoạn từ năm 2006 - 2010 Sở KH&CN tỉnh Trà Vinh đã triển khai 98 đề tài, dự án, trong đó đã có 70 đề tài dự án được nghiệm thu và ứng dụng phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Qua đó, trình độ công nghệ trong một số ngành được đổi mới và nâng lên một bước, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nhiều viện, trường, doanh nghiệp. Điển hình, nhờ áp dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, phòng ngừa dịch bệnh nên sản lượng tôm sú nuôi niên vụ 2011 đạt trên 23.000 tấn, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2010. Bên cạnh đó, giá trị sản xuất công nghiệp - thủ công nghiệp cũng đạt 4.170 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2010. Trong đó, với hàng loạt dự án áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, các doanh nghiệp đã tăng lợi nhuận hàng tỷ đồng.


Ông Diệp Minh Sơn, Giám đốc Sở KH&CN Trà Vinh khẳng định: KH&CN đã đóng góp tích cực vào việc tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được chuyển giao cho nông dân. Năm 2011, KH&CN đã đóng góp khoảng 18-20% GDP, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động KH&CN của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do cơ chế tài chính còn nhiều bất cập, đầu tư cho KH&CN chưa xứng với tiềm năng và chưa có cơ chế ưu đãi thu hút nhân tài cho hoạt động KH&CN trong tỉnh.


Theo báo cáo của UBND tỉnh Trà Vinh, hiện nay, KH&CN chưa có cơ chế quản lý nghiên cứu triển khai cấp vùng mà chỉ mới có cấp nhà nước, cấp tỉnh, cấp cơ sở. Thực tế này gây nhiều khó khăn trong việc thực hiện các đề tài, dự án lớn mang tính đột phá có hiệu ứng liên tỉnh. Việc đổi mới cải tiến máy móc, thiết bị công nghệ của các doanh nghiệp còn chậm, tình trạng lạc hậu về công nghệ đang là trở ngại lớn trong quá trình phát triển, hội nhập và cạnh tranh.


Bên cạnh đó, ông Diệp Minh Sơn còn cho biết: Một số quy định hướng dẫn về định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước được ban hành ngày 7/5/2007 đến nay đã không còn phù hợp.


Nguyên nhân là do giá các mặt hàng, trang thiết bị... phục vụ cho công tác nghiên cứu đã vượt lên rất nhiều so với định mức chi đang được quy định trong Thông tư. Đây thực sự là một bất cập lớn cho hoạt động KH&CN không chỉ riêng tỉnh Trà Vinh, mà của cả nước. Ngoài ra, hạn chế lớn nhất của hoạt động KH&CN tại tỉnh Trà Vinh là vấn đề khó thu hút, mời gọi chuyên gia đầu ngành về tư vấn, phản biện, tham gia nghiên cứu triển khai ở tỉnh.


Theo số liệu của UBND tỉnh Trà Vinh: Tính đến thời điểm 2012, toàn tỉnh có 41 đơn vị hoạt động KH&CN thì có tới 35 đơn vị (chiếm 85,36%) hoạt động theo hình thức bao cấp, 100% kinh phí do Nhà nước hỗ trợ, chỉ có 6 đơn vị là tự chủ được nguồn kinh phí (chiếm 14,64%). Cả tỉnh mới có 3 cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ, 236 cán bộ khoa học có trình độ thạc sĩ và 2.343 người có trình độ đại học. Số cán bộ khoa học ít về số lượng, chưa cao về chất lượng… Nguyên nhân của tình trạng này là cơ chế, định mức tài chính cho cán bộ khoa học còn nhiều hạn chế, không tương xứng với giá trị tài sản trí tuệ đóng góp của các nhà khoa học.

 

Tháo gỡ khó khăn


Trước những thực tế của tỉnh Trà Vinh, Chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ KH&CN với UBND tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2012 - 2015 sẽ nhằm tháo gỡ phần nào những khó khăn cho hoạt động KH&CN tại tỉnh. Chương trình sẽ tập trung hỗ trợ việc triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, nhất là các hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN, trong đó, ưu tiên phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tập trung phát triển những sản phẩm chủ lực của tỉnh hướng tới quy mô sản xuất hàng hóa có sản lượng và chất lượng cao. Bộ KH&CN cũng hỗ trợ tỉnh trong việc tìm kiếm công nghệ, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu mở rộng thị trường, xúc tiến đầu tư và đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.


Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết: Giai đoạn 2012 - 2015, Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ tỉnh Trà Vinh nâng cao năng lực cho các tổ chức KH&CN, trong đó ưu tiên đầu tư Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN; hoàn thiện hệ thống thông tin về KH&CN; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực chế biến sản phẩm thủy, hải sản; triển khai và phát triển các hoạt động xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu và hai bên cũng thống nhất sẽ cùng phối hợp cụ thể hóa một số vấn đề KH&CN đặt ra của tỉnh Trà Vinh, đáp ứng các tiêu chí của các nhiệm vụ KH&CN…


Trong giai đoạn từ năm 2012 - 2015, Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ đầu tư kinh phí cho tỉnh Trà Vinh thực hiện 22 dự án với tổng kinh phí 720.700 triệu đồng gồm 7 lĩnh vực: Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp đến năm 2020; Chương trình nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ sản xuất các sản phẩm chủ lực địa phương; Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015; ứng dụng KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình nghiên cứu KH&CN phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên; Chương trình đề án nâng cao năng lực của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc tỉnh Trà Vinh và Chương trình tăng cường tiềm lực KH&CN cho địa phương.


Ông Trần Khiêu, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh khẳng định: Với sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, trong thời gian tới tỉnh Trà Vinh nhất định sẽ có những thay đổi tích cực. Chương trình phối hợp sẽ đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực để tổ chức thực hiện thành công các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp nhà nước, cấp tỉnh và các hoạt động KH&CN trên toàn tỉnh. Chương trình sẽ góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Trà Vinh thực sự trở thành địa bàn kinh tế trọng điểm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.


Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng: Hiện nay nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn nên việc tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương là rất cần thiết. Chương trình phối hợp sẽ tạo nên sự gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa bộ, ngành và địa phương, tháo gỡ phần nào những khó khăn mà tỉnh Trà Vinh đã và đang gặp phải. Chương trình phối hợp cũng giúp cho hoạt động KH&CN có điều kiện phát triển thuận lợi nhất, để KH&CN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Trà Vinh.


Bài và ảnh: Phương Hoàn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN